Người góp phần làm thay đổi quê hương
Việc tử tế - Ngày đăng : 16:25, 27/08/2013
14 năm làm trưởng thôn, bác Vinh luôn năng nổ, nhiệt tình với công việc được giao. Bà con trong thôn nói bác có công lớn trong việc làm thay đổi quê hương.
Mong mỏi lớn nhất của bác Vinh hiện nay là thôn Ngọc Trại hoàn thành
tiêu chí giao thông để được công nhận làng văn hóa
Đã khá lâu rồi tôi mới có dịp trở lại thôn Ngọc Trại, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ). Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là hình ảnh vùng quê nghèo, đường sá mấp mô gạch đá trước kia nay đã được thay thế bởi những con đường trải bê-tông rộng rãi, phẳng lỳ, hai bên là những ngôi nhà xây dựng kiên cố, cao tầng... Diện mạo nông thôn mới đang dần hình thành, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Bà con trong thôn bảo rằng, người góp công lớn trong việc làm thay đổi quê hương nơi đây chính là bác Nguyễn Đức Vinh, 55 tuổi, Trưởng thôn Ngọc Trại.
Gặp và trao đổi với bác Vinh, chúng tôi được biết, năm 1999, thôn Ngọc Trại tổ chức bầu trưởng thôn khóa 2. Bác Vinh là bộ đội xuất ngũ, lại từng là đại biểu HĐND xã Ngọc Kỳ giai đoạn 1982-1986 nên được nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức danh này. Lúc bấy giờ, kinh tế địa phương chậm phát triển, giao thông đi lại vất vả, đời sống nhân dân trong thôn còn lạc hậu, khó khăn. Ngay sau khi nhậm chức, bác Vinh đã cùng các đồng chí lãnh đạo thôn xây dựng kế hoạch, vận động nhân dân tham gia nâng cấp đường giao thông thôn xóm. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong thôn đã tổ chức đào và chuyên chở hơn 1.000 m3 đất từ khu vực soi Cống Trại mang về làng để đắp nền đường. Đường đắp xong, nhân dân trong thôn lại tiếp tục đóng góp 80 nghìn đồng/khẩu để rải đá cộn 1,3 km mặt đường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại.
Người dân Ngọc Trại từ lâu vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đồng ruộng manh mún, hệ thống kênh mương xuống cấp khiến hiệu quả sản xuất không cao. Vì vậy, đầu năm 2003, bác Vinh mạnh dạn xin ý kiến cấp trên để Ngọc Trại thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trước khi thực hiện, thôn tổ chức tuyên truyền, họp bàn, phân tích để người dân thấy được hiệu quả của việc dồn điền, đổi thửa. Một mặt xác định lại hiện trạng ruộng đất, phân loại vùng canh tác lúa, vùng trồng rau màu và vùng nuôi thủy sản. Từ đó, có kế hoạch phân chia ruộng theo nguyện vọng của từng hộ dân, bảo đảm khách quan, dân chủ. Toàn thôn có khoảng 77 mẫu ruộng, sau dồn điền, đổi thửa đã chuyển 33 mẫu cấy lúa năng suất thấp sang lập vùng nuôi thủy sản. Diện tích còn lại, bình quân mỗi gia đình chỉ còn lại 2,7 thửa (trước đó bình quân mỗi hộ có 12 thửa ruộng).
Ngọc Trại là thôn đầu tiên ở xã Ngọc Kỳ thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa. Năm 2005, bác Vinh cùng lãnh đạo thôn vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng gần 1.000 m mương nổi trị giá 230 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí), qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Từ ngày ruộng đồng được cải tạo, nhân dân trong thôn tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai chất lượng và các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao như: hành tây, bắp cải, bí đao, cà rốt, su hào, dưa hấu. Trong nuôi thủy sản, từ chỗ chỉ nuôi cá truyền thống, nhân dân đã chuyển sang kết hợp thả các loại cá như: rô phi, điêu hồng, chim trắng... mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Gia đình bác Vinh cũng đi đầu trong phát triển sản xuất ở địa phương với hơn 1 mẫu ao nuôi cá, mỗi năm thu lãi 50-70 triệu đồng. Theo bác Vinh, dù nông nghiệp có nhiều khởi sắc, nhưng đời sống nhân dân trong thôn không thể chỉ phụ thuộc vào một ngành. Do đó, những năm gần đây, bác thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình có điều kiện tham gia làm các nghề phụ khác như: thêu ren, mộc, xây dựng và đi xuất khẩu lao động. Ngọc Trại là thôn nhỏ với 121 hộ dân, 430 nhân khẩu, nhưng hiện có số người đi xuất khẩu lao động cao nhất xã Ngọc Kỳ, với trên 30 người. Qua đó, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân trong thôn với mức thu nhập bình quân đến hết năm 2012 đạt trên 12 triệu đồng/người/năm (cao gấp đôi so với năm 2005).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của Ngọc Trại những năm gần đây có nhiều khởi sắc. 11 năm liền, thôn Ngọc Trại không có người sinh con thứ 3. Từ 2003-2012, thôn liên tục đạt danh hiệu làng an toàn về an ninh trật tự. Từ năm 2007, nhân dân trong thôn đã đóng góp xây dựng nhà văn hóa...Tuy nhiên có một thực tế là sau nhiều năm phấn đấu nhưng đến nay thôn Ngọc Trại vẫn chưa được công nhận là làng văn hóa. Nguyên nhân chính là do hệ thống đường giao thông trong thôn đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Quyết tâm có được danh hiệu làng văn hóa trong năm 2013, từ cuối năm 2012 đến nay, bác Vinh và đội ngũ cán bộ thôn Ngọc Trại đã ra sức vận động nhân dân cùng chung tay, đóng góp công sức, tiền của tham gia làm đường. Sau 2 đợt tổ chức, toàn bộ 1,5 km đường trong thôn đã được trải bê-tông rộng 3-4 m, dày 18-25 cm. Trong đó, số tiền nhân dân đóng góp và vận động xã hội hóa được trên 400 triệu đồng, còn lại UBND tỉnh hỗ trợ hơn 284 tấn xi-măng. Bác Vinh bộc bạch: "Bao năm làm trưởng thôn, mong mỏi lớn nhất của tôi hiện nay là thôn sớm hoàn thành tiêu chí giao thông, đạt được danh hiệu làng văn hóa".
14 năm làm trưởng thôn, mức phụ cấp chẳng đáng là bao, nhưng bác Vinh luôn năng nổ, nhiệt tình với công việc được giao. Ngoài nhiệm vụ hiện tại, bác còn tham gia làm Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã Ngọc Kỳ. Ông Phạm Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ nhận xét: "Đồng chí Nguyễn Đức Vinh là người nhanh nhẹn, có trách nhiệm với công việc được giao và luôn tâm huyết làm những việc có lợi cho dân, cho quê hương".
TIẾN MẠNH