Nhiều doanh nghiệp thờ ơ

Công nghiệp - Ngày đăng : 11:54, 18/07/2013

Đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu công nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp lại không quan tâm...



Công ty CP Vị Luân chuyên kinh doanh mặt hàng sơn SPEC nhưng chưa đăng ký
bảo hộ nhãn hiệu độc quyền phân phối sản phẩm


Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân. Đây cũng là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta còn ít doanh nghiệp quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu.


Chưa nghĩ tới

Có một thực trạng là hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm xin cấp giấy phép kinh doanh chứ không nghĩ đến việc đăng ký nhãn hiệu và quyền sở hữu công nghiệp. Đặc biệt do kinh tế suy giảm nên nhiều doanh nghiệp không thiết tha đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.

Công ty CP Tin học Sao Đỏ ở số 1, đường Hoàng Hoa Thám (TP Hải Dương) kinh doanh các mặt hàng máy tính, điện tử đã hơn 10 năm nay. Đây là một trong những công ty kinh doanh thiết bị điện tử đầu tiên ở Hải Dương, đã tạo được uy tín trên thị trường. Nhưng doanh nghiệp chưa hề nghĩ đến việc bảo hộ nhãn hiệu “Sao Đỏ”. Anh Doãn Thế Dũng, Giám đốc kinh doanh của công ty cho biết: “Công ty chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ khách hàng chu đáo. Nếu thiết bị hỏng, khách hàng chỉ cần gọi điện là nhân viên công ty đến tận nhà để sửa chữa, bảo dưỡng. Ngoài ra, sản phẩm của công ty bán rẻ hơn 10% so với các sản phẩm ngoài thị trường. Vì thế, công ty đã tạo được uy tín nên tôi cũng không nghĩ đến việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu”. Các sản phẩm của công ty hiện đều được dán nhãn hiệu, nhưng các nhãn hiệu này do công ty tự thiết kế chứ chưa đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Công ty CP Vị Luân (Thanh Hà) mới thành lập tháng 4-2013, chuyên kinh doanh mặt hàng sơn SPEC. Khi chúng tôi hỏi về việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, anh Đặng Văn Vị, Giám đốc công ty cho biết: "Chúng tôi đã làm đầy đủ hồ sơ, thủ tục ở Sở Kế hoạch và Đầu tư. Còn việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền phân phối sản phẩm thì tôi chưa nghĩ tới". Khi chúng tôi nói đến Luật Sở hữu trí tuệ và quyền đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, anh Vị cũng không biết đăng ký nhãn hiệu ở đâu.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp trong nước, hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đến nay mới chỉ có 891 doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này chưa tìm hiểu kỹ về Luật Sở hữu trí tuệ, đơn vị tư vấn và cũng chưa nghĩ đến việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.



Tham gia kinh doanh hơn 10 năm nay nhưng Công ty CP Tin học Sao Đỏ chưa đăng ký nhãn hiệu


Dễ nản vì thủ tục


Anh Hoàng Văn Thanh ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 4 với tên là Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Vận tải KaLong. Vừa qua, anh Thanh đã đến Phòng Sở hữu trí tuệ để làm nhãn hiệu. Phòng đề nghị anh Thanh tìm các nhãn hiệu để cán bộ phòng tra cứu giúp, vì nhãn hiệu “KaLong” đã trùng với doanh nghiệp vận tải khác ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Nhưng đến nay, anh Thanh vẫn chưa gửi tên nhãn hiệu cho cơ quan chức năng. Anh Thanh cho biết: “Công ty tôi vẫn hoạt động bình thường. Việc đăng ký nhãn hiệu vừa mất thời gian, vừa không cần thiết, có thể tôi sẽ không làm nữa”.

Hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng nhưng do nhiều đơn vị chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên thường xuyên xảy ra các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Công ty TNHH Thương mại Việt-Đức kinh doanh xe ô-tô, xe máy của hãng Suzuki ở Hải Dương cũng thừa nhận là bấy lâu nay công ty cũng chưa quan tâm nhiều đến đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu. Năm 2012, công ty cũng đã làm hồ sơ đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu Việt-Đức, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Việc Việt-Đức chưa đăng ký được nhãn hiệu, thương hiệu riêng một phần cũng do thủ tục kéo dài. Mặt khác, do đơn vị đã có uy tín nhất định trên thị trường nên chủ quan. Ông Nguyễn Thy San, Giám đốc công ty cho biết: Việc đăng ký nhãn hiệu chỉ để tránh xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, không đáng lo việc này vì sản phẩm của công ty đã tạo được uy tín trên thị trường.

Theo Phòng Sở hữu trí tuệ, đơn vị luôn tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục sở hữu trí tuệ. Ngoài việc hướng dẫn thủ tục, phòng còn hỗ trợ tra cứu sơ bộ, hỗ trợ kinh phí xác lập quyền sở hữu công nghiêp. Thời gian tới, phòng tiếp tục phổ biến kiến thức và các bước đăng ký nhãn hiệu, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh đều có quyền đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu đó có thể dùng cho các sản phẩm do đơn vị tự sản xuất, dịch vụ, hàng hóa mà họ cung cấp, buôn bán. Để tránh bị xâm phạm nhãn hiệu, các đơn vị kinh doanh nên đăng ký nhãn hiệu.

Để các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc đăng ký nhãn hiệu, Phòng Sở hữu trí tuệ cần tăng cường phối hợp tuyên truyền Luật Sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng cần rút ngắn thời gian tra cứu giúp doanh nghiệp sớm hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, người đi đăng ký nhãn hiệu phải tìm hiểu trước các thông tin về nhãn hiệu mình đang định làm, sau đó đến cơ quan quản lý nhà nước để nhờ tư vấn, tra cứu.


Theo Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian để cấp nhãn hiệu cho sản phẩm đúng quy định là 12 tháng, nhưng trong quá trình tra cứu, kiểm tra tiến độ chậm có thể kéo dài tối đa 18 tháng. Mỗi đơn vị chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hoá, dịch vụ. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm: tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mẫu nhãn hiệu (9 mẫu kèm theo, ngoài một mẫu được gắn trên tờ khai), tài liệu chứng minh quyền đăng ký, hồ sơ có giấy đăng ký kinh doanh, hợp đồng hoặc tài liệu khác xác nhận hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ của người nộp đơn. Đơn vị kinh doanh phải mô tả nhãn hiệu trong tờ khai, chỉ rõ loại nhãn hiệu đăng ký (nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu liên kết, nhãn hiệu chứng nhận). Nhãn hiệu ghi rõ chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc địa lý.


BÌNH NGUYÊN