“Từ điển sống” của ngành sinh học
Việc tử tế - Ngày đăng : 11:28, 24/08/2013
Tôi biết nhà giáo Nguyễn Văn Khang (Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh của Trường Cao đẳng Hải Dương ) đã hơn chục năm.
Hơn 70 tuổi nhưng nhà giáo Nguyễn Văn Khang vẫn cặm cụi viết sách, báo
Một thói quen thật đáng quý. Để có được thói quen đó, ông đã phải rèn luyện, phấn đấu bền bỉ cả cuộc đời. Năm 1963, tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được giữ lại làm giảng viên, nhưng ông đã từ chối và xin vào làm giảng viên ở Trường Đại học Vinh. Chuyện đó nghe có vẻ lạ. Nhưng đó là sự thật, vì lúc bấy giờ, ông thấy bạn bè cùng trang lứa có sức khỏe đều hăng hái xung phong ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Còn ông, do thể trạng gầy yếu, không ra trận được, nhưng ông cũng muốn thử sức mình tới những vùng khó khăn, gian khổ. Ông giảng dạy ở Đại học Vinh 9 năm. Ngoài việc giảng dạy, ông đã được mời tham gia cùng viết bộ giáo trình “Động vật không xương sống” cho bậc đại học. Đây là bộ giáo trình đầu tiên của Việt Nam về bộ môn khoa học này. Sau khi đất nước được giải phóng, giáo trình ấy được tái bản nhiều lần và được dùng cho các trường đại học trong cả nước. Cũng thời gian đó, ông tham gia làm chủ nhiệm đề tài khoa học đầu tiên: “Điều tra cơ bản côn trùng ở Thanh Hóa”. Đề tài này được Hội đồng Khoa học tỉnh Thanh Hóa đánh giá xuất sắc và trao giải thưởng.
Năm 1972, ông được điều về giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng. Bốn năm sau, nhân dịp giải phóng miền Nam và kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng TP Hải Phòng (1955-1975), ông vinh dự được chọn là điển hình của ngành giáo dục trong số 20 cá nhân tiêu biểu đại diện cho các lĩnh vực lao động, sản xuất, chiến đấu của thành phố. Để ghi nhận sự kiện ấy, quyển sách có tên “Người Hải Phòng” có viết về ông với tựa đề: “Mẫu sống trong phòng thí nghiệm”. Vì ngoài giờ lên lớp, ông luôn có mặt ở phòng thí nghiệm. Các vật mẫu thí nghiệm từ đơn giản đến phức tạp đã được ông tìm kiếm từ thiên nhiên về, giới thiệu cho các sinh viên, giúp họ thích thú và hiểu sâu hơn kiến thức. Cũng thời gian ấy, ông được chọn đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Làm hồ sơ xong, chờ đợi thì được thông báo là quá tuổi, thế là ông đã bỏ mất cơ hội đầu tiên mà cũng là duy nhất để có chức danh khoa học trong cuộc đời.
Công tác ở Hải Phòng được 8 năm, nhân dịp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương vừa thành lập, ông xin về đóng góp cho quê hương. Và ông đã liên tục giảng dạy ở đấy 20 năm cho đến lúc nghỉ hưu. Trong khoảng thời gian đó, ngoài việc giảng dạy, ông đã nghiên cứu, đề xuất, tham gia một số chương trình, đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã đề xuất đề án: “Trồng đậu cô ve trong trường học” nhằm giải quyết khó khăn về việc gắn nhà trường với lao động sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học. Đề án được chấp nhận, ông trực tiếp chỉ đạo thực nghiệm trồng đậu cô ve ở các trường THCS: Thanh Bình (thị xã Hải Dương); Cao An (Cẩm Bình); Cộng Hòa (Nam Thanh) thành công. Nhờ thành công đó, ông vinh dự được báo cáo trực tiếp kết quả này với Bộ trưởng Bộ Đại học Tạ Quang Bửu khi ông về thăm mô hình này tại Hải Dương. Từ năm 1980-1994, ông nuôi ong mật trên gác thượng nhà mình, ngay trung tâm thành phố. Mỗi năm, ông thu hơn tạ mật ong và còn giúp đỡ nhiều người nuôi ong mật thành công trong khu vực. Đây là kết quả thuyết phục để ít năm sau ông được Đài Truyền hình Việt Nam mời làm một chương trình về “nuôi ong mật ở gia đình” để nhân rộng ra cả nước. Mới đây, ông đã đúc kết để viết thành một quyển sách hướng dẫn kỹ thuật hoàn chỉnh trong “Bộ sách dành cho nông dân” lấy tên là “Nghề nuôi ong mật”.
