Giá trị bất hủ của "Tuyên ngôn độc lập"

Tin tức - Ngày đăng : 07:52, 02/09/2013

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà...


Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc, tình cảm bao la, hoài bão to lớn và khát vọng cháy bỏng tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do đã được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.



68 năm về trước, chỉ chưa đầy nửa tháng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của nhân dân ta đã diễn ra nhanh chóng và thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, ngày 2-9 trở thành ngày Tết Độc lập của toàn thể dân tộc Việt Nam. Sự kiện này là mốc son chói lọi, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do dân tộc và đi lên con đường chủ nghĩa xã hội.

Tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc, tình cảm bao la, hoài bão to lớn và khát vọng cháy bỏng tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do đã được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm chính  là sự kết tinh của những giá trị tinh thần yêu nước nồng nàn của toàn thể dân tộc Việt Nam mà Hồ Chủ tịch là hiện thân cho lý tưởng cao đẹp ấy. Nghiên cứu tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Người, chúng ta thấy được ý nghĩa lịch sử và giá trị thiêng liêng Tết Độc lập của Việt Nam với 3 nội dung lớn.

Thứ nhất, bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập dân tộc, tự do nhân dân, là một tất yếu khách quan của lịch sử. Để minh chứng cho luận điểm đúng đắn đó, Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận cứ lịch sử và khoa học rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người nêu rõ: “Lời nói bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, quyền độc lập, tự do không phải của riêng một quốc gia, dân tộc nào, không phải chỉ có nước Mỹ, Pháp với tư cách là những nước sớm giành được độc lập mới có đặc quyền, đặc ân ấy. Không một quốc gia, dân tộc nào có quyền tước bỏ quyền độc lập, tự do của quốc gia, dân tộc khác. Chính vì thế, đất nước và người dân Việt Nam tất phải có quyền độc lập, tự do.

Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập đã trực tiếp công bố xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam, mở ra một trang lịch sử mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Sau khi dẫn chứng lịch sử và thực tiễn, Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn xâm lược, nô dịch dân tộc Việt Nam của thực dân Pháp. Trong Tuyên ngôn độc lập, Người nêu rõ: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta” với những thủ đoạn phá hoại về chính trị, kinh tế, văn hoá giáo dục, hòng nô dịch nước ta, biến Việt Nam thành nước thuộc địa lâu dài của chúng. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng vạch trần bản chất đê hèn của thực dân Pháp. Đối với kẻ thù là Nhật thì run sợ, hèn nhát, đầu hàng còn đối với “đồng minh” thì tàn nhẫn, dã man. Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở rộng căn cứ đánh Đồng minh thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng mở cửa nước ta rước Nhật”. “Ngày 9 tháng 3 năm nay Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy hoặc là đầu hàng”. Đối với Việt Minh thì “thẳng tay khủng bố”, “thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt một số đông tù chính trị”. Trái lại, với chính sách nhân đạo, khoan dung của dân tộc ta “đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ thái độ khoan hồng và nhân đạo, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, ra khỏi nhà giam Nhật”. Chính vì lẽ đó, thực dân Pháp không có lý do gì để quay lại xâm lược Việt Nam. Người tuyên bố: “Chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ hết tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định mạnh mẽ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xác lập chế độ chính trị mới ở Việt Nam trong tương lai. Khái quát thành quả cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam trong tác phẩm, Hồ Chí Minh đã nói: “Pháp chạy, Nhật đầu hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà”. Đây cũng là nhà nước công nông, nhà nước dân chủ kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Đối với các quốc gia trên thế giới, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi tin tưởng rằng, các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Khẳng định độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân Việt Nam luôn là mục tiêu, nguyên tắc xuyên suốt trong tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời tác phẩm cũng đã thể hiện quyết tâm xây dựng và bảo vệ Nhà nước dân chủ hợp hiến, hợp pháp của Việt Nam. Bởi theo Hồ Chí Minh, nền độc lập của dân tộc Việt Nam không phải tự nhiên mà có, cũng không thể do ai ban phát cho, mà nó được vun đắp từ mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Người viết “Một dân tộc đã gan góc chống ách áp bức của thực dân Pháp mấy chục năm qua dân tộc đó phải được tự do. Một dân tộc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm qua, dân tộc đó phải được độc lập”.

Kết thúc bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ khẳng định ý chí và quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập là tác phẩm tiêu biểu nhất trong kho tàng tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó là kết tinh truyền thống yêu nước nồng nàn của toàn thể dân tộc Việt Nam qua hơn bốn nghìn năm lịch sử. Tuyên ngôn độc lập mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca bất hủ, chất chứa hào khí ngàn năm của hồn thiêng sông núi, với giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta.

Ngày nay, vào dịp Quốc khánh 2-9, mỗi lần nghe lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh, để khắc sâu hơn chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, để làm tốt lời Bác dạy: “Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước/Ngày nay Bác cháu ta phải cùng giữ lấy nước”.

TS. LÊ XUÂN HUY