Khó tiêu úng nội đồng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:03, 20/09/2013
Hệ thống ao, hồ bị thu hẹp, hàng nghìn vi phạm công trình thủy lợi không được xử lý... làm cho việc tiêu úng ngày càng khó khăn.
Người dân xã Đồng Gia (Kim Thành) đang rất lo lắng vì cánh đồng màu trong tình trạng tiêu chậm
Thời gian qua, việc thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã khiến việc tiêu úng nội đồng ở các huyện Bình Giang, Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ gặp khó khăn. Trong quá trình thi công đường, nhiều CTTL bị bồi lắng, hư hỏng, chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, sông trục tiêu thoát nước đã bị lấp. Ông Trần Hữu Thú ở thị tứ Phủ, xã Thái Học (Bình Giang) cho biết: "Mỗi khi mưa xuống, cát từ đường tràn xuống kênh. Để bơm tiêu úng cho lúa, tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ vừa khơi thông dòng chảy, vừa bơm nước mới cứu được 2 sào lúa bị ngập".
Nhiều diện tích lúa của xã Quang Phục (Tứ Kỳ) bị ngập úng sinh lý do tuyến kênh tiêu bị bồi lấp
do thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Theo ông Ngô Xuân Thinh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác CTTL huyện Thanh Hà, hiện nay áp lực tiêu úng cho khu vực nội đồng ngày càng lớn. Nếu như trước đây, ở các địa phương hệ thống ao hồ trong làng trở thành nơi chứa nước mỗi khi mưa lớn thì nay nhiều ao hồ bị lấp làm nhà, xây dựng các công trình công cộng. Do đó, hệ số tiêu úng tại nhiều vùng đã tăng gấp đôi so với trước. Ý thức bảo vệ các CTTL của người dân cũng chưa tốt. Ở nhiều nơi, người dân còn làm vỡ cống tiêu nước qua đê, lấy cắp các tay quay cánh cống làm cho việc vận hành, điều tiết nước mỗi khi mưa lũ gặp khó khăn.
Toàn tỉnh hiện có hơn 35 nghìn km kênh rút nước thì phần lớn các tuyến kênh này được xây dựng từ những năm 1960-1970 nên đã bị bồi lắng, lấn chiếm, dẫn đến tiêu nước kém hiệu quả. Ngoài ra, còn hàng trăm điểm vi phạm CTTL cũ chưa được xử lý, vi phạm mới lại phát sinh, các tuyến kênh bị thu hẹp, khả năng lưu thoát nước kém. Quá nửa số trạm bơm phục vụ tiêu úng cũng đã xuống cấp. Việc quản lý, khai thác các công trình phục vụ tiêu úng còn nhiều bất cập. Nhiều trạm bơm thường xuyên hư hỏng. Ở nhiều địa phương, rau bèo, vật cản trên các tuyến kênh dày đặc không được vớt thường xuyên. Quản lý, vận hành các cống tiêu nước qua đê thực hiện chưa tốt. Nhiều HTX Dịch vụ nông nghiệp còn chưa quản lý tốt việc bơm động lực mỗi khi mưa lớn vì sợ tốn kém chi phí, để tiêu tự chảy nên việc bơm tiêu nước cứu lúa và hoa màu bị ngập úng chậm gây thiệt hại cho nông dân. Ông Trần Văn Quân, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác CTTL Hải Dương cho biết: "Thời gian gần đây do biến đổi khí hậu xuất hiện nhiều trận mưa lớn, kéo dài, công tác tiêu úng cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều khu, cụm công nghiệp được xây dựng trên các CTTL làm giảm năng lực hoặc chia cắt hệ thống kênh tưới, tiêu khiến quá trình tiêu úng bất thuận".
Thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm tu bổ và xây mới các trạm bơm nhằm nâng cao năng lực tiêu úng như Long Xuyên, Hùng Thắng (Bình Giang), An Cư, Hiệp Lễ (Ninh Giang), Bình Hàn (Tứ Kỳ)... Hằng năm, các xí nghiệp khai thác CTTL huyện cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét, vớt bèo, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh. Tuy nhiên, để tiêu úng có hiệu quả thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho rằng, cấp thiết nhất hiện nay là phải xử lý, giải tỏa các vi phạm CTTL. Việc xử lý các vi phạm này hiện nay còn quá ít. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới xử lý được 0,7% số vi phạm CTTL. Tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư, thay mới, sửa chữa nhiều trạm bơm đã xuống cấp, năng lực bơm tiêu nước giảm. Đặc biệt, các nhà thầu thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cần thực hiện nghiêm túc cam kết với địa phương về hoàn trả hiện trạng ban đầu của các công trình giao thông, thủy lợi. Hệ thống các hồ, đập trên địa bàn thị xã Chí Linh cũng cần được quan tâm bởi đây là nơi chứa nước, ngoài phục vụ cung cấp nước còn giữ vai trò quan trọng để trữ nước, giảm úng ngập cho khu vực hạ du của tỉnh. Sau khi phân cấp, các HTX Dịch vụ nông nghiệp cần quan tâm quản lý, khai thác tốt hơn các CTTL, phát huy hết công suất tưới, tiêu của các trạm bơm. Giải tỏa rong bèo, vật cản trên các tuyến kênh quản lý để việc tiêu thoát nước thuận lợi...
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 9 và tháng 10 khả năng sẽ có từ 1-2 cơn bão ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ. Để bảo đảm tiêu nước phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp, các đơn vị, địa phương thực hiện dịch vụ thủy nông cần làm tốt công tác tiêu úng bảo vệ lúa và hoa màu.
PV