Chung thủy

Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:57, 23/07/2013



Minh họa: Văn Hà


Ở tuổi gần năm mươi như Liên mới sống với người đàn ông dưới một mái nhà cũng không là chuyện “xưa nay hiếm”. Nhưng “hiếm” ở chỗ, gần ba mươi năm nay, dân thị trấn ai cũng nghĩ Liên đã có một đời chồng, được một đứa con, thằng Tin bây giờ, sau do chuyện gì đó, hai người chia tay. Bởi trong tâm thức người nơi đây, không ai nghĩ một người đàn bà mà sự hiền dịu, phúc hậu hiện trên nét mặt, lại có thể cho ra đời một đứa con hoang. Thế nên, sau buổi chiều Liên dẫn người thương binh mù cả hai mắt lần lần bước đi trên con đường dốc, đến ủy ban làm giấy đăng ký kết hôn, thì dân thị trấn, nhất là mấy ông trung niên “nhóm máu dê” mới ngã ngửa là Liên chưa hề có đời chồng nào. Cuộc đời kể cũng lắm éo le, nhiều uẩn khúc.

Liên học năm thứ ba khoa ngữ văn Đại học Sư phạm thì đem lòng yêu Tưởng, chàng sinh viên có biệt tài làm thơ và ngâm thơ. Lần ấy trường tổ chức thi thơ mừng ngày nhà giáo. Liên vốn thích thơ, lại học ngữ văn nên vẫn âm thầm ghi chép từng câu thơ nảy ra trong đầu, hoặc đọc ở đâu đó. Khi trường có cuộc thi, Liên chọn bài thơ khá nhất trong “sổ tay thơ” nộp lớp, cũng chỉ nghĩ để khỏi bị cho là “thiếu ý thức”. Không ngờ được giải nhì và người cùng giải với Liên là Tưởng, chàng sinh viên bị đám con gái tặng cho biệt danh “Tưởng nhà quê”. Có lẽ vì nước da đen đúa, tính nết thật thà như đếm, chứ anh là người phố chính tông. Khi hai người lên nhận giải, đám sinh viên ngồi chật hội trường reo hò, thúc giục hai “tân khoa” ngâm thơ. Tưởng nhiều lần đọc thơ cho bè bạn nghe, nên không ngần ngại; còn Liên, dường như không đủ can đảm đọc nổi mấy câu, chứ đừng nói cả bài, cứ đứng ngây ra trên sân khấu. Tưởng vội chìa tay về phía Liên, nói nhỏ: “Đưa tôi đọc hộ”. Tức thì, đám sinh viên reo hò tưởng đến vỡ hội trường: “Liên đưa Tưởng đọc đi”, “Đẹp đôi lắm. Hôn đi, hôn…!”. Liên vội dúi tờ giấy chép thơ vào tay Tưởng, chạy vụt xuống.

Sau cái tối không thể nào quên ấy được mấy tháng thì xảy ra cuộc chiến biên giới, Tưởng tình nguyện “xếp bút nghiên theo việc binh đao”. Trước hôm lên đường, Tưởng sang ký túc xá con gái. Tới gốc cây cuối dẫy nhà ký túc đã thấy Liên ngồi thẫn thờ, tay cuộn cuộn tờ giấy nhỏ. Gặp nhau Liên không trách móc, giận hờn Tưởng về sự chậm trễ như bao cặp tình nhân mỗi lần chậm trễ hẹn hò, mà chỉ đưa cho Tưởng tờ giấy đang cầm tay, bảo: “Em chẳng có gì kỷ niệm anh lên đường, chỉ có bài thơ tặng anh”. Tưởng nói trong tiếng cười vui: “Thế thì anh thuộc lòng ngay tắp lự. Em đọc lên xem nào”. Liên không quen đọc thơ mình cho ai nghe, nhưng lần này lại bâng khuâng cất tiếng: “Rất có thể là anh không quên em/Không quên những đêm nhạt nhòa mây trắng/Tiếng thơ em - tiếng hát tự đáy lòng/Hát cho em và cả cho anh/Những tâm hồn chỉ biết có tình yêu chung thủy”. “Hay lắm”, Tưởng khẽ khàng như chỉ sợ làn gió cuốn đi hơi thở của Liên đang phả nhẹ nơi cổ mình: “Tình yêu chung thủy”, em đã nói hộ lòng anh”. Tưởng vừa buông tiếng, Liên ôm choàng lấy anh, đặt lên môi anh những cái hôn đắm đuối. Con gái dễ yếu mềm, đôi khi chỉ lời nói ngọt ngào đã làm trái tim xúc động đến nhũn ra thành nước. Và chính cái giây phút không kìm nén được ấy, dưới ánh trăng hạ huyền, dưới gốc cây cổ thụ cuối dẫy nhà ký túc, Liên đã trao sự trinh trắng cho Tưởng một cách không đắn đo dè dặt, với sự yêu thương nồng cháy người con trai sớm mai phải chia tay lên đường ra trận.

