Người Việt Nam đầu tiên vào điện Kremlin

Tin tức - Ngày đăng : 06:41, 02/09/2013

Từ khi nghe tin cách mạng XHCN thành công ở Nga, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc nung nấu ý định đến Nga dẫu chưa hiểu hết ý nghĩa to lớn của cuộc cách mạng đó.

Cách mạng tháng Mười vĩ đại (1917) có sức lôi cuốn kỳ lạ. Từ khi nghe tin cách mạng XHCN thành công ở nước Nga, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc nung nấu ý định đến Nga dẫu thời bấy giờ chưa hiểu hết ý nghĩa cực kỳ to lớn của cuộc cách mạng đó.

Khi ấy, đang lăn lộn với phong trào Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc phải trù tính rất nhiều để thoát khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp và tìm đường đi được từ Paris sang Nga. Mấy tháng trăn trở, chợt T.Ư Đảng Cộng sản Pháp thông báo sẽ cử Nguyễn Ái Quốc đi Nga dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa.



Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Nga) ngày 16 -7-1955 - Ảnh: Tư liệu

Hành trình đến nước Nga

Theo cuốn Bác Hồ trên đất nước Lênin (Hồng Hà - NXB Thanh niên, 1980): Tháng 6-1923, hóa trang trong bộ đồ lịch sự, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đi từ Paris tới Berlin (Đức) trên toa hạng nhất của xe lửa tốc hành với tấm hộ chiếu mang tên Chen Vang.


Trong tiềm thức của nhân dân Việt Nam, Người mãi mãi là “Bác Hồ”, nhà thông thái luôn sát cánh và thấu hiểu tâm tư tình cảm của mọi người Việt Nam, từ già đến trẻ, từ thanh niên đến phụ nữ

Nhà thơ K.Simonov

Cơ quan đại diện toàn quyền nước Nga Xô viết tại Berlin cử người đến Sở Cảnh sát Đức xin giấy thông hành cho người thanh niên châu Á. Tờ giấy đóng dấu hình con phượng hoàng màu tím ghi rõ “Giấy phép số 5316, tháng 6-1923, có giá trị cho một chuyến đi từ Berlin qua các đồn biên phòng.

Tên: Chen Vang

Nơi đi: ra nước ngoài

Mục đích: về nhà

Thời hạn: không thời hạn

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao - đại diện đặc mệnh toàn quyền nước Nga Xô viết tại Đức trao cho Nguyễn Ái Quốc giấy tờ tùy thân đầu tiên mà chính quyền Xô viết cấp:

Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga

Giấy đi đường số 1829

Người mang giấy: Chen Vang

Sinh ngày: 15-2-1895 tại Đông Dương

Nghề nghiệp: Thợ ảnh

Nơi đến: Nước Nga

Giấy chỉ có giá trị khi đi đường

Berlin ngày 16-6-1923

Đại diện đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga tại Đức Stephan Bratman Bradopxki (ký tên).

Kèm theo đó là:

Thị thực nhập cảnh số 361370

Ông: Chen Vang

Đến: Nước Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga

Qua trạm biên phòng: Thương cảng Petegrad

Mục đích chuyến đi: Công tác chuyên môn

Thời gian ở Nga: Một tháng

Berlin ngày 25-6-1923

Ký thay đại diện Đặc mệnh toàn quyền

Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Nga tại Đức.

Trang bị đầy đủ giấy tùy thân, Nguyễn Ái Quốc lên tàu thủy Nga Karl Lipnech, tiếp tục hành trình đến nước quê hương cách mạng XHCN. Sáng 30-6-1923, tàu cập cảng St.Petersburg. Nguyễn Ái Quốc xúc động đặt chân lên trung tâm cách mạng, chính trị toàn nước Nga - nơi chứng kiến tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông lay đổ ngai vàng của Nga hoàng và vang dội tiếng hô xung phong của các chiến sĩ cách mạng đánh chiếm cung điện Mùa Đông. Thật trùng hợp, 12 năm trước, cũng đúng tháng 6, với thân phận người lao động mang tên Nguyễn Văn Ba, người thanh niên Việt Nam quả cảm đã lên tàu thủy, rời Tổ quốc thân yêu, nung nấu ý chí sắt đá tìm đường cứu nước.

Nhà yêu nước vĩ đại

Trên bản tin ra ngày 19-5-1965, báo Sự thật của Liên Xô có bài dành riêng kỷ niệm lần thứ 75 sinh nhật Bác. Bài viết đánh giá cao tinh thần phục vụ không mệt mỏi của Bác cống hiến cho phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và khẳng định “nhân dân Liên Xô hiểu rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước nhiệt thành, nhà cộng sản quốc tế kiên định”.

Nhà thơ Xô viết nổi tiếng K.Simonov, từng có dịp được trực tiếp gặp Bác, đã viết với đại ý: Bản thân hình ảnh Hồ Chí Minh mang đậm chất thơ. Người vừa là lãnh tụ của nhân dân, nhà cách mạng kiên định, chiến sĩ quốc tế cộng sản, nhà tư tưởng, con người của hành động, nhà chiến lược, chiến thuật chiến tranh cách mạng, nhà trí thức uyên thâm, biết nhiều ngoại ngữ và viết được nhiều tác phẩm bằng những ngôn ngữ khác nhau. Vượt trên tất cả những phẩm chất tốt đẹp ấy, trong tiềm thức của nhân dân Việt Nam, Người mãi mãi là “Bác Hồ”, nhà thông thái luôn sát cánh và thấu hiểu tâm tư tình cảm của mọi người Việt Nam, từ già đến trẻ, từ thanh niên đến phụ nữ”.

Hành trình 30 năm (1911 - 1941) bôn ba thế giới tìm đường cứu nước, cũng như toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Bác, nước Nga và người Nga có vị trí rất đặc biệt. Khoảng 6 năm, Bác sống và làm việc tại nước Nga (1923-1924; 1927; 1934-1938). Khi giữ cương vị Chủ tịch nước Việt Nam, Bác dành thời gian thăm chính thức nước Nga (1955). Chuyến thăm đó được mô tả lại rất sinh động trong hồi ký của tác giả Vũ Kỳ - Khi người Việt Nam đầu tiên vào điện Krem-li. Những trang ghi chép súc tích của ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác Hồ, cung cấp tư liệu sinh động, giúp người đọc hình dung chuyến thăm khác thường, vỏn vẹn khoảng 1 tháng, Bác trải qua quãng đường tổng cộng 19.000 km, thăm 19 thành phố thuộc 10 nước cộng hòa thuộc Liên Xô ngày đó. Mọi hoạt động trong chuyến đi khẳng định phong cách và nhiệt tình vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn khám phá, tìm hiểu thành quả XHCN để áp dụng cho thực tế Việt Nam.

Hồi ký Khi người Việt Nam đầu tiên vào Krem-li, đã được xuất bản lần đầu ở Việt Nam năm 1987, sau đó tái bản nhiều lần.

Khi người Việt Nam đầu tiên vào Krem-li d

Cuốn sách được dịch sang tiếng Nga (dịch giả Evghenhy Pavlovic Glazunov) và đã ra mắt ở Nga, đúng kỷ niệm 90 năm ngày Bác đến nước Nga lần đầu tiên (30-6-1923 - 30-6-2013), góp phần quý giá vào nguồn hồi ức về lịch sử mối quan hệ Liên Xô - Việt Nam.

Trung Thành (Thanh niên)