Đình cổ phượng Hoàng

Di tích - Ngày đăng : 10:53, 23/07/2013

Đình Phượng Hoàng với kiến trúc, nhiều đồ tế tự quý mang đặc trưng của thời Nguyễn đồng thời gắn với những thăng trầm của làng quê qua các thời kỳ lịch sử.



Đình Phượng Hoàng có kiến trúc hình chữ Đinh


Đình Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng)  được bố cục theo lối kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung, tọa lạc trên mảnh đất cao ráo, móng, tường xây bằng gạch chỉ, các chân cột kê đá tảng, nền lát gạch vuông, mái lợp ngói vảy cá. Bờ nóc được đắp phù điêu lưỡng long chầu nguyệt, thân rồng cuộn năm khúc, năm đao tóc bay về phía sau, râu vươn dài về phía trước. Hai đầu hồi gắn lạc long, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Phía trước hồi xây dật cấp để nối với cột lồng đèn ở hai bên. Cửa đi gỗ kiểu bức bàn. Bên trong, hệ thống khung gỗ được liên kết các vì kèo theo kiểu con chồng giá chiêng. Các mảng điêu khắc của đình đều tập trung vào đầu bẩy, xà nách và các bức cốn ở gian trung tâm với những đồ án khác nhau được trang trí liên hoàn cả hai mặt. Có bức mô tả đề tài “tứ linh” bao gồm: quy (rùa), long mã (ly), long (rồng) và chim phượng; có bức chạm tỳ bà, thư bút; có bức chạm nậm rượu, cuốn thư thể hiện tài năng của người nghệ nhân dân gian xưa, xứng đáng là một công trình kiến trúc tiêu biểu mang đặc trưng của thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Bên cạnh những giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, cũng giống như nhiều ngôi đình khác, đình Phượng Hoàng gắn bó thân thiết với cuộc sống của mỗi người dân, cùng chứng kiến những thăng trầm của làng quê Phượng Hoàng qua các thời kỳ lịch sử với biết bao biến cố của thiên nhiên và xã hội. Trong thời kỳ Cần Vương chống Pháp (1883 - 1888), nhân dân Nga Hoàng (Phượng Hoàng ngày nay) đã cùng với nhân dân các vùng phụ cận thuộc Cẩm Giàng, Lương Tài (Bắc Ninh)... hưởng ứng phong trào Bãi Sậy của nghĩa quân Tán Thuật. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Phượng Hoàng là địa bàn hoạt động du kích mạnh mẽ. Năm 1951, sau nhiều trận càn ác liệt, quân Pháp đã o ép lập tề ở Cẩm Hoàng. Tại khu vực đình Phượng Hoàng, chúng đặt hai bốt Quận Dũng và Hương Dũng. Năm 1971, do vỡ đê Nhất Trai (Bắc Ninh), Cẩm Hoàng và nhiều địa phương phụ cận bị lụt lớn, các hạng mục công trình bị xuống cấp. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), nhân dân địa phương tích cực công đức xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích làm nơi sinh hoạt văn hoá,  tín ngưỡng lành mạnh.

Đình Phượng Hoàng thờ tam vị đại vương: Nhất lang tôn thần Hồng Bảo Quốc, Nhị lang tôn thần Hồng Tuấn Đức, Tam lang tôn thần Hồng Đốc Khánh là ba danh tướng thời Hùng Duệ Vương có công đánh dẹp nội chiến Hùng - Thục, thống nhất đất nước. Đồng thời di tích còn thờ Thiên tiên Thánh Mẫu cửu trùng Thiên Thanh Vân công chúa (Tiên Dung). Các nhân vật lịch sử trên gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc.

Đình Phượng Hoàng có nhiều đồ tế tự quý. Tuy chiến tranh và thiên tai đã làm hư hại, mất mát một phần, nhưng hiện tại đình còn một số di vật, cổ vật có giá trị về nghệ thuật và niên đại vào thời Lê và thời Nguyễn gồm 1 bia đá, 1 bát hương gốm, 4 nậm rượu, 1 mâm bồng, 1 bảng độc chúc…

Đình Phượng Hoàng đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2007.

ĐẶNG THU THƠM

Hội đình Phượng Hoàng hằng năm được tổ chức vào tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội có tục rước chạ rất độc đáo. Từ xa xưa, ba làng Phượng Hoàng, Trạm Nội (nay thuộc xã Cẩm Văn) và Lai Đông (nay là xã Trung Chính, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) đã kết nghĩa với nhau. Vào ngày hội, ngay từ ngày mồng 9, đình làng đã được mở cửa để phong cờ quạt, làm lễ nhập tịch. Ngày mồng 10 chính hội, dân làng tổ chức rước tượng Thành hoàng Đức thánh cả Hồng Bảo Quốc từ đình ra nghè Phượng Hoàng tế lễ. Đám rước rợp trời với cờ, chiêng trống, bát bửu, long đình, kiệu bát cống, quan viên, các vị bô lão và dân làng. Hôm sau, làng Trạm Nội và Lai Đông lại rước kiệu Thành hoàng đến đình làng Phượng Hoàng hợp tế, giao lưu. Trong những ngày hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: đấu vật, bơi ếch, cầu kiều, tối có hát chèo, hát trống quân, tam cúc điếu... Lễ hội đình Phượng Hoàng đã trở thành nhu cầu tâm lý của cả cộng đồng làng xóm, có khả năng liên kết các thành viên trong cộng đồng thành một khối vững chắc, phấn đấu cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.