Rộn ràng hàng Việt về nông thôn
Thị trường - Ngày đăng : 16:29, 05/09/2013
Đưa hàng về nông thôn đang là cách để các doanh nghiệp mở rộng thị phần, tăng sức tiêu thụ sản phẩm, đồng thời khuyến khích người dân nông thôn sử dụng hàng Việt.
Người dân huyện Thanh Miện mua sắm tại hội chợ hàng Việt về nông thôn
Từ năm 2008 đến nay, tháng nào cũng vậy cứ vào sáng thứ 6 cuối cùng trong tháng, chiếc xe chở thạch rau câu Long Hải lại có mặt tại cửa hàng kinh doanh tạp hóa của gia đình chị Nguyễn Thị Hướng ở thôn Hội Yên, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Không chỉ giao hàng, kiểm tra số lượng hàng bán ra mỗi tuần, những nhân viên kinh doanh phụ trách địa bàn huyện Thanh Miện của Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải còn ghi nhận những phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm để giúp doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất tốt hơn. Vừa nhanh tay xếp những túi thạch rau câu gọn gàng trên kệ hàng, anh Nguyễn Văn Hùng, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải cho biết: "Từ năm 2006, công ty của chúng tôi đã thực hiện chiến lược đưa hàng về các vùng nông thôn. Hiện nay, sản phẩm thạch rau câu Long Hải còn được đưa đến nhiều vùng xa, từ Mù Cang Chải (Yên Bái) đến vùng Cái Nước, U Minh (Cà Mau). Thực hiện mục tiêu "đánh thức" thị trường nông thôn nên sản phẩm thạch rau câu Long Hải đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố với 135 nhà phân phối và trên 60 nghìn điểm bán hàng”.
Xác định thị trường nông thôn còn nhiều tiềm năng, từ năm 2009 trở lại đây, Công ty CP May II Hải Dương đặc biệt quan tâm phát triển thị trường này. Hiện nay, công ty đã xây dựng được 20 đại lý và cửa hàng bán sản phẩm tại khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, công ty đã mở 3 đại lý bán hàng tại Thái Nguyên, Bắc Giang và huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng). Doanh thu từ bán hàng nội địa của doanh nghiệp luôn chiếm từ 10-15% tổng doanh thu hằng năm. Ông Đinh Trịnh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho biết: "Do kinh tế khó khăn, thị trường xuất khẩu thu hẹp, doanh nghiệp đã tìm hướng đưa hàng về bán ở các vùng nông thôn. Chúng tôi xác định hành trình đưa sản phẩm về các vùng nông thôn sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ cố gắng thiết kế những mẫu quần áo phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn".
Thời gian gần đây, để tăng doanh số bán hàng, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã đưa hàng về các vùng nông thôn. Đó là các sản phẩm nổi tiếng của tỉnh như: bát sứ của Công ty CP Sứ Hải Dương, sản phẩm gốm Chu Đậu, kem Bình Dung, Bình Dương, bia của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương, bánh đậu xanh Gia Bảo, Hòa An... Hằng tháng, siêu thị Big C và Intimex Hải Dương đều thực hiện chương trình đưa hàng Việt về bán tại các vùng nông thôn.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu ở xã Thái Tân (Nam Sách) cho biết: "Khi xuất khẩu khó khăn, điều mà chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là đưa hàng về với người dân nông thôn. Lâu nay thị trường này bị các doanh nghiệp trong nước bỏ quên thì nay là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, giành lại thị phần. Hiện nay, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã mở được hơn 20 điểm phân phối tại nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Riêng ở tỉnh ta, xí nghiệp đã xây dựng được 5 điểm phân phối tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Thanh Hà, Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Nhờ những điểm bán hàng này mà doanh thu của xí nghiệp tăng, người lao động có việc làm ổn định. 6 tháng đầu năm nay, lượng hàng bán ra của doanh nghiệp tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều quan trọng là thương hiệu gốm Chu Đậu đã được nhiều người dân biết đến".
Vượt qua khó khăn nhờ hướng đến thị trường nông thôn là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thạch rau câu Long Hải. Theo ông Thành, bán hàng ở nông thôn sẽ giúp doanh nghiệp giới thiệu được sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, giảm chi phí quảng cáo cho các đại lý. 3 năm gần đây, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp doanh nghiệp tăng doanh thu từ 5-10% mỗi năm. Ông Thành cho rằng, trong thời buổi khó khăn hiện nay, việc đưa trực tiếp hàng về bán ở các vùng nông thôn sẽ góp phần giảm bớt tình trạng hàng hóa bị làm giả, làm nhái, uy tín doanh nghiệp cũng được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, việc làm này cũng giúp doanh nghiệp tiếp thu trực tiếp ý kiến của người tiêu dùng, từ đó cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 100 lượt doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Kinh Môn và thị xã Chí Linh. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh trước đây chỉ chú trọng tới thị trường đô thị thì nay đổi hướng kinh doanh về các vùng nông thôn. Đặc biệt, những hội chợ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Hàng Việt về nông thôn" được Sở Công thương phối hợp với các địa phương tổ chức thời gian gần đây đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường nông thôn, tăng doanh số bán hàng, khẳng định chất lượng hàng Việt...
HẢI MINH