Sau ngày Tưởng lên đường mấy tháng, thì cả lớp phải họp  nghe Liên “thành thật” trả lời câu hỏi của lớp trưởng “đã quan hệ bất chính với ai?”. Liên chỉ một mực: “Tôi làm tôi chịu, không để liên lụy đến người nào”. "Ngoan cố. Phải xử lý ngay để làm gương cho người khác". Ngay hôm sau, Liên bị gọi lên phòng giám hiệu để nhận một lời phán như sét đánh: “Cô phải rời khỏi trường ngay tức khắc. Nhà trường sẽ có giấy gửi về quê sau”.

Nhưng Liên không về quê, mà đi thật xa ra ngoài đảo, như một sự chạy trốn biệt tăm. Phần muốn đi biệt một nơi để khỏi buồn lụy đến cha mẹ, bởi ở quê Liên, con gái không chồng mà chửa là việc xưa nay tối kỵ. Liên có cô bạn “con chấy cắn đôi” lấy chồng ngoài đó. Hân, tên cô bạn, vồn vã đón Liên với cả niềm vui và sự nuối tiếc. Tối hôm Liên đến, cơm nước xong, Hân bảo: “Thôi, đến nước này thì mày ở đây với tao. Về quê bây giờ các cụ gằn hắt cũng khổ lắm”. Liên bảo: “Tao cũng biết thế, nên định ra đây nương nhờ mày. Chờ ngày mẹ tròn con vuông tao tìm đường đi nơi khác”. Hân nói như ra lệnh: “Không đi đâu nữa. Đẻ xong dọn cái quán ngoài bến bán chè nước cũng có ăn, lo gì”. Bốn tháng, sau cái đêm hai người đàn bà dở khóc dở cười ra nước mắt ấy, Liên sinh thằng bé bụ bẫm. Không hỏi ai nửa lời, Liên đặt tên con là Tin, “thằng cún Tin”, Liên thường nựng con thế. Hân không hỏi, sao mày đặt tên con là Tin, nhưng với nhạy cảm đàn bà, Hân hiểu Liên vẫn còn ôm ấp niềm tin vào sự trở lại của người đàn ông nào đó.    

Thời gian trôi đi. Một chiều, tàu thủy đổ khách lên đảo. Liên rảo bước xách cái làn nhựa đựng mấy chai nước khoáng, bia lon, bánh kẹo, thuốc lá xuống bến chào mời khách. Bỗng Liên đứng sững, đôi mắt đổ dồn về phía người đàn ông vận quân phục bạc màu, đeo kính đen có đôi gọng sừng to như hai cái đũa cả vắt ngang hai bên thái dương, tay cầm cái gậy huơ huơ về phía trước, rờ rẫm lần từng bước ra cửa soát vé. Liên không còn đủ bình tĩnh, lao nhanh ra cửa, mặc cho người soát vé túm áo, quát: “Đã lên còn xuống, vé đâu?”. Thì vừa lúc người đàn ông đeo kính đen lần lần bước tới, Liên vội vã ôm chầm lấy gọi lạc giọng:
- Anh Tưởng…!

