Ngọn lửa từ bóng tối
Đời sống - Ngày đăng : 13:14, 10/09/2013
Có những người không may mắn bị lấy đi ánh sáng, song, họ vẫn nỗ lực rèn luyện để có thể “nhìn” cuộc sống bằng những con mắt khác...
Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng anh chị Hừa - Trung rất thích “xem” ti-vi
Bước ra khỏi bóng tối
Chị Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1983 (quê ở Tứ Kỳ) là một trong số những hội viên đầu tiên sống và làm việc tại trụ sở Hội Người mù TP Hải Dương. Khi ấy, chị Hoa đã 18 tuổi song còn nhút nhát và đầy tự ti, vì những năm tháng ở nhà cùng bố mẹ, cả nhà ai cũng thương nên không để cho chị phải làm gì. Ngồi chơi một chỗ mãi cũng buồn, lại thấy mình không làm được gì cho ai, nhiều việc tự phục vụ bản thân cũng cần người giúp đỡ nên chị Hoa đầy mặc cảm về sự kém may mắn của mình. Cứ ở nhà, không giao tiếp ngoài xã hội, chị tưởng rằng chỉ có mình mắt kém nên cảm giác thường trực là sự bơ vơ vì “mình chẳng giống ai”. Nghĩ đến tương lai, chị càng cảm thấy vô vọng, vì không biết sau này mình có tự xoay xở nếu không có bố mẹ ở cùng.
Tất cả những lo lắng, tự ti ấy đã dần tan biến khi chị gia nhập Hội Người mù TP Hải Dương. Chị Hoa gọi đó là “một sự đổi đời”, giống như bước sang một trang khác sáng sủa và tươi đẹp hơn trong cuộc sống của mình. Ở đây, chị được hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân, được học nghề tẩm quất và làm việc ngay tại trụ sở hội. Từ chỗ chỉ ngồi một chỗ trong nhà, chị được đi đây đi đó cùng anh chị em trong hội, có thu nhập để nuôi sống bản thân, đồng thời xóa tan mặc cảm mình là người vô dụng.
Những tâm sự ấy của chị là nỗi niềm chung của 40 người khiếm thị đang sống và làm việc tại trụ sở Hội Người mù TP Hải Dương. Thành lập năm 2000, thời gian đầu, hội tiếp nhận cả hội viên là những người ở các huyện lân cận nên hầu hết đều ở tại trụ sở hội, sống quây quần như một gia đình. Ai cũng nói được làm việc ở đây là niềm may mắn lớn đã thắp sáng cho cuộc sống vốn tối tăm về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của họ trước đó. Anh Tân Văn Trung (quê ở Nam Sách) không chỉ được học nghề tẩm quất mà còn có điều kiện phát huy năng khiếu bơi lội của mình. Trước khi vào hội, Trung chỉ mày mò tự học bơi trong ao nhà, nhiều lần suýt chết đuối. Khi lên hội, anh được tham gia đội bơi người khuyết tật của tỉnh, được học bơi đúng cách, luyện tập thường xuyên và tham gia nhiều giải bơi toàn quốc. Cho đến nay, sau 6 năm thi đấu, anh Trung đã có gần 20 huy chương vàng ở các cự ly. Không chỉ có niềm vinh dự và tự hào vì mang lại thành tích cho đội bơi của tỉnh, anh còn vui sướng vì có cơ hội được đi đến nhiều nơi trong cả nước trong những chuyến du đấu. Với bản tính ham sống của tuổi trẻ, anh Trung kể rằng thích nhất là được đến những thành phố lớn, thấy cuộc sống ồn ào tấp nập xung quanh, được đi uống cà-phê, đi tắm biển… Với chàng trai 28 tuổi này, dường như cuộc sống và những đam mê chẳng khác gì so với những người mắt sáng.
Chị Đinh Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Hội Người mù TP Hải Dương, người đã có nhiều năm “chiến đấu” với bóng tối, sự tự ti và cả kỳ thị của những người không quen tâm sự rằng chị rất hiểu cảm giác mặc cảm, bất lực của người khiếm thị nên chị thường xuyên trò chuyện với hội viên, nhất là những người mới đến để họ thay đổi cách nhìn về cuộc sống. Đồng thời, chị nỗ lực tổ chức các hoạt động tập thể cho hội viên như tổ chức các trò chơi phù hợp với người khiếm thị, tổ chức đi tham quan, nghỉ mát hằng năm. Những địa điểm được các hội viên ưa thích là những nơi có biển hoặc di tích lịch sử. Tại nhiều địa điểm tham quan, các hội viên được “đặc cách” cho sờ vào một số hiện vật để có thể hình dung được tốt hơn. Đời sống của hội viên hiện nay được nâng cao hơn trước với mức lương bình quân hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Số tiền không hẳn là nhiều song cũng đủ để chi tiêu trong cuộc sống, và quan trọng hơn cả là đã xóa bỏ cho người khiếm thị mặc cảm và sự vô vọng trước tương lai.
