Lập di chúc định đoạt tài sản
Phản hồi - Ngày đăng : 05:12, 28/09/2013
Hỏi: Mẹ tôi đã chết, bố tôi có thể lập di chúc để lại tài sản cho một trong 3 người con không?
NGUYỄN THỊ HỒNG (Nam Sách)
Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự, một người có thể lập di chúc để lại tài sản của mình cho người khác (điều 646). Tài sản định đoạt theo di chúc có thể là tài sản riêng của người đó hoặc phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung với người khác (điều 634).
Khi lập di chúc thì người lập di chúc có các quyền theo điều 648 Bộ luật Dân sự: Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; giao nghĩa vụ cho người thừa kế; chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Theo quy định nêu trên thì bố bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho bất kỳ người nào theo đúng ý chí và nguyện vọng của ông. Nhưng bố bạn chỉ được định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu hay sử dụng của mình. Vì mẹ bạn đã mất nên có hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất: Tài sản mà bố bạn muốn định đoạt theo di chúc cho một trong 3 người con là tài sản riêng của ông theo quy định điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình, hoặc là tài sản do bố bạn tạo lập riêng sau khi mẹ bạn mất, thì bố bạn có quyền lập di chúc để định đoạt toàn bộ tài sản đó.
Trường hợp thứ hai: Tài sản mà bố bạn muốn định đoạt theo di chúc cho một trong 3 người con là tài sản chung của bố mẹ bạn theo điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình thì khi lập di chúc, bố bạn chỉ có quyền định đoạt phần quyền sở hữu hay sử dụng của mình trong khối tài sản chung với vợ chồng mà không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản đó.