Cẩn thận khi tham gia văn học mạng

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:08, 24/09/2013

Không gian ảo với vô vàn nguy cơ rình rập, nếu không giữ vững bản lĩnh, hậu quả sẽ rất khó lường...



Nhà thơ Thanh Dạ đã đăng lên blog gần 800 tác phẩm văn, thơ, với hơn 30 nghìn lượt truy cập


Mạng xã hội, các website, blog là “cứu tinh” cho các tác giả muốn phổ biến tác phẩm mà không cần chờ đợi các thủ tục xuất bản. Nhưng không gian ảo cũng có vô vàn nguy cơ rình rập, nếu không giữ vững bản lĩnh, hậu quả sẽ rất khó lường.

Sân chơi mở cho người yêu văn học

Nhà thơ Thanh Dạ (xã Nam Hồng, Nam Sách), hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh lập blog được 3 năm nay. Nếu như trước kia, làm được câu thơ nào, ông phải chờ đến lúc gặp gỡ được bạn bè hoặc gửi lên các báo, tạp chí mới có độc giả, thì nay, việc tiếp cận với người đọc rất dễ dàng. Gửi thơ lên báo, tạp chí không phải khi nào cũng được đăng, thời gian chờ đợi lại khá lâu, muốn nhận được sự chia sẻ, phản hồi của độc giả không phải dễ dàng. Xuất bản một tập thơ lại càng mất nhiều thời gian hơn nữa, mà diện “phủ sóng” lại hạn hẹp, chủ yếu trong những người thân quen. Còn đăng thơ trên blog cá nhân, ngay lập tức có thể có nhiều người vào đọc, bình luận, trao đổi. Số lượng người đọc lại hiện ngay trên trang, rất tiện lợi. Nhà thơ hào hứng khoe là ông đã đăng lên blog gần 800 tác phẩm văn, thơ, với hơn 30 nghìn lượt truy cập. Duy trì một blog chỉ cần máy tính có nối mạng in-tơ-nét, không cần trả chi phí gì thêm mà ông lại kết nối được với rất nhiều các nhà thơ, nhà văn khác trong toàn quốc. Trên những trang của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Nguyễn Trọng Tạo, Trần Nhương, Lê Thiếu Nhơn, Phong Điệp… ông đọc được nhiều bài nghiên cứu văn học và các tư liệu mà ông không tìm thấy ở ngoài. Thấy được những ích lợi này, một số tác giả khác trong tỉnh như Nguyễn Khắc Hiền, Nguyễn Hải Đăng, Bùi Hải Đăng, Phương Thảo... cũng đã lập blog để đăng tải tác phẩm của mình và những tác phẩm mình yêu thích.

Sự phát triển của in-tơ-nét đã mang lại một sân chơi mới trên không gian ảo cho các tác giả tỉnh ta như thế. Không thể phủ nhận sự tiện lợi của sân chơi này khi tốc độ cập nhật nhanh, tiếp cận được với nhiều người, có thể có sự phản hồi ngay lập tức và là kho lưu trữ vô tận để các tác giả giữ lại các tác phẩm của mình. Ngoài ra, họ còn kết nối được với các văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền của đất nước, thậm chí là ở nước ngoài để cùng chia sẻ niềm yêu thích văn chương. In-tơ-nét cũng lưu trữ rất nhiều các tác phẩm văn học, thông tin thời sự, lịch sử… là nguồn tham khảo cũng như gợi cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác. Có thể nói, chỉ cần ngồi nhà, click chuột họ đã có thể hòa nhập cùng thế giới và văn học mạng là một xu hướng tất yếu của thời hội nhập.



Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị cho các hội viên


Những mặt trái

Bên cạnh sự tiện lợi và những ưu điểm, tham gia các sân chơi trên mạng in-tơ-nét có vô số các nguy hiểm đang rình rập. Mạng xã hội như facebook, blog, website cá nhân với tính tương tác cao rất dễ “gây nghiện” cho người sử dụng, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ, vốn là những đối tượng “khát khao giao cảm với đời”. Để đáp ứng tiêu chí nhanh của mạng, có những tác giả liên tục cho ra đời những tác phẩm nóng sốt, nhưng chính sự nhanh đó làm chất lượng tác phẩm bị giảm sút.

