Quy hoạch đô thị Kinh Môn tương lai
Kinh tế - Ngày đăng : 05:49, 28/09/2013
Kinh Môn là địa phương hội tụ nhiều điều kiện để phát triển thành một thị xã công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Kinh Môn đang phấn đấu nâng cấp thành thị xã vào năm 2015
Theo ông Trịnh Nam Hưng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch đô thị và nông thôn Hải Dương, đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được đơn vị phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường (Viện Quy hoạch, Bộ Xây dựng) cùng huyện Kinh Môn thực hiện. Hướng quy hoạch chung đô thị Kinh Môn sẽ lấy lõi là thị trấn Kinh Môn mở rộng sang 2 thị trấn Phú Thứ và Minh Tân, tạo thành chuỗi phát triển đô thị. Đô thị lõi với 3 thị trấn làm trung tâm sẽ nâng cấp lên đô thị loại 4, từ đó làm cơ sở đưa toàn huyện trở thành thị xã vào năm 2015 theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng của toàn tỉnh.
Qua khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia đã định hướng cho Kinh Môn phát triển theo từng khu vực. Đô thị công nghiệp - dịch vụ sẽ tập trung ở phía bắc, gồm các khu vực thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ mở rộng được kết nối với thị trấn Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh). Khu vực này được xây dựng nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Đô thị trung tâm là khu vực thị trấn Kinh Môn cũ được mở rộng. Đây là trung tâm hành chính, các công trình dịch vụ công cộng thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao… Khu vực này được bổ sung thêm quảng trường, công viên cây xanh, trung tâm thương mại, chợ… Đô thị phát triển mới là khu phía tây huyện, có nhà máy nhiệt điện. Khu đô thị này ít chịu tác động của ô nhiễm môi trường. Ở đây sẽ xây dựng cụm đô thị tập trung, hiện đại ở phía bắc và phía nam dãy An Phụ, kết nối qua khu vực dốc Mông. Đô thị dịch vụ - văn hóa được hình thành ở trung tâm dãy núi An Phụ, phát triển cả hai phía bắc - nam khu vực các xã An Sinh, Thượng Quận, Hiệp Hòa. Đây là khu du lịch tâm linh, du lịch danh thắng, đô thị sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng… với nền tảng là cảnh quan tự nhiên, di tích danh thắng và không gian văn hóa cộng đồng. Hầu hết trong quy hoạch xây dựng phát triển các đô thị mới ở Kinh Môn được các nhà tư vấn tôn trọng tự nhiên, cảnh quan, tránh xáo trộn, chia cắt sông ngòi, đồng thời có tính khả thi cao.
Kết nối giao thông
Giao thông của huyện sẽ phát triển theo 4 trục chính (2 tuyến theo hướng bắc - nam, 2 tuyến theo hướng đông - tây) và hệ thống giao thông khép kín, bao quanh các triền đê ven sông. Đồng thời, các điểm nút đầu, cuối huyện được nối thông với các quốc lộ 5, 18, 37 và các khu vực lân cận bằng hệ thống cầu lớn để Kinh Môn dễ dàng nối thông với thị trấn Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh), Thủy Nguyên (Hải Phòng), thị xã Chí Linh, thị trấn Phú Thái (Kim Thành), thị trấn Nam Sách và TP Hải Dương… Bốn trục giao thông lớn của huyện có 2 tuyến trục bắc - nam, nối quốc lộ 5 với 18, đó là đường tỉnh 388, qua 3 đô thị lõi, từ thị trấn Phú Thái đi Mạo Khê. Tuyến mới từ quốc lộ 5 khu vực xã Tuấn Hưng (Kim Thành) qua xã Lạc Long, qua dốc Mông ra phà Triều, nối quốc lộ 18 (đây chính là trục đường bắc - nam của tỉnh đang triển khai xây dựng). 2 tuyến chính nữa của huyện cần đầu tư xây dựng là 2 trục đường lớn phía bắc và phía nam dãy núi An Phụ. Đây là 2 trục chính xuyên suốt huyện theo hướng đông - tây, qua sông Kinh Thầy, ra quốc lộ 37 thuộc thị xã Chí Linh, khai mở cho các xã phía tây. Tại các điểm xã Hiến Thành sẽ xây dựng cầu qua sông Kinh Môn ra quốc lộ 5, đây là điểm khai mở cho các xã phía đông. Những cây cầu sẽ phá thế đảo của huyện Kinh Môn. Khu vực đô thị lõi còn được tư vấn mở thêm đường vành đai, các tuyến trục chính mở thêm các tuyến đường nhánh, bảo đảm giao thông thuận tiện.
Để xây dựng đô thị ở Kinh Môn, tỉnh cần dành cho huyện cơ chế tài chính, tạo nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời gian gần đây, 3 thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân đang tích cực chỉnh trang đô thị, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để trở thành đô thị loại IV.
TRẦN TUẤN