Khó xử lý vi phạm
Tin tức - Ngày đăng : 07:42, 16/08/2013
Ý thức người tham gia giao thông kém, nhiều bất cập về hạ tầng... khiến TNGT trên các tuyến đường nông thôn có chiều hướng gia tăng.
Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến ở nông thôn. Ảnh chụp tại xã Gia Hòa (Gia Lộc)
Trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã xảy ra 12 vụ TNGT đường bộ làm 13 người chết và 8 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT tăng 9,1%, số người chết tăng 8,3%, số người bị thương tăng 166,7%. Một trong những nguyên nhân khiến TNGT ở huyện Tứ Kỳ tăng cao là do trên địa bàn huyện xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng trên các tuyến đường nông thôn. Điển hình như vụ TNGT xảy ra tối 7-2, tại đường liên thôn xã Tây Kỳ. Xe mô-tô biển số 34P8 - 3663 do chị Nguyễn Thị Nhàn (sinh năm 1983, trú tại xã Tứ Xuyên) điều khiển hướng thị trấn Tứ Kỳ - xã Tây Kỳ đã va chạm với xe mô-tô biển số 34B1- 90819 do anh Nguyễn Doãn Hùng (sinh năm 1988) điều khiển ngược chiều, sau xe chở 2 người là anh Nguyễn Doãn Trung (sinh năm 1983) và anh Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1987), cùng trú tại xã Tây Kỳ. Hậu quả: anh Hùng, chị Nhàn chết, anh Trung, anh Tuấn bị thương.
Theo Công an huyện Tứ Kỳ, so với cùng kỳ năm 2012, TNGT tại các tuyến đường giao thông nông thôn tăng tới 300%. Về nguyên nhân những vụ tai nạn trên các tuyến đường giao thông nông thôn, đại úy Trương Tiến Quỳnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động huyện Tứ Kỳ cho biết: “Chủ yếu vẫn là sự chủ quan và ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều người dân nông thôn còn kém. Những lỗi vi phạm như uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, tình trạng thanh, thiếu niên điều khiển mô-tô khi chưa đủ tuổi, phóng nhanh, vượt ẩu… vẫn thường xuyên diễn ra. Đặc biệt, 100% số nạn nhân đi xe máy tại các vụ TNGT ở đường nông thôn đều không đội mũ bảo hiểm nên tăng nguy cơ tử vong và thường để lại hậu quả nặng nề".
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, từ đầu năm đến nay, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 mặt. Tuy nhiên tình hình trật tự ATGT tại các tuyến đường giao thông nông thôn lại diễn biến phức tạp. Trong 7 tháng đầu năm 2013, tại các tuyến đường này đã xảy ra 10 vụ TNGT nghiêm trọng, làm 10 người chết và 3 người bị thương.
Khó khăn trong tuần tra, xử lý vi phạm
Sáng 12-8, trong khi tuần tra tại đường liên xã đi qua địa phận xã Cẩm Đông, tổ tuần tra, kiểm soát Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động Công an huyện Cẩm Giàng đã dừng xe, xử lý anh Vũ Thế Huân, sinh năm 1990, ở huyện Kim Động (Hưng Yên) do không đội mũ bảo hiểm. Khi bị lực lượng chức năng dừng xe, anh Huân lý giải: "Tôi thuê nhà mở xưởng cơ khí ở gần đây. Bình thường đi xa tôi vẫn đội mũ bảo hiểm nhưng hôm nay đi mua ít đồ ở cửa hàng gần nhà nên không đội". Một cảnh sát giao thông trong tổ tuần tra cho biết: "Người vi phạm ở các tuyến đường thôn, xã thường đưa ra rất nhiều lý do để biện bạch cho hành vi vi phạm của mình như: quãng đường đi ngắn, đang vội hay nhà có công việc... Thậm chí một số người trẻ còn đưa lý do không đội mũ bảo hiểm vì sợ... hỏng tóc".
Cảnh sát giao thông Công an huyện Cẩm Giàng xử lý người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm trên đường liên xã
Qua làm việc với lực lượng cảnh sát giao thông các huyện, được biết, một trong những khó khăn nhất hiện nay trong việc xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến đường xã, thôn là do ý thức của người tham gia giao thông còn rất hạn chế. Người dân cố tình vi phạm nên mỗi khi gặp lực lượng chức năng, thường tìm cách đối phó, bỏ chạy. Trong khi đó, việc dừng xe, đình chỉ vi phạm cũng rất hạn chế do đường thôn, xóm thường có nhiều ngõ, ngách.
Thời gian qua, một số địa phương đã huy động lực lượng công an xã tham gia bảo đảm ATGT trên các tuyến đường liên xã nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Thượng úy Phạm Tiến Linh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động, Công an huyện Cẩm Giàng cho biết: "Với địa bàn rộng, trong khi đó lực lượng cảnh sát giao thông huyện phải thực hiện nhiều nhiệm vụ không đủ trải đều ra các tuyến đường thôn, xã để bảo đảm trật tự ATGT. Chính vì vậy tại địa bàn các xã không có lực lượng trực tiếp làm công tác này. Việc huy động lực lượng công an xã tham gia kiểm tra, xử lý trên địa bàn xã cũng khó thực hiện quyết liệt do người vi phạm lại là người thân quen, họ hàng của các công an viên".
Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, thực tế hiện nay cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cũng còn nhiều bất cập. Các yếu tố bảo đảm ATGT như đặt các biển báo, làm gờ giảm tốc ở những nút giao nguy hiểm, lắp thêm thiết bị chiếu sáng cũng chưa được quan tâm. Trong khi đó, đường giao thông ở thôn, xã có nhiều đường, ngõ nhỏ, nhiều đoạn gấp khúc, rẽ bất ngờ, khuất tầm nhìn nên người tham gia giao thông rất dễ gây tai nạn.
HẠO NHIÊN