Thắp sáng những yêu thương
Trước khi đến với Hội Người mù TP Hải Dương, cô gái Phạm Thị Hừa (sinh năm 1985, quê ở Tứ Kỳ) không dám mơ đến việc được một chàng trai nào đó để ý đến và yêu thương. Thế mà lên trụ sở hội năm 2005, đến năm sau, chị Hừa đã kết hôn cùng anh Tân Văn Trung. Tình yêu giữa hai người cùng cảnh ngộ nhanh chóng nảy sinh và đơm hoa kết trái. Tuy không thấy mặt nhau nhưng họ cảm mến nhau qua câu nói, tiếng cười, qua cách cư xử trong cuộc sống hằng ngày. Không sử dụng được đôi mắt, họ cảm nhận nhau bằng tất cả các giác quan khác và quan trọng hơn cả là bằng hai trái tim cùng chung nhịp đập yêu thương. Chị Hừa và anh Trung đã có một đứa con trai, đang gửi ở nhà ông bà nội. Chị Hừa cũng đang tràn đầy niềm vui vì chuẩn bị đón đứa con thứ hai sắp chào đời. Cuộc sống với chị giờ đây giống như một giấc mơ mà 10 năm trước chị không thể tưởng tượng nó có thể trở thành hiện thực.
Không đến với nhau dễ dàng được như vợ chồng Hừa - Trung, đôi vợ chồng Nguyễn Thị Hoa - Đặng Duy Tuấn đã có gần 5 năm bền bỉ thuyết phục gia đình hai bên đồng ý cho họ đến với nhau. Ban đầu, cả hai gia đình đều phản đối quyết liệt, không phải vì không hài lòng với con dâu, con rể mà vì sợ hai người khiếm thị sẽ không đỡ đần được cho nhau, cuộc sống sẽ khó khăn, vất vả. Chị Hoa và anh Tuấn thuyết phục gia đình không phải bằng lời nói mà bằng chính hành động của mình. Họ học cách sống tự lập, mỗi người tự lo được cho bản thân mình, đồng thời cũng giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Dần dà, cảm động trước tình cảm của hai người, hai gia đình đã xúm vào lo cho đám cưới của họ. Tuy đã kết hôn được 7 năm, bây giờ nhắc đến chồng, chị Hoa vẫn còn đỏ mặt và hơi ngượng nghịu. Niềm hạnh phúc đong đầy gương mặt người phụ nữ 30 tuổi ấy khi kể rằng từ lúc yêu nhau cho tới giờ, tất cả các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, chưa sót một ngày nào, chị không nhận được những món quà nho nhỏ từ người đàn ông của mình.
Những đứa trẻ mắt sáng sống giữa những người khiếm thị cũng có sự khác biệt với trẻ em trong điều kiện thông thường. Chị Hoa cho biết, từ bé con chị đã phải tự lập nhiều hơn, vì bố mẹ không trông nom được nhiều. Con trai chị sinh năm 2006 mà từ mấy năm nay đã biết dẫn bố mẹ đi, cứ đến bữa cơm là con chủ động gắp thức ăn cho bố mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, chưa biết nói, những lúc được bố mẹ cho ăn, các cháu bé cũng biết tự với thìa cho vào miệng. Các cháu cũng biết tạo ra âm thanh khi thấy người lớn di chuyển để tránh bị va chạm vào người. Những đứa con khỏe mạnh, bình thường là niềm hạnh phúc vô bờ của các cặp vợ chồng khiếm thị, là đôi mắt của họ được tái sinh và là niềm hy vọng vào tương lai. Khi có con, vợ chồng chị Hoa, anh Tuấn mới nghĩ đến việc tiếp tục đi học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên để mai này có điều kiện dạy con học ở nhà. Năm nay cả hai vợ chồng đều đang học lớp 12 và hồi hộp chờ tấm bằng tốt nghiệp.
Tại trụ sở Hội Người mù TP Hải Dương hiện có 6 cặp vợ chồng nên duyên khi tới làm việc ở đây, một số người có vợ, chồng ở nơi khác. Trong hoàn cảnh khó khăn, tình yêu cuộc sống, khát khao về hạnh phúc vẫn cháy sáng và ngọn lửa đó xua tan bóng tối mà tạo hóa và sự không may đã phủ lên đôi mắt họ.
VIỆT HÒA