Cả bến tàu ồn ào, bỗng im phắc. Ai nấy lặng đi, đổ dồn cặp mắt về phía hai người.

Mãi đến khi Liên dẫn Tưởng về ngôi nhà con, một nửa kê chiếc giường đôi, một nửa làm nơi bán hàng, Tưởng vẫn còn bàng hoàng chưa phân biệt nổi thực hư. Người đàn bà gọi mình trên bến tàu, rồi dẫn lên xe ôm về đây, có đúng là Liên hơn ba mươi năm trước, hay chỉ là người quen. Đôi mắt không còn giúp anh phân định rõ hình dáng, sức vóc người trước mặt. Một mảnh đạn trong trận đọ sức với kẻ địch trên cao nguyên phía bắc xa xôi đã cướp đi của anh sự huyền diệu của con người. Tưởng thận trọng và dè dặt ngồi vào mé giường, ngửa mặt nhìn về phía trước, cất tiếng hỏi một câu mà bất cứ ở đâu khi chưa nhận ra người nói chuyện với mình, anh cũng hỏi như thế: “Cô là ai nhỉ? Tôi chưa nhận ra”. Liên đang bưng cốc nước chanh vừa pha đến trước mặt anh, nghe câu hỏi ấy bỗng rủn cả người, chiếc cốc trên tay rơi ngay xuống đất. Liên lao vào lòng Tưởng, thiếu chút nữa cả hai đổ nhào ra giường, giọng lạc đi: “Trời, anh Tưởng! Anh không nhận ra em thật ư. Em đây, Liên của anh đây!”. Nghe câu nói xúc động của Liên, anh chỉ thấy hai thái dương giật giật. Giọng anh hơi lạc đi: “Vậy cô còn nhớ, khi chia tay hai người có kỷ niệm gì?”. Liên vội thảng thốt: “Có, một bài thơ”. Rồi vội đọc: “Rất có thể  là anh không quên em/Không quên những đêm nhạt nhòa mây trắng”. Mới nghe đến đấy, Tưởng đã dào lên niềm xúc động đến trào nước mắt, vội tiếp lời như thể bấy lâu chỉ chờ có thế: “Tiếng thơ em, tiếng hát tự đáy lòng/Hát cho em, và cả cho anh. Những tâm hồn chỉ biết có tình yêu chung thủy”.

Liên xốn xang cõi lòng, gục đầu vào vai Tưởng. Những giọt nước mắt thấm ướt vai áo anh. Lúc lâu, Liên ngước nhìn Tưởng cất giọng âu yếm pha chút giận hơn:

- Bấy lâu anh đi những đâu, mà bây giờ mới tới đây?
Tưởng lần lần bàn tay Liên:

- Sau khi điều trị lành vết thương, anh xin về trại an dưỡng thương binh nặng của Bộ. Vì về nhà thì bố mẹ không còn ai, cô em út lấy chồng mãi Nghệ An, ông anh về mất sức, có những bốn đứa con chỉ trông vào quán hàng khô của vợ. Cảnh nhà thế, chỉ Tết anh mới về thăm, chứ trại cũng không có ý định cho anh về gia đình an dưỡng. Mới lại, thực tình anh cũng nghĩ mình đã thế này cũng không nên làm khó khăn cho ai nữa. Nhưng tháng trước gặp cô Thư cùng lớp với em, đi trong đoàn phụ nữ tỉnh đến thăm thương binh nặng ở trại, mới biết em ở ngoài này.

Nói đến đấy, Tưởng rờ rẫm đôi tay lên hai má Liên vuốt ve, trìu mến. Rồi anh bảo, bao nhiêu năm xa nhau, mỗi khi nhớ em, anh đọc thơ là lại thấy như có em ở bên.  “Tiếng thơ em, tiếng hát tự đáy lòng/Hát cho em, và cả cho anh. Những tâm hồn chỉ biết có tình yêu chung thủy”. Giọng Tưởng cất lên, và rất nhanh, Liên cũng hòa vào giọng đọc của anh.

Truyện ngắn của CAO NĂM