Cách nhận biết trái cây ép chín bằng hóa chất độc hại

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 11:05, 14/08/2013

Theo kinh nghiệm của một số chủ hàng kinh doanh nông sản liên tỉnh, các loại trái cây chín tự nhiên có khác biệt nhất định so với ép chín bằng hóa chất.

Trái cây non, chưa đến ngày thu hoạch được nhiều thương lái thu mua, sau đó dùng hóa chất ép cho trái chín. Hầu hết những loại chất này có độc tính mạnh, gây hại cho người sử dụng.

Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khác với các loại rau, củ… có thể được nấu chín qua nước sôi, giải phóng phần nào các loại hóa chất tồn dư, hầu hết trái cây đều ăn tươi nên chất tồn dư đi trực tiếp vào cơ thể.

TS Mai cho rằng, người tiêu dùng nên lựa chọn những loại trái cây theo mùa vụ trong nước. Đối với trái cây nhập khẩu, nhất là với các loại nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, không nên sử dụng cùng một loại liên tục trong một thời gian dài vì cơ thể sẽ không kịp đào thải chất độc tồn dư.

trái cây, chín ép, thực phẩm bẩn

Ảnh minh họa: internet

Với những loại trái như: lê, táo… được nhập từ nhiều nước khác nhau, nên chọn hàng từ các nước có yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao như Hàn Quốc, Mỹ, Úc…

Theo kinh nghiệm của một số chủ hàng kinh doanh nông sản liên tỉnh, các loại trái cây chín tự nhiên có khác biệt nhất định so với ép chín bằng hóa chất. Ông Nguyễn Viết Nga, đầu mối chuyên kinh doanh nông sản từ chợ Thủ Đức về Bình Phước cho biết, một số loại như cà chua, chuối thường được thương lái ủ chín bằng đất đèn, lưu huỳnh nên vỏ mọng, bóng nhưng khi cầm trên tay sẽ có cảm giác một lớp bột mỏng phủ quanh trái, nhiều trái còn xuất hiện những vệt đốm trắng hoặc xanh nâu do bị tiếp xúc với đất đèn.

Xoài cũng có hiện tượng này, nhưng không phải do ủ thuốc mà do nhiều nhà vườn phun các loại thuốc chống nấm trực tiếp lên trái trước khi thu hoạch khiến dư lượng thuốc tạo thành những vệt đốm khoang trên bề mặt trái.

Với trái chôm chôm non bị ép chín bằng hóa chất, người mua nên kiểm tra những trái nhỏ nếu bị mõm giống như để lâu bị héo, khi tách đôi trái sẽ xuất hiện tình trạng nước chảy ra nhiều, lớp cơm có dấu hiệu vữa…

Trái nhãn sử dụng hóa chất lớp vỏ có đặc điểm là láng bóng, không có lớp sần tự nhiên, với người có vị giác nhạy khi bóc ăn có thể cảm thấy vị hắc, nồng. Với những loại trái có cuống to như sầu riêng, mít… thường được ép chín bằng cách tiêm hóa chất vào cuống, người mua nên chú ý vào lớp gai trên bề mặt trái, nếu gai còn xanh, mật độ dày, phần cuống mềm nhũn, hơi ngả sang màu thâm… thì phải cảnh giác.

Mít chín tự nhiên khoảng cách giữa các gai thưa hơn, đầu gai ngả màu nâu đen do gai già, màu sắc trái đồng đều. Với những loại trái có kích cỡ to bất thường người mua cũng nên đặt nghi vấn vì rất có thể những trái này sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chẳng hạn với trái thanh long, nếu là trái to tự nhiên trọng lượng cũng chỉ được từ 800g - 1kg/trái, còn nếu được kích thích bằng thuốc có thể từ 1,2 - 1,4kg/trái.

(Vietnamnet)