Tăng cường chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cấp xã

Tin tức - Ngày đăng : 13:48, 03/08/2013

Ngày 16-7-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thịsố 29 - CT/TU về tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ởcơ sở xã, phường, thị trấn.

Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh thường xuyên được kiện toàn, tăng cường chỉ đạo các cấp thực hiện
Ảnh: TM

Toàn văn Chỉ thị như sau:

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28-3-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khoá XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo chỉ đạo đồng bộ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tầng lớp nhân dân, tạo bầu không khí dân chủ và cởi mở trong đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân được tăng cường. Quyền làm chủ, tính năng động sáng tạo của nhân dân được phát huy, tạo động lực mới, đồng thời hạn chế được tình trạng quan liêu, sách nhiễu, cửa quyền và các biểu hiện tiêu cực khác của một số cán bộ, công chức là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế như: việc tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Quy chế dân chủ nhiều cơ sở chưa sâu, chưa thường xuyên, một số nơi còn hình thức. Nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên đã ban hành nhưng chậm được triển khai thực hiện, chưa được cụ thể hoá kịp thời, đầy đủ để gắn với quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Một số ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa duy trì chế độ sinh hoạt theo quy chế, trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo chưa được phát huy. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, nội dung còn thiếu chiều sâu. Công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hạn chế. Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở một số cơ sở còn lúng túng. Việc xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy ước, hương ước có nơi chưa được quan tâm, chưa cập nhật và bám sát vào các văn bản quy định của cấp trên.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp ủy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân những quan điểm chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW, Kết luận số 65-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu về thực hiện Quy chế dân chủ; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện; vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước, hương ước. Xác định việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

3. Các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế hoặc điều chỉnh các quy chế, quy ước, hương ước đã ban hành cho phù hợp với Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, tránh hình thức. Chú trọng làm tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân như quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, kinh tế, tài chính, công tác cán bộ, các chính sách xã hội. Tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin, công khai hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

4. Gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

5. Phát huy dân chủ gắn liền với việc bảo đảm kỷ cương, pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò dân chủ của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân tộc, "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở.

6. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở các cấp, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân ở cơ sở. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kết quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

7. Hằng năm, các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở đều phải kiểm điểm đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Kết quả đánh giá được coi là một tiêu chuẩn quan trọng để phân loại tổ chức và cán bộ, đảng viên; để bình xét thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện Quy chế dân chủ và công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện tốt công tác tham mưu và giúp Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị. Sở Tài chính hướng dẫn việc cấp kinh phí hoạt động cho ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cấp huyện và cơ sở; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nghiêm túc thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Chỉ thị này được phổ biến tới chi bộ.