Lưu Quang Vũ: 1/4 thế kỷ vẫn tươi mới
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 16:53, 27/08/2013
Lưu Quang Vũ - nhà viết kịch dũng cảm nhất, nồng nhiệt nhất, đồng thời thơ nhất, đã ra đi vào một ngày định mệnh cách đây đúng 25 năm.
Lê Khanh (vai mẹ Xuyên) và Hữu Phương (Xuyên) trong vở Lời thề thứ 9
Đó là đêm kịch Lời thề thứ 9 - vở diễn cuối cùng của Lưu Quang Vũ được dàn dựng trên sân khấu khi ông còn sống, nay được tái dựng trên sân khấu Hà Nội tối 25-8.
Sức sống của tài năng
Khán phòng 1.100 chỗ của Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội không còn chỗ trống. Cả ngàn người im lặng theo dõi từng lời thoại, cử chỉ của nhân vật.
Và những tràng pháo tay vỡ òa khi chàng binh nhì Hiến nghiêm giọng chất vấn cha (ông Hà - chủ tịch tỉnh): “Một người lính chống Pháp bị bắt nhốt ngay trong trụ sở ủy ban chỉ vì dám chống lại những việc làm sai trái của chủ tịch xã, bố có biết không hay lại cũng coi là chuyện nhỏ?”; khi bà mẹ Xuyên ngửa mặt lên trời với lời than tắc nghẹn: “Nếu có trời tôi cũng làm đơn gửi ông Phạm Tuân mang lên trời để kêu tiếp!”; khi anh lính Đôn “sứt” hét lên với trung đoàn trưởng: “Chúng ta vẫn nói đất nước ta tươi đẹp lắm, nhân dân ta anh hùng lắm. Không, đất nước ta không tươi đẹp, nhân dân không anh hùng. Nhân dân nhát! Nhát nên mới để bọn cường hào ác bá nó đè đầu cưỡi cổ thế này...”.
Nhà hát Tuổi Trẻ - đơn vị nghệ thuật đầu tiên dàn dựng kịch Lưu Quang Vũ (Sống mãi tuổi 17, năm 1979) và là đơn vị dựng nhiều vở kịch của Lưu Quang Vũ nhất (12 vở) - đã đứng ra tổ chức Đêm Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh thật có ý nghĩa.
Ý nghĩa vì từ hàng chục năm nay, khán giả trẻ thường chỉ nghe nhắc đến kịch Lưu Quang Vũ và những thở dài tiếc nuối về một thời hoàng kim của sân khấu VN.
Đôi khi có một đêm thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được tổ chức kèm thêm một trích đoạn trong một vở diễn cũ của Lưu Quang Vũ, nhưng dựng lại, diễn lại, có quảng bá, có bán vé và tổ chức biểu diễn một cách ấn tượng như thế này thì chưa bao giờ.
Thực tại xấu xa và khát vọng sống đẹp
Trong Lời thề thứ 9, những người lính đang chốt trên biên giới phải trốn đơn vị về quê để giải cứu cho gia đình vì cả nhà đang đói, cha bị chủ tịch bắt nhốt vào trụ sở ủy ban; hậu phương của người lính trong thời bình phải đối mặt với những vấn đề xã hội mới nảy sinh: nạn cường hào mới ở nông thôn, sự thờ ơ của xã hội với những người lính còn đang gian khổ một mất một còn với quân thù chỉ cách vài trăm kilômet...
Cũng ít ai ngờ một vở diễn được Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng cách đây đúng 25 năm, với một đề tài có vẻ cũ kỹ và khô khan như thế lại thu hút được sự chú ý và đồng cảm mãnh liệt như thế.
Có thể vì Lưu Quang Vũ luôn luôn và mãi mãi là một nhà viết kịch quá chuyên nghiệp, câu chuyện của ông dù nói về đề tài nào cũng hấp dẫn; có thể vì diễn xuất tuyệt vời của NSND Lê Khanh (mẹ Xuyên), NSƯT Đức Khuê (ông Hà); có thể vì sự xuất hiện tuy còn non nớt nhưng trẻ trung, tươi mới của ba diễn viên trẻ Duy Nam, Xuân Toàn, Hữu Phương trong vai bộ ba Đôn “sứt”, Hiến, Xuyên; cũng có thể vì cách dàn dựng lại của đạo diễn Chí Trung trên bài bản cũ của NSND Xuân Huyên đã tạo thêm những không gian thư giãn, chùng xuống với những màn hài hước nhưng đủ chọc tức khán giả của Thanh Dương (chủ tịch xã Quách Văn Tuần).
Nhưng, nếu chỉ có thế, chắc chắn một vở diễn với đề tài hiện đại và mang tính luận đề như thế khó có thể đứng vững, lại còn đủ sức lay động lòng người sau đúng 1/4 thế kỷ.
Nhiều người cũng đã tự hỏi và hỏi nhau như thế sau đêm diễn với cặp mắt đỏ hoe. Và câu trả lời được nhiều người tán đồng nhất: Lưu Quang Vũ viết kịch thời sự nhưng đụng chạm được vào cái khát vọng cao đẹp nhất trong mỗi con người, khát vọng được sống tốt hơn, sống đẹp hơn, được là bản thân mình dẫu cho phải đối mặt với thực tại tầm thường xấu xa, đê hèn. Kịch của ông phơi bày cái ác, muôn hình vạn trạng, nhưng đọng lại sau cuối vẫn là niềm tin vào những giá trị người nhất.
Thêm một điểm son nữa cho Lời thề thứ 9: sau Lưu Quang Vũ, khó có kịch tác gia nào có thể để cho nhân vật của mình cất lên những lời đẹp đẽ, đầy chất thơ mà lại không bị sa vào hoa mỹ, sáo mòn, thậm chí giả tạo. Nếu không phải trong kịch Lưu Quang Vũ, không một bà mẹ nông dân áo nâu chân lấm nào có thể cất giọng du dương êm ái gọi như bà mẹ Xuyên: “Các con yêu của mẹ, nghe mẹ nói này, ra đây với mẹ đi” mà không gây phản cảm vì sự thiếu chân thực. Đó có thể gọi là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của một tài năng đích thực?
Tuy khán giả đã có một đêm đầy xúc cảm, phần đầu của Đêm Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh không thật sự xứng với tên gọi của chương trình và tầm vóc của hai tác giả. Mỗi tác giả được chọn một bài thơ để đọc, thì cả hai NSƯT Phan Muôn (đọc thơ Lưu Quang Vũ) và Vương Hà (đọc thơ Xuân Quỳnh) đều phải... cầm giấy. Thật khó chấp nhận khi cả một vở kịch dài, các diễn viên không cần nhắc thoạiẻnhưng chỉ với một bài thơ ngắn, đã nổi tiếng và rất dễ thuộc, các nghệ sĩ lại phải cầm giấy để ngâm nga. Hai bài hát Thuyền và biển (phổ thơ Xuân Quỳnh) và Tiếng Việt (phổ thơ Lưu Quang Vũ) được trình bày với nền nhạc thu sẵn và hệ thống âm thanh không dành cho biểu diễn ca nhạc, ca sĩ trình bày cũng kém hấp dẫn, tạo một cảm giác hụt hẫng. May mà có vở kịch ở phần hai níu lại cảm xúc. |
THU HÀ (tuổi trẻ)