Trung Quốc giục “gái ế” lấy chồng

Đời sống - Ngày đăng : 08:29, 06/08/2013

Trung Quốc (TQ) đã “chọc giận” hàng triệu phụ nữ khi dán nhãn cho những người không kết hôn trước năm 30 tuổi là “gái ế” và thúc giục họ lấy chồng.

Chính quyền TQ đã yêu cầu Hội Phụ nữ TQ sử dụng từ “sheng nu” (tiếng Việt: gái ế) trong một số bài viết về vấn đề đang ngày càng tăng những phụ nữ thành thị độ tuổi 27-30, có trình độ học vấn, nghề nghiệp ổn định nhưng vẫn sống độc thân. Họ bị gắn nhãn “thất bại” trong việc tìm chồng và giờ được xem là “khó ưa”. Thuật ngữ “gái ế” lan ra trên phương tiện truyền thông nhà nước dẫn tới sự phản đối kịch liệt của hàng triệu nữ thanh niên có học thức và hoài bão - những người cho rằng mình bị ném vào đống “phế liệu” gồm những kẻ cầu hôn… kém chất lượng.

Thực tế, chính sách một con được ban hành từ năm 1979 đã phát sinh mặt trái là thúc đẩy hành vi phá thai chọn lọc, khiến cho số bé trai được sinh ra bỏ xa số bé gái, tỷ lệ chênh lệch lên tới 118 bé trai/100 bé gái. Đến nay, số lượng nam giới dưới 30 tuổi nhiều hơn khoảng 20 triệu người so với số lượng nữ dưới 30 tuổi. Điều tra dân số cho thấy, khoảng 1/5 số phụ nữ TQ tuổi từ 25-29 chưa lập gia đình, tỷ lệ nam giới chưa kết hôn ở độ tuổi đó còn cao hơn khoảng 1/3.

Đông đảo phụ nữ trẻ ở các thành thị Trung quốc bây giờ thích tự chăm chút bản thân hơn là lập gia đình - Ảnh: Alamy

Nếp nghĩ của người TQ là chồng phải hơn vợ nên đàn ông TQ vẫn có xu hướng “kết hôn xuống”, với người kém mình cả về độ tuổi lẫn trình độ học vấn. Huang Yuanyuan, 29 tuổi, độc thân và tự tin, đang làm việc tại một đài phát thanh ở Bắc Kinh, cho biết: “Chàng trai tiêu chuẩn hạng A sẽ tìm vợ là phụ nữ hạng B, những chàng hạng B sẽ tìm phụ nữ hạng C và những chàng trai hạng C sẽ tìm phụ nữ hạng D”. Theo Huang, cứ như thế, những người còn lại là phụ nữ hạng A và nam giới hạng D. Rõ ràng, đó là sự chênh lệch quá lớn mà các cô gái khó lòng chấp nhận.

Đất nước TQ bảo thủ đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng, nhiều phụ nữ không muốn lập gia đình sớm. Chính phủ cũng lo lắng tệ nạn xã hội sẽ bùng phát khi đất nước tràn ngập đàn ông… không kiếm được vợ. Do đó, có lẽ chính phủ muốn dùng biện pháp “bêu xấu” trên để thúc giục phụ nữ sớm kết hôn, nhằm đối phó với sự mất cân bằng giới tính ngày càng trầm trọng. Leta Hong Fincher, quốc tịch Hoa Kỳ, hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cho biết: “Từ năm 2007, các phương tiện truyền thông nhà nước đã tích cực phổ biến thuật ngữ “gái ế” trong các cuộc khảo sát, tin tức, bài viết, tranh ảnh. Về cơ bản, như thế là kỳ thị phụ nữ có học thức độ tuổi 27-30 mà vẫn độc thân”.

Dĩ nhiên, những phụ nữ bị kỳ thị đã bày tỏ thái độ, đòi chính phủ cấm dùng thuật ngữ “gái ế”. Hội Phụ nữ TQ gần đây đã bỏ từ “gái ế”, thay bằng cụm từ “phụ nữ có tuổi” chưa lập gia đình. Chính quyền cũng đã cố gắng hối thúc kết hôn bằng những biện pháp lịch sự hơn. Ví dụ tại Thượng Hải, chính quyền tổ chức đám cưới tập thể để khai mạc sự kiện mai mối thường niên lớn nhất của thành phố và lập kế hoạch tổ chức những sự kiện tương tự nhiều hơn trong thời gian tới.

 NGỌC HẠ (Báo Phụ nữ)