Chuyện tình chàng trai cao 1 m

Đời sống - Ngày đăng : 14:55, 25/09/2013

Dù chỉ cao 1m nhưng Lê Ngọc Tuấn, 30 tuổi, ở thôn Cổ Hiền, Hiền Ninh (Quảng Bình) vẫn vượt khó học hành đàng hoàng và lấy được vợ xinh đẹp.

Chuyện tình chàng trai cao 1 m
Vợ chồng Tuấn hạnh phúc cùng bạn bè trong ngày cưới - Ảnh: Tuấn cung cấp

Một buổi chiều mưa, Tuấn chở vợ là Nguyễn Thị Trà My trên chiếc xe máy được chế lại thành 3 bánh chạy gần 20 km từ nhà xuống TP.Đồng Hới để chúc mừng sinh nhật một người bạn cũng bị khuyết tật. Chỉ thế thôi, Tuấn đã làm cho chúng tôi ấn tượng ngay từ đầu. Khi nói chuyện, Tuấn thường cười rất hồn nhiên, vô tư, sảng khoái, điều đó đã xóa tan mọi lo âu, mặc cảm, khoảng cách.

Có lẽ chính vì thế mà Tuấn đã chinh phục được Trà My, một cô gái xinh xắn, cao ráo ở xã Duy Ninh. Tin Tuấn có người yêu, lại xinh gái khiến bạn bè, làng xóm ai cũng mừng. Nhưng với người xa lạ thì lại là những ánh mắt tò mò, ngạc nhiên khó hiểu. Họ tò mò bởi Trà My cao gần gấp đôi Ngọc Tuấn. Khi tôi hỏi: “Vì sao yêu và lấy Tuấn?”, Trà My chỉ cười trừ rồi bảo: “Duyên số thôi ạ, có duyên thì đến với nhau”. Nhưng qua ánh mắt, chúng tôi hiểu chính nghị lực vượt khó vươn lên của Tuấn đã chinh phục trái tim của cô.

Để có được cái duyên gặp gỡ đó họ nhờ “bà mối” tên B., là bạn cùng xóm với Trà My. Trước đó, hai người chưa hề quen biết nhau và Trà My đang làm ăn ở tận Gia Lai xa xôi; thấy hợp tình hợp nghĩa nên chị B. mới cho số điện thoại di động. Sau những cuộc nói chuyện, những dòng tin nhắn ban đầu, hai người dần mến nhau. Hầu như ngày nào cả hai cũng đều liên lạc với nhau, không có là thấy lo, nhớ. Khoảng hai tháng sau ngày làm quen, Trà My quyết định về Quảng Bình để gặp Ngọc Tuấn.

Sau bao ngày tháng hẹn hò yêu đương, thề non hẹn biển, hai người mới tổ chức hôn lễ vào trung tuần tháng 7 năm nay. Thấy con cái gặp được người hợp ý, có tình yêu đẹp, bố mẹ gia đình hai bên vui mừng ủng hộ. Ngày cưới, bạn bè gần xa, bà con hai họ, thầy cô giáo cũ đều đến chia vui với vợ chồng Tuấn. Nói về chuyện cưới vợ, Tuấn hài hước: “30 tuổi thấy nhác đi chơi lắm rồi. Ăn xong cứ nằm vểnh râu đếm gió, thôi thì có người đó qua nhà chơi mà ba mẹ ưng thì cưới”.

Để có được như ngày hôm nay, Tuấn luôn phấn đấu vươn lên không biết mệt mỏi. Bố mẹ Tuấn đều là bộ đội ở các chiến trường Lào - Quảng Trị nên bị nhiễm chất độc hóa học, Tuấn sinh ra đã bị dị tật hệ vận động, tuổi thơ cậu gắn liền với hình dạng què quặt và những trận ốm đau liên miên. Bố mẹ hết lòng chạy chữa, tìm thầy tìm thuốc khắp nơi và chế biến những loại thực phẩm tăng can xi cho Tuấn ăn uống nhưng tình hình không khá hơn, đỡ bệnh này thì ra bệnh khác.

Thời gian trôi đi, khi bạn bè cùng trang lứa đã khôn lớn, cắp sách vở đến trường thì Tuấn vẫn còn là đứa bé lê lết nơi bậc thềm. Rồi đến ngày nọ, Tuấn nói với bố mẹ muốn đi học. Thấy con có chí, bà Khuyên đến trường xin thầy cô giáo cho Tuấn được vào lớp. “Tuấn học được lại ngoan hiền nên bạn bè, thầy cô thương mến, thường giúp cháu hòa đồng mỗi khi đau ốm” - bà Khuyên nhớ lại. Tốt nghiệp THCS, gia đình khuyên Tuấn ở nhà vì trường THPT ở xa, đi lại vất vả nhưng Tuấn không đồng ý. Cậu lại tiếp tục chinh phục con đường học hành đầy chông gai thử thách. Nói về thời gian học THPT với Tuấn không thể nào không nói đến người bạn thân Trần Đình Thắng. Ròng rã suốt 3 năm, Thắng trở thành “đôi chân” của Tuấn. Ngày nào Thắng cũng đèo Tuấn đến trường bằng chiếc xe đạp cà tàng, hình ảnh đôi bạn cùng tiến đã khiến nhiều người cảm động, hết lời khen ngợi. Khi có ai trêu chọc, Thắng lại lên tiếng bênh vực bạn. 

Rồi Tuấn tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường trung cấp Công nghiệp Huế. Ra trường với tấm bằng xuất sắc nhưng không nơi nào đồng ý nhận Tuấn vào làm việc vì lý do ngoại hình. Bao nhiêu lần đi xin việc trở về nhà là bấy nhiêu lần cậu buồn chán. Đã có lúc buông xuôi phó mặc cho số phận nhưng nghĩ lại Tuấn quyết tâm không thể đầu hàng. “Mình đã bỏ bao công sức cho việc học hành, trong khi bố mẹ ngày một già đi, không thể nuôi mình mãi” - Tuấn tâm sự. Thế là Tuấn quyết định mở dịch vụ photocopy, đánh máy vi tính, kinh doanh internet ngay tại làng. Gia đình thế chấp sổ đỏ vay 30 triệu đồng cho Tuấn khởi nghiệp. Những đồng tiền lẻ kiếm được đầu tiên khiến Tuấn mừng rơi nước mắt. Cơm gạo là đây dù không nhiều nhặn nhưng cũng có cái sống qua ngày, Tuấn tâm niệm như  thế.

Từ quán nhỏ ban đầu, giờ Tuấn đã tách làm hai, photocopy riêng, dịch vụ internet riêng để có điều kiện phục vụ, mở rộng kinh doanh hơn. Có vợ ở bên, ngày ngày giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc nên Tuấn càng vui tươi.

Trương Quang Nam (Thanh niên)