Nhớ lại ngày giành chính quyền ở Chí Linh
Tin tức - Ngày đăng : 17:25, 19/08/2013
Thị xã Chí Linh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách trong chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha ông.
Đã 68 năm nhưng cụ Nguyễn Văn Phối vẫn nhớ như in ngày giành chính quyền về tay nhân dân
Năm nay đã 86 tuổi, song cụ Nguyễn Văn Phối, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện sống ở đường Nguyễn Trãi (Chí Linh) còn rất minh mẫn và vẫn nhớ như in những ngày đầu khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện lỵ Chí Linh. Vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng (thân sinh của cụ Phối là lão thành cách mạng) nên ngay từ tháng 11-1944, cụ Phối đã theo Việt Minh làm liên lạc, sau đó gia nhập lực lượng tự vệ đóng ở Phả Lại. Sau này, lực lượng tự vệ này đã phối hợp cướp được 3 thuyền chở vũ khí, lương khô của Nhật trên sông Phả Lại.
Cụ Phối kể: "Khi ấy, Chí Linh nằm trong Đệ tứ Chiến khu, với địa hình phức tạp, rừng cây rậm rạp, là nơi trú chân của các lực lượng cách mạng. Để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa, các đồng chí Hải Thanh, Tỉnh ủy viên phụ trách Chí Linh; Trần Cung, phụ trách địa bàn Mạo Khê - Tràng Bạch và đồng chí Nguyễn Bình phụ trách Đông Triều đã thường xuyên bám sát cơ sở, vận động quần chúng nhân dân.
Từ cuối tháng 5 - 1945 trở đi, cùng với cao trào cách mạng của cả nước và trong tỉnh, các phong trào cách mạng do Việt Minh tổ chức ở Chí Linh lan rộng và phát triển không ngừng. Các cơ sở tự vệ ở Chí Linh dần củng cố lực lượng và trở thành đội quân mạnh mẽ, hoạt động rộng rãi khắp các địa bàn. Do đó, thực dân Pháp và phát xít Nhật đã phải dàn mỏng lực lượng để đối phó. Nhận định đây là điểm yếu của kẻ địch, ở Chí Linh, lực lượng vũ trang Hưng Đạo đã thống nhất với lực lượng vũ trang Phả Lại thành một đội quân mạnh để chiến đấu với địch và chuẩn bị điều kiện cướp chính quyền. Lúc này hệ thống chính quyền tay sai của Nhật co cụm, cơ sở đồn bốt chỉ còn ở Phả Lại.
Để giành chính quyền thành công, ở thị xã Chí Linh khi đó đã thực hiện cực kỳ có hiệu quả chủ trương phân hóa thổ phỉ của Tỉnh ủy Hải Dương. Ta đã tranh thủ đội ngũ này để tăng cường chống Nhật. Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã nhiều lần vào tận sào huyệt phỉ, dùng thư từ trao đổi với chúng. Đêm mồng 7 rạng ngày 8-6-1945, lực lượng vũ trang của ta dẫn hàng trăm tên thổ phỉ đánh chiếm đồn Thiên, thủ phủ của chính quyền tay sai Nhật. Trận đánh kéo dài nhưng không có kết quả, lúc này ta cho kéo cờ đỏ sao vàng báo hiệu Mặt trận Việt Minh. Lập tức địch sợ hãi hạ vũ khí xin hàng. Tri huyện Nguyễn Ngọc Hà thấy chiến sự xảy ra thì vội vã vượt sông Thiên trốn về Nam Sách. Sau đó, ngày 9-6-1945, nhân dân ở Chí Linh đã được Việt Minh tổ chức phá kho thóc của Nhật ở các đồn điền Cổ Vịt (Cộng Hòa), Bắc Nổi (Bắc An) và Hậu Quan (Chí Minh) để cứu đói.