Làng nghề An Nhân đang bị mai một

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:08, 10/09/2013

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, do tác động của thị trường, làng nghề đã không còn đứng vững và đang dần mai một…



Ở An Nhân hiện chỉ còn người trung, cao tuổi làm nghề


Thị trấn Tứ Kỳ có làng nghề truyền thống mây tre đan An Nhân, từng mang lại nguồn thu nhập chính cho hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, khoảng 5-7 năm trở lại đây, do tác động của thị trường, làng nghề đã không còn đứng vững và đang dần mai một…

Một thời để nhớ

Hiện nay, ngay cả các cụ cao tuổi nhất ở thôn An Nhân (mới đây đã chia tách thành 2 khu An Nhân Đông và An Nhân Tây) cũng không biết nghề đan có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ từ khi còn nhỏ đã được ông cha dạy cho cách vót tre, cách đan và cạp rổ, rá, thúng, nia, giần, sàng,… Theo ông Đặng Văn Thành, Trưởng khu An Nhân Tây, cả 2 khu của thôn An Nhân có khoảng 1.100 hộ với trên 4.200 nhân khẩu. Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước gần như 100% số gia đình trong thôn theo nghề này. Ngoài cấy lúa, thì đan lát là nghề chính và luôn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Vì thế đến tận bây giờ, người ta vẫn thường hay truyền miệng câu: “An Nhân là đất ăn chơi/ Có nghề đan lát ngồi chơi ra tiền”. Các sản phẩm của làng nghề có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh phía Nam. Ngày ấy, làng nghề An Nhân lúc nào cũng vui như Tết. Vào mỗi buổi sáng, khi xe ô-tô chở tre từ các tỉnh miền ngược về dừng ở đầu làng là mọi người lại chạy ra, tranh nhau chọn mua. Nhiều người còn dậy từ 2-3 giờ sáng ra đường túc trực để mua bằng được những khúc tre nhẵn nhụi, thẳng để đan rổ, rá... cho đẹp. Sau đó là tiếng cưa, tiếng dao thớt dùng để chẻ tre, tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả phát ra từ trong các ngõ xóm và các gia đình, khiến trong thôn lúc nào cũng nhộn nhịp. Vui nhất là khi đến phiên chợ Yên, người dân trong làng chất đầy sản phẩm lên xe thồ, í ới gọi nhau mang ra chợ bán… Doanh thu của cả làng nghề lúc đó luôn chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm của thị trấn Tứ Kỳ. Đến năm 2003, thôn An Nhân được UBND tỉnh công nhận là làng nghề.

Cố giữ nghề

Tuy nhiên chỉ sau đó 2 năm, tức là năm 2005, làng nghề mây tre đan An Nhân bắt đầu “tụt dốc” nhanh chóng do tác động của thị trường. Bằng chứng là có không ít gia đình bỏ nghề, hàng trăm lao động chuyển làm việc khác hoặc xin vào làm trong các công ty, xí nghiệp. Thời điểm hiện tại, cả 2 khu của An Nhân chỉ còn lại khoảng 30% số hộ còn làm nghề, và lao động chủ yếu là những người trung, cao niên, tập trung ở khu An Nhân Tây.

Bác Nguyễn Văn Phái ở xóm 1, khu An Nhân Tây, một hộ có nhiều đời làm nghề đan lát cho biết: “Nhà tôi có 7 khẩu. Trước đây, tất cả các thành viên trong gia đình đều làm nghề này, thu nhập mỗi tháng cũng đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Mấy năm nay hàng làm ra bán chậm, thu nhập chẳng đáng là bao nên các con tôi đã bỏ nghề đan lát để đi làm trong các công ty. Vợ chồng tôi còn làm vì thấy tiếc cái nghề truyền thống của ông cha đã gìn giữ bao đời. Với lại chúng tôi cũng cao tuổi rồi nên chẳng công ty nào nhận, ở nhà ngồi đan cái rổ, cái rá, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn đồng”.

Cùng ở khu An Nhân Tây, gia đình bác Nguyễn Văn Hình là cơ sở chuyên đi thu mua sản phẩm đan lát của bà con địa phương, sau đó về mua dây cạp lại rồi bán cho lái buôn kiếm lời. Trước kia, cơ sở của bác Hình lúc nào cũng có khoảng 10 lao động làm việc. Sản phẩm làm ra đều được lái buôn ở các huyện Bình Giang, Ninh Giang, Thanh Hà, Gia Lộc… đến thu mua. Mỗi ngày, trừ chi phí, cũng lãi vài trăm nghìn đồng. Năm 2008, bác Hình được Bộ trưởng Bộ Công thương tặng bằng khen lao động giỏi và đã có thành tích xuất sắc trong khôi phục làng nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, từ ngày sản phẩm làm ra tiêu thụ kém, thu nhập bấp bênh, hầu hết lao động xin nghỉ việc, chỉ còn 2 vợ chồng bác theo nghề dù có gắng sức làm thì nghề này cũng chỉ đem lại cho vợ chồng bác thu nhập trên 100 nghìn đồng mỗi ngày. Bác Hình chia sẻ: “Chẳng bao giờ chúng tôi xác định có thể giàu lên từ nghề đan lát. Nhưng đó là nghề mà tổ tiên để lại, là miếng cơm, manh áo và đã từng giúp cho các gia đình trong thôn có cuộc sống ổn định. Tôi không thể bỏ nghề, song còn các con chúng tôi và những thế hệ tới đây biết ai có muốn lưu giữ nghề của làng”.

Chuyển hướng sản xuất?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Kỳ cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới làng nghề truyền thống mây tre đan An Nhân đang từng ngày mai một chủ yếu là do các sản phẩm đan lát bằng tre không còn được thị trường ưa chuộng như trước đây. Năm 2005, khi việc sản xuất của làng nghề mây tre đan An Nhân chững lại, Đảng bộ thị trấn Tứ Kỳ đã xây dựng và triển khai đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề mây tre đan An Nhân” với rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó trọng tâm là cử người đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số làng nghề đan lát ở Hà Tây (cũ) nhằm mục đích cải tiến mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trên thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất, thu mua, quảng bá sản phẩm làng nghề mây tre đan bằng việc cho mượn đất để xây dựng cơ sở, kho hàng, điểm bán hàng; chỉ đạo một số đoàn thể ở địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề đan lát được tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng, đặc biệt là vốn vay ưu đãi để duy trì và mở rộng sản xuất. Năm 2007, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, thị trấn Tứ Kỳ đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để mở rộng và xây dựng đường vào làng nghề mây tre đan An Nhân, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và các phương tiện khi ra vào làng nghề thu mua hàng hóa... Tuy nhiên, tất cả những việc mà chính quyền thị trấn đã làm cũng chưa thể giúp việc dạy làng nghề mây tre đan An Nhân trong cơ chế thị trường khắc nghiệt... Hiện nay, thị trấn đang xem xét khả năng sẽ tìm thị trường, động viên các gia đình thôn An Nhân bỏ sản xuất những vật dụng không còn thích hợp với thị trường, đồng thời chuyển đổi mẫu mã, kiểu dáng các sản phẩm hiện có đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và thử nghiệm làm các sản phẩm mới như: giỏ hoa, đồ mỹ nghệ, trang trí. Song kế hoạch này cũng gặp rất nhiều khó khăn khi địa phương đang thiếu hụt lao động và chưa tìm được nguồn tài trợ.

TIẾN MẠNH