Di chứng còn nặng nề
Môi trường - Ngày đăng : 06:32, 15/09/2013
Từ nhiều năm nay, người dân thôn Kỳ Côi, xã Tam Kỳ (Kim Thành) rất lo lắng vì môi trường đất, nước bị ô nhiễm...
Một số chân móng bê-tông lò nấu chì của Nhà máy Ắc quy Tia Sáng Hải Phòng vẫn còn cho đến ngày nay.
Nhiều người dân sống gần khu vực này đã chết vì bệnh ung thư
Khoảng 5 năm gần đây, thôn Kỳ Côi đã có 13 người chết vì bệnh ung thư và nhiều người khác đang phải điều trị bệnh này. Số người bị mắc bệnh ung thư chủ yếu sống gần các phân xưởng cũ của Nhà máy Ắc quy Tia Sáng Hải Phòng, nhiều người chết khi mới 40 - 50 tuổi.
Bệnh tật gia tăng, nhiều cây rau màu gần vị trí của nhà máy cũ cũng kém phát triển khiến người dân cho rằng nguồn nước ngầm, đất đai ở đây bị nhiễm kim loại nặng do hậu quả của hoạt động sản xuất, chế tạo ắc quy trước đây. Chị Nguyễn Thị Tuy sống gần khu đúc chì cũ của Nhà máy Ắc quy Tia Sáng Hải Phòng cho biết: “Mẹ đẻ, chú, thím tôi đều đã mất vì bệnh ung thư. Thời gian gần đây, tôi trồng rau màu ở sát khu vực nấu, đúc chì trước đây thì thấy rau màu sinh trưởng kém trong khi khu vực xa hơn vẫn phát triển tốt”. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng thôn Kỳ Côi, trước kia người dân trong thôn đã từng lấy xỉ thải của lò nấu chì vẫn còn lẫn một ít vụn chì để gia cố mặt đường nên đất có khả năng nhiễm chì. Một số cây trồng ở ven đường cũng còi cọc so với khu vực ở xa đường. Do lo lắng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nên nhiều người dân không dám sử dụng nước giếng khoan để ăn uống, chỉ dùng để tắm rửa.
Cần có giải pháp bảo vệ người dân
Thời gian qua, người dân thôn Kỳ Côi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương khảo sát nguồn nước, đất đai để xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, có giải pháp khắc phục, bảo vệ sức khỏe người dân. Theo UBND xã Tam Kỳ, năm 2010, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã lấy mẫu nước mặt, nước ngầm để phân tích. Kết quả cho thấy mẫu nước ngầm bị nhiễm chì, không thể sử dụng được. UBND xã Tam Kỳ cũng nhận định một số vị trí có khả năng ô nhiễm chì là khu vực lò nấu, đúc chì, các địa điểm pha trộn hóa chất, sản xuất vỏ bình, xúc, sạc bình, khu vực đường giao thông sử dụng xỉ lò nấu chì để rải đường. Theo nội dung trả lời kiến nghị cử tri của UBND huyện Kim Thành, năm 2010 Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chuyên môn của huyện đã khảo sát, lấy mẫu nước mặt, nước ngầm và đất ở xung quanh nền đất của Nhà máy Ắc quy Tia sáng Hải Phòng. Kết quả cho thấy nguồn nước ngầm tại khu vực xung quanh không bảo đảm vệ sinh, an toàn để sử dụng cho mục đích sinh hoạt, các hóa chất độc hại còn tồn lưu trong đất vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Để bảo vệ sức khỏe cho người dân thôn Kỳ Côi, Sở Tài nguyên và Môi trường cần có khảo sát cụ thể về vị trí, phạm vi, mức độ ô nhiễm hóa chất ở thôn Kỳ Côi để khuyến cáo các biện pháp phòng tránh. Hiện nay, xã Tam Kỳ đã có nhà máy nước sạch nhưng thôn Kỳ Côi mới có hơn 100 hộ sử dụng (cả thôn có khoảng 700 hộ). Nhiều hộ có nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng chưa được dùng do khó khăn về kinh phí lắp đặt. Họ vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm cho sinh hoạt hằng ngày. Các cấp, các ngành cần hỗ trợ, tạo điều kiện để tất cả các hộ dân thôn Kỳ Côi được dùng nước sạch, tránh phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Người dân cũng không nên canh tác ở khu vực nền đất của nhà máy sản xuất ắc quy trước kia.
Nhà máy Ắc quy Tia Sáng Hải Phòng đã từng sơ tán từ TP Hải Phòng về hoạt động ở xã Tam Kỳ trong giai đoạn 1965 - 1975 để tránh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Năm 1976, nhà máy đã di chuyển trở lại TP Hải Phòng. |
NINH TUÂN