Dùng Facebook nhiều, giảm hài lòng cuộc sống

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 14:58, 15/08/2013

Nhiều người nghĩ rằng kết nối thường xuyên trên Facebook sẽ giúp mình vui vẻ và hạnh phúc, nhưng một kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy điều ngược lại.

Dùng Facebook nhiều không giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Ảnh minh họa Reuters

Nhà tâm lý xã hội học Ethan Kross và nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Michigan (Mỹ) đã khảo sát 82 người trưởng thành thường xuyên sử dụng Facebook cho nghiên cứu này.  Kết quả khảo sát vừa được đăng trên tạp chí khoa học PLOS hôm qua (14-8).

Theo nhóm nghiên cứu, Facebook là nguồn tài nguyên đủ để thỏa mãn các nhu cầu cơ bản về giao tiếp xã hội của con người, nhưng “thay vì làm cuộc sống tốt hơn, chúng tôi phát hiện ra rằng Facebook chỉ làm nó tồi tệ hơn” – ông Ethan Kross nói.

Tuần trước, một nhóm các nhà nghiên cứu Anh cũng công bố kết quả khảo sát cho rằng đăng tải (post) quá nhiều hình của chính mình lên Facebook có thể phá hỏng các mối quan hệ ngoài đời thực.

Các nhà khoa học này nói nghiên cứu của họ là khảo sát đầu tiên được thực hiện để đo sức ảnh hưởng của Facebook đến cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn cuộc sống của người dùng. Những người tham gia sẽ nhận được tin nhắn qua điện thoại di động từ nhóm nghiên cứu vào 5 thời điểm ngẫu nhiên trong ngày trong vòng 2 tuần.

Các tin nhắn hỏi những người này xem họ có lo lắng hay cô đơn không, họ dành bao nhiêu thời gian cho Facebook, và họ có giao tiếp ngoài đời nhiều không.

“Những người nhận được tin nhắn thường trả lời họ cảm thấy tệ hơn nếu trước đó đã dùng Facebook quá nhiều” – các nhà nghiên cứu viết trên PLOS.

Khảo sát kết luận: “Trong vòng hai tuần khảo sát, những người dùng Facebook càng nhiều thì mức độ hài lòng với cuộc sống càng giảm”. Ngược lại, giao tiếp với thế giới thực nhiều sẽ giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn.

Các nhà khoa học này cũng nói rõ, chưa có bằng chứng nào cho thấy người ta chỉ tìm đến Facebook khi gặp chuyện buồn, mặc dù họ thường xuyên sử dụng mạng xã hội này mỗi khi cô đơn.

Nhóm nghiên cứu cũng nói họ chưa chắc kết luận từ nghiên cứu trên Facebook có thể áp dụng cho mạng xã hội nói chung. “Cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định điều này” – ông Kross nói.

TRƯỜNG SƠN (Tuổi trẻ)