Cần xử lý kiên quyết

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 06:28, 25/09/2013

Do nhận thức còn hạn chế nên hằng năm vẫn có một số thanh niên tìm cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự (NVQS).



Gia đình Vũ Đình Trường ở xã Long Xuyên (Bình Giang) giải thích lý do không đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự
do trùng thời gian với kỳ thi đại học


“Ngàn lẻ một” lý do trốn tránh

Đợt tuyển quân vừa qua, Vũ Đình Trường ở xã Long Xuyên (Bình Giang) không tham gia khám tuyển NVQS theo quy định. Lý do được Trường đưa ra là: “Trong kỳ thi đại học vừa qua, tôi đăng ký thi vào Đại học Công nghiệp Hà Nội. Nghĩ mình sẽ đỗ nên tôi không đi khám sức khỏe vì sợ nếu vừa trúng tuyển NVQS vừa đỗ đại học thì sẽ không được đi học”.

Ông Nguyễn Viết Việt (thôn Cõi, xã An Sơn, Nam Sách) cho biết:

Điều 8, Nghị định 151 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng đối với hành vi vắng mặt khi có giấy gọi kiểm tra hoặc khám sức khoẻ thực hiện NVQS mà không có lý do chính đáng. Phạt tiền từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng đối với hành vi gian dối hoặc mua chuộc nhân viên y tế để làm sai lệch các yếu tố về sức khoẻ nhằm trốn tránh NVQS.

“Tôi cũng muốn con mình là Nguyễn Viết Đại đi bộ đội, nhưng con tôi hiện đang vừa học, vừa làm ở Quảng Ninh nên mặc dù gia đình gọi về để khám sức khỏe NVQS nhưng cháu bảo bận học, bận làm không về được”. Khi được hỏi Đại hiện đang học trường gì thì ông Việt cho biết: “Con tôi học nhiều trường lắm, vừa học vừa làm nên tôi cũng chẳng biết chính xác”. Ông Việt thản nhiên: “2 năm qua, con tôi không về khám sức khỏe, đã bị xã phạt hành chính. Năm tới, nếu xã tiếp tục gọi con tôi nhập ngũ thì gia đình lại… nộp phạt”.

Theo báo cáo của các địa phương, hầu như xã nào cũng có một vài trường hợp không thực hiện khám tuyển nghĩa vụ theo quy định.

Vướng trong xử lý

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) xã Long Xuyên (Bình Giang) cho biết: “Năm 2012, xã có 16 thanh niên vi phạm, năm 2013 còn 5 trường hợp. Trong số 16 thanh niên trốn NVQS năm 2012 thì hiện nay xã mới chỉ xử phạt hành chính 12 người. Năm 2013 thì chưa xử phạt được thanh niên nào. Nguyên nhân là theo quy định, để xử phạt thanh niên chống, trốn NVQS, xã phải thiết lập văn bản, và thanh niên bị xử phạt phải trực tiếp ký vào biên bản. Trong khi đó, hầu hết thanh niên đi làm ăn xa nên khó gặp trực tiếp”.

Thượng tá Vũ Hồng Quang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bình Giang cho rằng: “Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng được quy định trong Nghị định số 151/2003/NĐ-CP quá thấp trong khi lại không có chế tài ràng buộc nên cũng gây khó khăn cho công tác tuyển quân”. Trung tá Đinh Văn Trịnh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tứ Kỳ cho biết thêm: “Theo quy định, việc xử phạt thanh niên không thực hiện khám tuyển NVQS thuộc thẩm quyền ở cấp xã, trực tiếp là Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, vì thanh niên vi phạm nhưng không có mặt tại địa phương thì không thể yêu cầu phụ huynh chịu phạt thay được. Do chưa xử lý được vi phạm hành chính nên cơ quan chức năng không thể xử lý bước tiếp theo được, ví dụ như khởi tố”.

Trong khi tình trạng trốn tránh NVQS không còn là chuyện hiếm, thì việc tòa án đưa một thanh niên thuộc diện này ra xét xử được cho là biện pháp cương quyết và cần thiết. Đó là trường hợp của Mai Văn Quý ở xã Tiền Phong (Thanh Miện) trốn NVQS đã bị Tòa án Nhân dân huyện Thanh Miện xử phạt 6 tháng tù giam hồi cuối tháng 3 vừa qua.


NGUYỄN MẪN