Hiện nay, ở trên mạng có đủ các luồng thông tin, tư tưởng khác nhau, đúng đắn có, sai trái có, lệch lạc cũng nhiều. Nếu các nhà văn, nhà thơ tiếp cận với những luồng thông tin ấy mà không có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng thì rất dễ bị làm cho lung lạc. Thực tế, tại tỉnh ta, trong những năm gần đây đã có một số trường hợp đăng tải những tác phẩm phản ánh không đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận bản chất của chế độ trên các trang mạng cá nhân; có trường hợp đã xuất bản thành sách và bị thu hồi.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho biết, hằng năm, hội thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chính trị cho toàn thể các hội viên, các báo cáo viên là các nhà văn, nhà thơ ở Trung ương, lãnh đạo phụ trách văn hóa văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương... Nội dung nói chuyện về các vấn đề thời sự văn học nghệ thuật, các chỉ thị, nghị quyết mới của Trung ương về văn học nghệ thuật, định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ thời kỳ đổi mới… Trong các buổi họp của các ban chuyên môn, các buổi nhận xét tác phẩm của hội viên, lãnh đạo hội đều quán triệt hội viên giữ vững lập trường tư tưởng trong các sáng tác. Hội viên nào có dấu hiệu “chao đảo” về tư tưởng đều được nhắc nhở và giúp đỡ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bản thân các nhà thơ, nhà văn phải tự ý thức được vấn đề này và xây dựng được cho mình tư tưởng vững vàng.

Theo nhà thơ Thanh Dạ, để tránh bị “nhiễm” những luận điệu sai trái, những cách nhìn phiến diện đang được đăng tải tự do nhiều trên các trang mạng, các nhà văn, nhà thơ khi tham gia vào thế giới ảo cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định và nhất là phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng đúng đắn, vững vàng. Là người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, đã trải qua 40 năm tuổi Đảng, ông vẫn đọc nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều tự rút ra những đánh giá của riêng mình chứ không hùa theo đám đông. Ông cũng chỉ đọc thông tin từ những nguồn đáng tin cậy chứ không đọc thông tin trôi nổi, chưa được kiểm chứng.

Có một thực tế là trên mạng in-tơ-nét, từ những danh xưng tới những bình luận, đánh giá có thể đều rất “ảo”. Thường những ý kiến trái chiều hay thu hút được sự quan tâm của nhiều người nên nếu không tỉnh táo, người tham gia dễ lầm tưởng những ý kiến đó là hay (thực chất rất nhàm). Và từ đó xuất hiện tư tưởng “anh hùng”, “đốt đền” để làm người nổi tiếng. Điều này có thể dẫn nhà thơ, nhà văn đến chỗ phạm tội sáng tác, lưu truyền những tác phẩm có tính chất chống đối sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phản ánh sai bản chất của chế độ.

Theo Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh), bên cạnh sự tuyên truyền, định hướng từ phía cơ quan chức năng, sự tự ý thức của nhà thơ, nhà văn, còn cần tới sự quan tâm của người thân, bạn bè, độc giả. Đây chính là những đối tượng gần gũi và dễ tác động tới nhận thức, tư tưởng của các nhà văn, nhà thơ nhất. Nếu những quan điểm sai trái không được ủng hộ thì bản thân các tác giả có quan điểm đó sẽ phải xem xét lại mình.

Khi gia nhập "biển thông tin" trên in-tơ-nét, nếu giữ được bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng đúng đắn thì sẽ là kho tài nguyên vô tận cho các nhà văn, nhà thơ. Đó là cơ sở cho sự ra đời những tác phẩm lành mạnh về tư tưởng và có giá trị cao về nghệ thuật.

LAM ANH