Những bài thơ kiến nghị

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:12, 31/07/2013

Trong cuộc giao lưu "Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học nghệ thuật" tổ chức ở Đoàn Thanh Xuyên thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội vào tháng 4-2012, nhà thơ Vương Trọng cho biết, ông tâm đắc với hai bài thơ "Bên mộ cụ Nguyễn Du" và "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc". Bài thơ "Bên mộ cụ Nguyễn Du" được nhà thơ Vương Trọng xếp đầu tiên trong tuyển tập thơ của ông với nhan đề "Ngoảnh lại" xuất bản năm 2001. Còn bài thơ "Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc" thì đã được khắc trên bia đá bằng song ngữ Việt - Anh trong khu tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong. Nhà thơ Vương Trọng cho rằng đây là hai bài thơ, đồng thời là những kiến nghị của ông với lãnh đạo chính quyền địa phương và xã hội.

Nhà thơ Vương Trọng viết bài thơ "Viếng mộ cụ Nguyễn Du" vào ngày 7-3-1982 trong một lần cùng đoàn các văn nghệ sĩ đến Tiên Điền. Bài thơ mở đầu "Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên/Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây" tả đúng thực trạng ngôi mộ sơ sài, không được chăm sóc. Và nhà thơ kiến nghị: "Bao giờ cây súng rời vai/Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên". Chỉ ít năm sau lời kiến nghị của nhà thơ, lãnh đạo chính quyền địa phương và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ), cùng sự đóng góp của nhân dân đã xây dựng khu tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút khách thập phương về tham quan, thắp hương tưởng nhớ.

Trong bài thơ "Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc", nhà thơ Vương Trọng viết: "Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang". Nhờ kiến nghị của nhà thơ, Ban Quản lý di tích ngã ba Đồng Lộc đã tìm kiếm và đưa về trồng hai cây bồ kết. Nay hai cây bồ kết đã lên xanh tốt, ra hoa, đơm quả, thỏa lòng cho những người hy sinh và che mát du khách đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ 10 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

NGUYỄN ĐÌNH