Đường mới Nam Tân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:40, 24/07/2013

Do cán bộ và nhân dân đều đồng lòng nên đến nay, xã Nam Tân (Nam Sách) sắp "về đích" trong xây dựng đường giao thông theo tiêu chí nông thôn mới...



Đường trục chính từ UBND xã Nam Tân đến thôn Long Động đã được mở rộng 7 m, đạt chuẩn nông thôn mới


Giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí này, xã Nam Tân (Nam Sách) quyết tâm huy động sức người, sức của để sớm "về đích".

Những con đường rộng mở

Xã Nam Tân có tất cả 28,3 km đường giao thông, trong đó trục đường liên xã dài 2,8 km, đường liên thôn dài 4,5 km, còn lại là đường thôn. Trước đây, hệ thống đường giao thông của xã Nam Tân đã cơ bản được đổ bê-tông và nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, do được làm từ lâu khi chưa có quy chuẩn rõ ràng nên những đoạn đường thường rộng, hẹp khác nhau.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tuyến đường đầu tiên được khởi công ở xã Nam Tân dài 1,3 km từ trụ sở UBND xã đến thôn Long Động. Đây là tuyến đường chính của xã (nối với đường 183), người và phương tiện tham gia giao thông khá đông. Trước đây đường nhỏ hẹp, có nhiều ổ gà, nhiều góc bị khuất tầm nhìn. UBND xã Nam Tân đã trích ngân sách 5,5 tỷ đồng làm lại con đường. Đường được mở rộng lên 7 m (rộng hơn trước đây 3 m), đổ bê-tông dày 25 cm (dày hơn 15 cm) và được cải tạo lại cho thông thoáng hơn. Nhờ người dân tự nguyện hiến đất, con đường đã được làm thẳng, to, đẹp. Từ đó, bộ mặt thôn Long Động cũng như cuộc sống của người dân ở đây thay đổi hẳn. Hệ thống điện chiếu sáng cũng được lắp đặt tạo thuận lợi cho người dân đi lại vào buổi tối. 2 bên đường, người dân xây thêm quán làm dịch vụ.

Các thôn ở xã Nam Tân cũng hăng hái hưởng ứng phong trào làm đường. Đồng chí Mạc Văn Phụng, Trưởng thôn Long Động cho biết: Long Động có 2 km đường thôn. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, lại được tỉnh hỗ trợ xi-măng, nhân dân thôn Long Động đã đóng góp được 586 triệu đồng để nâng cấp 713 m, chiều rộng từ 1,5 lên 4 m, đổ bê-tông dày 20 cm. Ông Mạc Văn Duy, người thôn Long Động cho biết: “Nhà tôi đã hiến 60 m2 đất để mở rộng đường. Từ khi có đường mới, chúng tôi đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân xóm chúng tôi phấn đấu đến cuối năm sẽ mở rộng các đường trong xóm theo đúng tiêu chuẩn của NTM”.

Sau 2 năm triển khai, xã Nam Tân đã đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để nâng cấp, làm mới gần 8 km đường, trong đó xã trích ngân sách 9 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Nhân dân đã hiến trên 2.000 m2 đất để mở rộng đường. Đến nay, đã có 50% đường giao thông của xã Nam Tân đạt chuẩn theo đúng quy định, trong đó chiều rộng đường liên xã, liên thôn từ 6 - 7 m trở lên, đường thôn đều từ 3,5-4 m, độ dày cũng bảo đảm quy định. Để đạt mục tiêu 80% đường giao thông nông thôn đạt chuẩn vào cuối năm nay, xã Nam Tân đã phóng tuyến, giải phóng mặt bằng 2,9 km đường gồm các tuyến: từ thôn Đột Trên đến thôn Quảng Tân dài 1,3 km, từ thôn Quảng Tân đến  trung tâm UBND xã dài 600 m, từ thôn Đột Hạ đến thôn Quảng Tân dài 1 km, được triển khai trong quý 3 năm nay. Riêng kinh phí đầu tư làm nền đường đã hết trên 2 tỷ đồng.

Trách nhiệm rõ ràng

Đạt được kết quả trên là do cán bộ và nhân dân xã Nam Tân đều đồng lòng trong việc làm đường giao thông. Đồng chí Nguyễn Đức Song, Bí thư Chi bộ thôn Đột Trên cho biết: Ngay sau khi triển khai kế hoạch mở rộng đường giao thông, phần lớn các hộ dân trong thôn đều hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ có một vài hộ dân vẫn chưa hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc mở rộng đường nên có ý kiến chưa thống nhất. Tổ công tác của thôn đã xuống tận nhà tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và giải thích cho người dân hiểu. Sau khi tư tưởng đã thông, chính những người chưa hiểu rõ mục đích xây dựng đường giao thông trước đây lại là người nhiệt tình đóng góp kinh phí và ngày công lao động, hiến đất làm đường cho thôn.

Để bảo đảm công bằng, không phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, mỗi cấp đều thành lập tổ công tác gồm đầy đủ các thành phần lãnh đạo và có đại diện nhân dân. Trước khi làm đường, tổ công tác đều tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, sau đó họp bàn công khai, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Tổ công tác ở các thôn thực hiện việc tính tổng chi phí cho mỗi tuyến đường gồm: làm nền, mặt đường và ngày công lao động, sau đó chia đều cho các hộ dân. Từ khâu dự toán nguyên vật liệu đến khi thực hiện, xã và các thôn đều tham khảo ý kiến của những người có kiến thức trong lĩnh vực xây dựng để bảo đảm đường đạt chuẩn về kỹ thuật và không bị thừa nguyên vật liệu. Trong quá trình thi công, mỗi thôn lại có cách làm cho phù hợp với đặc điểm của thôn mình. Thôn Long Động không thực hiện việc huy động ngày công lao động của người dân mà trả tiền công lao động cho người tham gia làm đường. Còn ở thôn Đột Trên, ngoài việc mỗi khẩu đóng góp 200 nghìn đồng để làm đường thì mỗi người dân trong thôn còn đóng góp thêm 100 nghìn đồng và ngày công lao động để làm lại tường bao cho những gia đình hiến đất làm đường (gia đình hiến đất không phải đóng). Thôn còn huy động hội viên của các tổ chức đoàn thể như Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Phụ nữ thôn đóng góp ngày công làm đường.

Đồng chí Đỗ Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tân cho biết: Do hệ thống giao thông của xã rộng nên ngay sau khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phân định công việc rõ ràng để đạt được hiệu quả cao. Các trục đường liên thôn và đường xã do xã làm, còn các tuyến đường thôn thì do nhân dân làm. Với việc phân  định như vậy, các thôn và xã chủ động trong việc cân đối và huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM.

Đến nay, 100% đường liên xã, đường thôn, xóm của xã Nam Tân đã đạt tiêu chí NTM. Chỉ còn các tuyến đường liên thôn là chưa đạt tiêu chí theo quy định. Nhưng với kế hoạch làm đường đã vạch ra, tin rằng xã sẽ sớm "về đích" trong xây dựng đường giao thông theo chuẩn NTM.

THANH HÀ