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Chí Linh, trưa 16 - 8, trong khi đang chuẩn bị các điều kiện giành chính quyền thì Mặt trận Việt Minh tại Phả Lại nhận được tờ báo đăng tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh. Nhận thấy điều kiện cướp chính quyền đã tới, ngay buổi chiều, Mặt trận Việt Minh Phả Lại - Hưng Đạo đã họp bàn và quyết định điều lực lượng tự vệ Dược Sơn, Phả Lại cùng khoảng 40 người dân chiếm đồn Phả Lại. Cùng lúc này, nhiều quần chúng bí mật may cờ đỏ sao vàng, băng cờ khẩu hiệu chuẩn bị đón lực lượng Việt Minh ra mắt nhân dân. Nhận được tin báo Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân Nhật tại Phả Lại bí mật vội vã rút quân. Nhờ đó, lực lượng khởi nghĩa mau chóng chiếm đồn, làm chủ thị trấn Phả Lại và các vùng xung quanh mà không cần tiếng súng. Ban chỉ huy khởi nghĩa cũng gấp rút chuẩn bị lực lượng ngăn chặn bọn Quốc dân đảng không cho chúng chiếm mất vị trí quan trọng này. Quân Nhật còn sót lại 5 tên ở Chí Linh cũng bị lực lượng tự vệ ở Phao Sơn bắt sống. Lực lượng Việt Minh ở Hưng Đạo, Lê Lợi cùng các đơn vị chiến đấu ở Bắc Giang và trung đội vũ trang của Đệ tứ chiến khu do đồng chí Vũ Chí Thiện chỉ huy phối hợp đánh tan bọn Quốc dân đảng tại Chí Linh. Số còn lại đầu hàng và bị ta tịch thu hơn 60 khẩu súng.
Chiều 17 - 8, tại Phả Lại, Mặt trận Việt Minh Chí Linh tổ chức mít - tinh lớn với sự tham gia của hàng trăm quần chúng để thông báo về kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, gian khổ chống giặc ngoại xâm, phá ách áp bức, bóc lột của địa chủ phong kiến và phát xít Nhật cùng tay sai của chúng. Ngay hôm sau, tại đồn Ngái (nay thuộc phường Cộng Hòa), Mặt trận Việt minh tổ chức mít - tinh lớn tuyên bố cách mạng thành công, lập nên chính quyền mới, chính quyền của nhân dân, do đồng chí Nguyễn Ngọc Thản làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời. Cách mạng Tháng Tám thành công ở Chí Linh đã góp phần cùng nhân dân trong tỉnh đánh đuổi phát xít Nhật, đập tan bộ máy chính quyền áp bức bóc lột đè nặng lên vai nhân dân từ thời thuộc Pháp.
Thị xã Chí Linh ngày thêm đổi mới
Sau khi có chính quyền, ở Chí Linh đã thành lập các bộ máy quân sự, hành chính, giáo dục, nhưng chưa thành lập các xã lớn mà lấy các thôn làm cơ sở để huyện liên lạc. Khi ấy, mới 18 tuổi, cụ Phối đã trở thành Bí thư Việt Minh đầu tiên của xã Hưng Đạo. Từ năm 1968 đến năm 1977, cụ Phối là Chủ tịch UBND huyện Chí Linh, và 10 năm liên tục sau đó, cụ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Chí Linh.
Thấm thoắt đã 68 năm chính quyền về tay nhân dân, nhưng hồi ức của những người từng vinh dự tham gia những ngày chiến đấu hào hùng ấy như cụ Phối như vẫn còn nguyên vẹn. Cụ Phối bảo, từng ấy năm đã trôi qua, chứng kiến mỗi ngày thị xã Chí Linh lại thay da, đổi thịt, cụ thấy xứng đáng với thành quả của suốt những năm dài kháng chiến và niềm mong mỏi của các bậc cha ông từng sống và chiến đấu và lao động trên mảnh đất anh hùng này.
TIẾN HUY