Phê bình để giúp nhau tiến bộ

Tin tức - Ngày đăng : 09:01, 26/07/2013

Bác nhấn mạnh, tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa...


LTS.
Ngày 26-7 là vừa tròn một năm Báo Hải Dương mở chuyên mục “Học Bác hằng ngày”. Chuyên mục đã tăng thêm sự phong phú, sinh động trong tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Do điều kiện không cho phép, chuyên mục “Học Bác hằng ngày” chính thức khép lại. Trân trọng cảm ơn bạn đọc gần xa đã quan tâm theo dõi chuyên mục trong suốt một năm qua.

Ngày 26-7-1956, trong bài "Tự phê bình, phê bình, sửa chữa", bút danh C.B, đăng báo Nhân dân số 874, Bác Hồ nêu rõ: "Chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Càng đoàn kết chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí thì tiến bộ không ngừng. Làm được như vậy sẽ thắng lợi".

Bác nhấn mạnh, tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ. Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

Theo Bác, dưới chế độ dân chủ, thì mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình, có như vậy mới tiến bộ được. Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa.

Bác nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ ta rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Cho nên khi phê bình, chúng ta cần phê bình một cách thiết thực và đề nghị phương pháp sửa chữa hợp lý. Phê bình và giúp đỡ sửa chữa, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta.

Người khẳng định, chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Cho đến những ngày sắp đi xa, Bác còn ân cần dặn lại trong Di chúc thiêng liêng của mình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác, noi theo tấm gương mẫu mực của Bác về tự phê bình và phê bình, chắc chắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) sẽ đạt được kết quả tích cực, nhằm xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh để xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ hằng mong muốn.

HƯƠNG SƠN (biên soạn)