Đừng quá chậm
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:54, 12/09/2013
Từ năm 2010 đến nay, nhiều xã trong tỉnh buộc phải hợp đồng công việc với cán bộ do tăng biên chế. Đội ngũ cán bộ hợp đồng đang thấp thỏm lo âu...
Xã Tứ Cường (Thanh Miện) hiện thiếu 6 công chức so với biên chế được giao.
Trong ảnh: Cuộc họp giao ban đầu tháng của UBND xã
Thiếu gần 1.000 công chức
Xã Tứ Cường (Thanh Miện) hiện có hơn 12 nghìn dân, được xếp xã loại 2. Theo quyết định giao biên chế của UBND tỉnh, Tứ Cường có 23 biên chế cán bộ, công chức, song hiện mới có 17 người, thiếu 6 người. Ông Vũ Văn Đằng, Chủ tịch UBND xã Tứ Cường cho biết: Do đông dân nên công việc của chính quyền xã cũng nhiều hơn. Đội ngũ công chức xã thường xuyên phải làm thêm giờ, làm việc vào thứ bảy, chủ nhật. Một số chức danh, nếu chỉ bố trí 1 người thực sự sẽ "quá tải". Để giải quyết vấn đề này, sau khi được UBND huyện phê duyệt, UBND xã ký hợp đồng với 5 cán bộ ở các vị trí: kế toán, địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã và cán bộ văn phòng đảng ủy - nội vụ. Một "suất" biên chế nữa được dành để thu hút con em địa phương tốt nghiệp đại học về công tác.
Cũng trong tình cảnh thiếu người so với biên chế được giao, UBND xã Thanh Hải (Thanh Hà) hiện có 5 cán bộ diện hợp đồng. Trong đó, 4 người thuộc đối tượng chờ thi tuyển công chức được UBND huyện ký hợp đồng, 1 người ký hợp đồng với UBND xã. Ông Lê Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã lo lắng: “Với xã đông dân như Thanh Hải, nếu không có cán bộ, công việc sẽ thực sự ách tắc”. Đây cũng là lý do xã mong sớm được tổ chức thi tuyển công chức để những cán bộ đang hợp đồng thực sự yên tâm công tác.
Theo Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ, năm 2010, thực hiện Nghị định 92 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cán bộ, công chức xã) và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tỉnh ta đã giao biên chế lại cho các xã theo Quyết định số 25, 26, 27 của UBND tỉnh. Theo đó, tổng biên chế cán bộ, công chức xã trong toàn tỉnh là 5.859 người, tăng 785 người so với định biên giao trước đó. Tại thời điểm 31-12-2011, toàn tỉnh mới có 4.740 cán bộ, công chức xã, thiếu hơn 1.100 người so với biên chế được giao, trong đó có gần 1.000 công chức. Để giải quyết thiếu hụt công chức so với biên chế được giao và yêu cầu công việc, các xã, phường, thị trấn đều chủ động tìm cán bộ đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ để ký hợp đồng.
Do có nhiều giao dịch liên quan đến thủ tục hành chính nên công chức một số xã thường xuyên phải làm thêm giờ.
Trong ảnh: Công dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” xã Thanh Quang (Nam Sách)
Anh Hoàng Minh Đối, 48 tuổi, cán bộ văn hóa xã Thanh Hải (Thanh Hà) tham gia công tác tại địa phương đã hơn 20 năm nay với nhiều công việc: Từ Bí thư chi đoàn đến thủ quỹ HTX Dịch vụ nông nghiệp, Trưởng Đài truyền thanh xã. Từ năm 2011, anh Đối được UBND huyện Thanh Hà ký hợp đồng làm cán bộ văn hóa tại xã Thanh Hải theo từng năm. Mức lương hiện hưởng được tính bằng mức khởi điểm đối với công chức có trình độ chuyên môn trung cấp (hệ số 1,86). So với công chức trong biên chế, anh Đối chịu thiệt thòi vì không được hưởng phụ cấp công vụ (25%), không được nâng bậc lương theo định kỳ. Anh Đối cho biết: "Gần 3 năm nay, năm nào tôi cũng chuẩn bị tâm thế để thi công chức, nhưng rồi đều bị hụt vì tỉnh vẫn chưa ban hành quy chế tuyển dụng. Vì thấp thỏm chờ thi tuyển nên tư tưởng chưa thật sự yên tâm với công việc. Tôi cũng đã gần 50 tuổi, nếu tiếp tục chờ vài năm nữa thì nếu trúng tuyển cũng chỉ được vài năm là nghỉ hưu".
Cùng ở xã Thanh Hải, anh Lê Văn Sơn đã từng làm việc cho một công ty nhà nước với mức lương công nhân bậc 4 trước khi hợp đồng làm cán bộ địa chính xã. Tuy nhiên, với công việc này, anh Sơn lại quay về mức lương khởi điểm và cũng đang băn khoăn không biết bao giờ mới được thi tuyển, sẽ được xếp lương như thế nào nếu trúng tuyển để thời gian làm cho Nhà nước trước đó không uổng phí. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều cán bộ đang làm hợp đồng ở cấp xã. Nhiều người trong số họ đã chuẩn bị bước vào tuổi 50. Dù các nghị định, thông tư hướng dẫn, yêu cầu công chức xã chỉ cần có bằng trung cấp về chuyên môn, song vẫn không ít cán bộ không khỏi lo lắng liệu mình có đủ tiêu chuẩn dự thi khi yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã đòi hỏi người dự tuyển phải có bằng cấp cao hơn. Tư tưởng lo lắng, không yên tâm công tác đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công việc mà những cán bộ hợp đồng đang thực hiện.
Theo đồng chí Đặng Văn Chức, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ, năm 2012, ngay sau khi Bộ Nội vụ ra Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 112 của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Quy chế tuyển dụng công chức xã, song đến nay Quy chế này vẫn chưa được phê duyệt, ban hành. Vì thế, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta chưa tổ chức đợt thi tuyển công chức xã nào. Quan điểm của Sở Nội vụ khi tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy chế là bảo đảm mọi vị trí, chức danh đều có cán bộ làm việc. Những vị trí có nhiều người làm, yêu cầu phải nâng cao chất lượng cán bộ...
Bổ sung đội ngũ công chức xã là việc làm cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc ở cơ sở. Lực lượng công chức được bổ sung mới phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở theo Kết luận Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI). Tuy nhiên, không nên vì thế mà chậm trễ trong việc tổ chức thi tuyển, tạo tâm lý thấp thỏm, lo âu trong đội ngũ cán bộ hợp đồng. Mong mỏi của đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay là tỉnh ta sớm ban hành Quy chế tuyển dụng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; sớm tổ chức thi tuyển để cán bộ thực sự yên tâm công tác.
THANH MAI