Còn nhiều việc phải làm
Kinh tế - Ngày đăng : 10:27, 19/07/2013
Vỉa hè dành cho người đi bộ ở đường Bạch Đằng thường xuyên bị chiếm dụng. Ảnh: Mai Anh
Từ năm 2010, khi triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2010 - 2015", UBND TP Hải Dương đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo thực hiện đề án. Về cơ sở hạ tầng, TP Hải Dương có 213 tuyến phố chính cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng tuyến phố văn minh. Để đạt các tiêu chí của đô thị loại 1, sau khi thí điểm tại 7 tuyến phố, thành phố đang nhân rộng xây dựng 35 tuyến khác.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương, ở 7 phố thí điểm xây dựng tuyến phố văn minh đã không còn chợ tự phát, giảm nhiều hoạt động lấn chiếm lòng lề đường, quảng cáo rao vặt, vệ sinh môi trường được bảo đảm; việc dựng xe đạp, xe máy trên vỉa hè đã ổn định, ngăn nắp; giảm rõ rệt hiện tượng đỗ, dừng xe ô-tô không đúng quy định... Tuy nhiên, kết quả đó chưa bền vững.
Kết quả kiểm tra thực tế gần đây của Thành ủy Hải Dương cho thấy, ngay trên 7 tuyến phố thí điểm, tình trạng xả bừa rác thải sinh hoạt, chất thải rắn; tập kết vật liệu xây dựng, bán hàng trên hè phố; đỗ, dừng xe ô - tô không đúng quy định; xếp dựng xe đạp, xe máy tự do lộn xộn... lại tái diễn. Điển hình như khu vực Nhà thờ, trước các ngân hàng: Sacombank, VIP, ACB (phố Trần Hưng Đạo), gần các sở Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Trường Tiểu học Tô Hiệu (phố Quang Trung)... Phố Phạm Ngũ Lão cũng tồn tại tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bày bán hàng, dựng xe không đúng quy định, nhất là vào chiều tối ở các ki-ốt bán hàng gần cổng Công ty CP Sứ Hải Dương, số nhà 12, 14, 16, 39, 46… Trên phố Bạch Đằng vẫn có nhiều quán trà đá, bán kính, bán hoa lan... chiếm dụng vỉa hè, tập trung nhiều vào chiều tối. Phố Thống Nhất xếp dựng xe lộn xộn thường xuyên. Ở phố Nguyễn Du, tình trạng bày bán hàng lấn chiếm hè phố diễn ra thường xuyên tại các số nhà 8B, 10, 12; tập kết rác thải bừa bãi trước cổng Công ty CP Kinh doanh nhà và Xây dựng Hải Dương…
Các lực lượng quản lý trật tự đô thị thành phố và các phường đã ra quân giải tỏa các điểm vi phạm nhưng do lực lượng mỏng, xử lý chưa nghiêm nên hiệu lực không cao. Một số phường có dấu hiệu buông lỏng quản lý, chỉ thực hiện hình thức, chiếu lệ. Ý thức xây dựng tuyến phố văn minh đô thị chưa thực sự thấm sâu trong suy nghĩ của người dân. Một bộ phận người dân chưa tự giác hoặc thực hiện những quy định được đề ra theo kiểu đối phó.
Khó nhất là vỉa hè
Trong các tiêu chí xây dựng tuyến phố văn minh, khó khăn nhất vẫn là quản lý và sử dụng vỉa hè. Theo quy định, trên các tuyến phố này không được phép lấn chiếm vỉa hè để sử dụng vào mục đích khác ngoài đi bộ. Nhưng thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán luôn tồn tại nhiều năm qua, sau mỗi đợt ra quân thì đâu lại vào đấy. Ông Hoàng Văn Thăng, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết: Từ tháng 6-2011, phường triển khai xây dựng tuyến phố văn minh đô thị ở một đoạn phố Ngô Quyền (từ điểm giao với đường Nguyễn Lương Bằng tới điểm giao với đường Nguyễn Văn Linh), phấn đấu đạt được trong năm nay, nhưng việc xóa bỏ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường rất khó vì đây là nơi mưu sinh của nhiều người dân.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
TP Hải Dương đang phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020, đồng thời hướng tới một đô thị "Sáng - xanh - sạch - đẹp", trật tự, an toàn và phát triển bền vững. Ông Phạm Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương khẳng định: Văn minh đô thị chính là một tiêu chí quan trọng không thể thiếu. Muốn thực hiện thành công việc xây dựng tuyến phố "Văn minh đô thị" cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Trước hết đòi hỏi ý thức chấp hành của người dân. Các tổ dân phố, tổ tự quản cần làm tốt việc nhắc nhở, vận động bà con buôn bán làm ăn đúng vị trí quy định. Đồng thời, thực hiện lồng ghép các quy định nếp sống văn minh đô thị với các tiêu chí của tuyến phố văn minh. Trước mắt, cần tập trung tổ chức các điểm trông giữ xe đã được cấp phép, kiểm tra chéo giữa các phường, xây dựng các bảng quảng cáo rao vặt, nhắc nhở các hộ vi phạm trên hệ thống loa công cộng, xử phạt nêu gương với các hộ cố tình vi phạm... Cần xác định rõ trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện các nội dung của đề án, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về các nội dung đề án đến các tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân để nêu cao ý thức trách nhiệm xây dựng tuyến phố văn minh đô thị. Bên cạnh việc xây dựng "Tuyến phố văn minh đô thị" cần học tập, xây dựng các mô hình “Tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa”, "Tổ dân phố không rác", "Chợ văn minh thương mại”... đang có ở một số đô thị lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Tuyến phố văn minh đô thị bao gồm các tiêu chí: Xây dựng, lắp đặt quảng cáo phải có giấy phép và thực hiện theo giấy phép. Đường thông, hè thoáng, đỗ, dừng và dựng xe đúng quy định. Không xả chất thải ra đường, không tập kết vật liệu xây dựng sai quy định. Mua bán trong nhà, niêm yết giá và bán hàng theo niêm yết giá. Thực hiện các quy định về trật tự xây dựng, an toàn giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự trong quảng cáo. Các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình phải treo cờ Tổ quốc đúng quy định và đầy đủ trong các ngày lễ, Tết. Giữ gìn, bảo quản và chăm sóc sạch đẹp các công trình di tích lịch sử văn hóa, cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, tài sản nơi công cộng. Các công trình xây dựng ở mặt đường có kiến trúc hài hoà, bảo đảm sạch đẹp, an toàn. Hệ thống chiếu sáng, cấp, thoát nước luôn hoạt động tốt... |
THÀNH LONG