Là một người luôn thích tìm tòi, khám phá cái mới, năm 1994, khi xây dựng chương trình giảng dạy môn học “Tự nhiên - xã hội” của nhà trường, ông đã ra một mẫu phiếu để sinh viên điều tra về các “hiện trạng môi trường tự nhiên và xã hội” gồm 20 câu hỏi, trong đó có nhiều câu liên quan đến bảo vệ môi trường. Để trả lời câu hỏi “quê em có còn chim cò gì sinh sống và làm tổ không?”, có 3 sinh viên sống quanh khu vực xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) đã đưa ra ý kiến về đàn cò ở đó. Thế là ông đã lặn lội về tận nơi để tận mắt thấy và viết ngay một bài báo về phát hiện này, lấy tên “Làng cò Chi Lăng Nam một nơi du lịch sinh thái hấp dẫn”. Bài báo đã được đăng ngay ở báo Hải Hưng và cả báo Trung ương. Đài Truyền hình Hải Hưng khi ấy quyết định mời tác giả cùng làm một phim truyền hình về Đảo Cò để đi dự thi toàn quốc. Cùng lúc, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Giáo dục môi trường Việt Nam, ông đề xuất dự án: “Bảo vệ, phát triển đàn cò nhằm xây dựng khu du lịch sinh thái Chi Lăng Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Sau đó, dự án đã được triển khai. Đến nay, khu du lịch sinh thái Chi Lăng Nam đã được tôn tạo, có một tòa nhà làm “Trung tâm giáo dục môi trường” ở đó và bước đầu phát huy tác dụng.
Ông còn là cộng tác viên lâu năm của báo Khoa học và Đời sống, tạp chí Nghiên cứu giáo dục và một số báo khác. Những bài báo của ông thường xuất hiện sau các chuyến đi điền dã. Chẳng hạn, sau chuyến khảo sát vùng núi đá vôi ở Nhị Chiểu (Kinh Môn), ông viết bài “Bảo vệ đàn khỉ vàng”, “Xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã vùng núi đá vôi”...
Gần 40 năm công tác ở các trường đại học và cao đẳng, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, nhà giáo Nguyễn Văn Khang đã dành thời gian còn lại nghiên cứu, tham gia nhiều công trình khoa học. Ông đã viết được 49 đầu sách về một số lĩnh vực đã được xuất bản (30 đầu sách của riêng ông, 19 đầu sách còn lại là viết chung).
Cả cuộc đời ông đã làm việc say mê không vị danh, nhưng bù lại ông được các cộng sự trong giới khoa học vị nể. Đến giờ, nhiều người công tác ở Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh vẫn còn nhớ lần mời Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng, giảng viên Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội về nói chuyện khoa học. Trước khi nói chuyện, ông Hùng nhìn thấy ông Khang ngồi nghe ở phía dưới, ông đã đến và nói: “Hôm nay tôi làm một việc gọi là “múa rìu qua mắt thợ”. Vì giáo sư Khang đây là cuốn “từ điển sống” của ngành sinh học, ông có cả bề dày thực tiễn và cơ sở lý luận phong phú...”.
ĐẠI DƯƠNG