Chia rẽ vì Syria
Bình luận - Ngày đăng : 09:22, 08/09/2013
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama bất đồng sâu sắc về tình hình Syria. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh G20 là nơi các nhà lãnh đạo thế giới muốn tạo ra một mặt trận thống nhất vì tăng trưởng, thương mại, minh bạch ngân hàng, chống hành động trốn thuế... G20 (chiếm 2/3 dân số và 90% sản lượng hàng hóa thế giới) đang bất đồng trước biến động của các thị trường mới nổi và quyết định chấm dứt gói kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, không có rạn nứt nào lớn bằng quan điểm xung khắc giữa lãnh đạo Mỹ và Nga trước khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria nhằm trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad vì vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 1.400 người thiệt mạng hôm 21-8 theo cáo buộc của Washington.
Theo Reuters, trong 2 ngày hội nghị 5 và 6-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và hàng loạt nhà lãnh đạo quốc tế đã gây sức ép lên Tổng thống Mỹ Barack Obama khi bày tỏ sự phản đối quyết liệt kế hoạch tấn công Syria. Cả ông Putin, đại diện Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đều cảnh báo can thiệp vào Syria mà không có sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc sẽ dẫn tới những nguy cơ lớn.
Hai cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo về vấn đề Syria tối 5-9 và sáng 6-9 đều kết thúc trong bế tắc do sự mâu thuẫn giữa các bên là quá sâu sắc. Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời ông Putin tổng kết: “Một số nước bảo vệ quan điểm rằng phải hành động gấp. Một số nước khác kêu gọi không vi phạm luật pháp quốc tế và không nên quên rằng HĐBA có quyền quyết định việc có sử dụng vũ lực hay không”.
Nguồn tin của AFP cho biết, trên thực tế lãnh đạo một số nước phương Tây ủng hộ quan điểm của ông Putin. Đến nay vẫn chỉ có Pháp tuyên bố sẽ tham gia cuộc can thiệp của Mỹ. Dù vậy, ông Obama vẫn khẳng định phần lớn các nhà lãnh đạo G20 đều đồng ý rằng quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.
Tại hội nghị G20, ông Obama và ông Putin đã gặp và thảo luận khoảng 30 phút. Ông Putin cho biết cả hai đã nói chuyện “một cách thẳng thắn và đầy tính xây dựng”. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo vẫn không hàn gắn được sự khác biệt trong quan điểm. Sự thất vọng của Mỹ về sự bế tắc và mâu thuẫn này được thể hiện rõ qua việc từ New York, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power tuyên bố, Washington đã từ bỏ việc xin sự phê chuẩn của HĐBA về kế hoạch tấn công Syria. Bà Power cho rằng “không có một con đường nào hướng về phía trước với HĐBA này” và cáo buộc Nga “bắt HĐBA làm con tin”. Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tôn trọng vai trò của HĐBA.
Mới đây, báo New York Times dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng tiết lộ đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Obama lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công Syria với quy mô lớn hơn dự tính trước đó. Theo đó, các tàu khu trục Mỹ tại Địa Trung Hải sẽ bắn khoảng 200 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu tại Syria. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ sẽ thực hiện một chiến dịch không kích quy mô lớn kéo dài hai ngày. Washington sẽ sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2, “pháo đài bay” B-52 và máy bay ném bom B-1 để không kích Syria. Một quan chức Nhà Trắng khẳng định cuộc không kích này “sẽ gây thiệt hại cho quân đội của Tổng thống Syria Assad trong 48 giờ, vượt xa những gì quân nổi dậy Syria đã làm trong 2 năm qua”. Tuy nhiên, ông Obama nhấn mạnh sẽ không hành động nếu Quốc hội Mỹ không cho phép.
Mỹ tiếp tục tìm đồng minh
Sau khi bị đồng minh thân cận Anh từ chối tham gia cuộc chiến nhằm vào Syria, NATO cũng cân nhắc sẽ không tham chiến..., sáng sớm 7-9 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Thủ đô Vilnius của Lithuania, tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Âu cho kế hoạch tấn công Syria của nước này. Trong chuyến công du thứ 14 trong vòng 7 tháng từ khi nhậm chức, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ sẽ lần lượt đến Lithuania, Pháp, Anh và quay về Mỹ vào thứ hai tuần tới.
AFP cho biết, ông Kerry đến Vilnius với mục tiêu “tiếp tục đưa ra các bằng chứng đã thu thập được và tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn về một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào Syria để ngăn chặn chính quyền tổng thống Assad tiến hành thêm một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khác”. Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama đang tranh thủ vận động sự ủng hộ của quốc tế về kế hoạch tấn công Syria vì cho rằng chính quyền nước này đã sử dụng vũ khí hóa học. Trong một bài viết đăng trên tờ Huffington Post hôm thứ sáu, Ngoại trưởng Mỹ Kerry khẳng định “cái giá của việc không hành động còn đắt hơn chi phí cho cuộc tấn công (vào Syria)”.
PHƯƠNG LINH(biên soạn)
|