Nơi bảo tồn chèo cổ

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 22/07/2013

Từ nhiều năm nay, Nhà hát Chèo Hải Dương đã có nhiều giải pháp thiết thực để giữ gìn, phát huy giá trị của chèo cổ...



Cảnh trong vở chèo "Chuông ngân rừng trúc" do Nhà hát Chèo Hải Dương dàn dựng


Đa dạng phương thức

Nhà hát Chèo Hải Dương tiền thân là Đoàn văn công nhân dân tỉnh Hải Dương, ra đời năm 1960. Trong 10 năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà hát Chèo Hải Dương đã liên tục xây dựng những vở chèo nhằm kế thừa và phát huy phương pháp nghệ thuật của chèo cổ về đề tài lịch sử, hiện đại, để lại dấu ấn trong lòng công chúng như: Côn Sơn hiền sĩ, Nữ sĩ Ngọc Toàn, Nam dược Thánh nhân... Đặc biệt vở chèo “Đào Lý một cành” về cuộc đời nghệ sĩ nhân dân Minh Lý đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật chèo xứ Đông và cả nước, gây được tiếng vang tại Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011 tại Thái Bình. "Đào Lý một cành" được bạn bè đồng nghiệp và khán giả đánh giá là vở diễn hiện đại, song nhuần nhị, đằm thắm chất chèo.

Ông Vũ Kim Hoàn, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh cho biết: Việc quan trọng nhất của bảo tồn di sản chèo cổ là bảo tồn phương pháp nghệ thuật mang đặc trưng thể loại. 10 năm qua, Nhà hát Chèo Hải Dương đã giành được nhiều thành quả quan trọng trong việc vận dụng sáng tạo, kết hợp hài hòa giữa kế thừa và phát triển chèo để bảo tồn di sản chèo cổ về phương pháp nghệ thuật. Đơn vị đã kiên trì đi theo chèo truyền thống, không để lai tạp, cho dù nhiều năm chèo vắng khách, đời sống diễn viên gặp khó khăn. Thành công này không mấy đoàn chèo, nhà hát chèo có được.

Nhà hát Chèo Hải Dương còn chú trọng bảo tồn di sản chèo cổ bằng việc dàn dựng lại những vở chèo mẫu như "Quan Âm Thị Kính", "Lưu Bình, Dương Lễ", "Trương Viên". Dựng những vở diễn này là cách tốt nhất để mỗi diễn viên tiếp thu, bảo lưu vốn chèo cổ. Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Thắng cho biết: “Tham gia vào các vở diễn mẫu sẽ làm người nghệ sĩ trưởng thành hơn. Riêng 2 năm gần đây, tôi đã trau dồi được thêm 10 làn điệu chèo cổ qua các vai diễn như: Đường trường thu không, Đường trường trong rừng, Sử chuyện, Sử bằng”... Trong vở “Huyền Quang tôn giả” mà Nhà hát Chèo Hải Dương đang dựng, nghệ sĩ Mạnh Thắng đảm nhiệm vai Huyền Quang. Đây là vai diễn sử dụng nhiều làn điệu chèo cổ như Sử bằng, Sử chuyện, Kệ, Nói hạnh…


Vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” do Nhà hát Chèo Hải Dương dàn dựng đã để lại dấu ấn
 trong lòng công chúng.  Ảnh tư liệu

Không chỉ dàn dựng lại các vở chèo mẫu, Nhà hát Chèo Hải Dương còn mở lớp tập huấn để diễn viên củng cố, nâng cao kỹ thuật hát 50 làn điệu chèo cổ. Ngoài ra, di sản làn điệu chèo cũng được bảo tồn trong các vở diễn mới. Nghệ sĩ Hồng Tươi, một diễn viên "cứng" của đoàn chia sẻ: “Ngay khi đặt chân vào Nhà hát Chèo, những làn điệu đầu tiên tôi được học là chèo cổ Quân tử vu dịch, Lới lơ... Qua thời gian, từ các vở diễn khuôn mẫu của chèo cổ dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, tôi được tiếp thu thêm nhiều làn điệu chèo mới, bổ sung vốn kiến thức cho mình”. Với tài năng cộng vốn kiến thức vững, chị là nghệ sĩ đảm nhiệm các vai khó trong các vở diễn. Vai diễn gần đây nhất của chị là cô hầu Hồng trong vở “Chuông ngân rừng trúc” phải sử dụng nhiều làn điệu chèo cổ. Trong đó có Hát vắt là điệu thông thường ít dành cho nữ, rồi Tưởng vọng xuân tình ít nghệ sĩ hát được vì đòi hỏi cữ giọng rộng, kỹ thuật cao.

Chèo cổ không chỉ được bảo lưu trên sân khấu chuyên nghiệp mà còn được đội ngũ diễn viên, nhạc công của nhà hát truyền thụ tới các đội văn hóa, văn nghệ cơ sở và trường học. Tham gia dự án “Sân khấu học đường” của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Chèo Hải Dương đã truyền thụ kỹ thuật hát, diễn chèo thông qua một số trích đoạn chèo cổ cho hàng trăm học sinh của 3 trường THCS: Cao Thắng (Thanh Miện), Thanh Hải (Thanh Hà) và Đồng Lạc (Nam Sách). Cùng với đó, các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát còn về các phường, xã trong tỉnh, những nơi có đội chèo không chuyên để giúp đỡ dạy hát, dựng vở ngắn, ca cảnh, hoạt cảnh, bài hát tham gia các hội diễn. Sự phát triển của các đội văn nghệ xã Thạch Khôi, phường Tân Bình (TP Hải Dương), thị trấn Gia Lộc…có một phần công sức không nhỏ của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hải Dương.

Cần tiếp tục quan tâm


Hải Dương nay, Hồng Châu xưa là một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật chèo truyền thống. Bên cạnh những thành quả đạt được, còn nhiều di sản, làn điệu chèo cổ chưa được khai thác, sưu tầm. Nếu những giá trị truyền thống đó mai một, thất truyền sẽ là mất mát lớn. Ông Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương cho rằng: Để việc bảo tồn chèo cổ tiếp tục đi vào chiều sâu, tỉnh ta cần có một công trình khoa học nghiên cứu về di sản chèo cổ trên đất Hải Dương. Trong đó không chỉ thống kê các làn điệu chèo cổ mà còn nghiên cứu lịch sử phát triển nghệ thuật chèo, phong cách nghệ thuật của chiếng chèo Đông, các nghệ sĩ chèo tiêu biểu của Hải Dương từ bà Phạm Thị Trân thời Đinh cho đến các nghệ sĩ chèo cách mạng thời nay. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư kinh phí để dựng tiếp một số vở chèo cổ mang tính công thức, mẫu mực như: Tôn Mạnh - Tôn Trọng, Chu Mãi Thần, Kim Nham…

Ngoài phục dựng, giữ nguyên hiện trạng chèo cổ thì việc vận dụng những đặc trưng, tinh hoa của chèo cổ vào các sáng tác mới cũng chính là một hình thức bảo tồn hiệu quả. Bên cạnh đó, việc gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống trong công đồng dân cư, làm sống lại các chiếu chèo sân đình cũng là một giải pháp hữu hiệu để giữ lửa cho chèo truyền thống. Hiệu quả việc đưa các làn điệu chèo vào một số trường học đã được khẳng định. Cần duy trì hoạt động này để thế hệ trẻ được tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật dân tộc.

NGỌC HÙNG