Gạch tuy-nen ế thừa
Thị trường - Ngày đăng : 07:23, 08/10/2013
Do nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân giảm, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nen trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Dù khó tiêu thụ sản phẩm nhưng Nhà máy gạch tuy-nen Thăng Long
vẫn duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động
Sản phẩm ứ đọng
Mặc dù đã bước vào mùa xây dựng nhưng chúng tôi thấy ở bãi chứa gạch tuy-nen của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kim Thành, Kinh Môn, Tứ Kỳ đều chật cứng, thậm chí có đơn vị gạch đã được xếp ra đến tận cổng. Anh Phạm Quang Nhân, cán bộ quản lý Nhà máy gạch tuy-nen Thăng Long ở xã Thăng Long (Kinh Môn) than thở: "Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch nhưng chúng tôi chưa thấy năm nào khó tiêu thụ sản phẩm như năm nay. Với công suất thiết kế là 20 triệu viên/năm, năm 2012, nhà máy chỉ sản xuất và tiêu thụ được 16 triệu viên. Nếu cả năm ngoái chỉ tồn kho gần 2 triệu viên thì trong 9 tháng đầu năm nay, lượng tồn kho đã tăng gấp 3 lần (khoảng 6 triệu viên). Bãi chứa gạch của nhà máy hiện đã chật cứng. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho hơn 60 lao động. Không biết tình hình này sẽ còn kéo dài đến bao giờ".
Mặc dù đã đi vào sản xuất từ gần chục năm nay và có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng Nhà máy gạch tuy-nen của Công ty CP Kim Thanh ở xã Thượng Vũ (Kim Thành) đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng hàng tồn kho tăng cao. Anh Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Kim Thanh cho biết: Hằng năm, từ tháng 8 đến giáp Tết Nguyên đán luôn là khoảng thời gian mà các nhà máy sản xuất gạch tuy-nen tiêu thụ sản phẩm tốt nhất nhưng năm nay dù đã hết tháng 8 thị trường vẫn chưa khởi sắc. Nếu 9 tháng đầu năm ngoái, doanh nghiệp tiêu thụ được gần 11 triệu viên thì 9 tháng đầu năm nay chỉ tiêu thụ được hơn 9 triệu viên. Hiện nay, doanh nghiệp tồn kho khoảng 3 triệu viên. Trong khi đó giá xăng dầu, điện, than đều tăng nên công ty hầu như không có lãi. Vì vậy, đơn vị chỉ sản xuất bằng 60% công thiết kế.
Khó cải thiện tình hình
Việc tiêu thụ gạch tuy-nen khó khăn đã khiến không ít doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Anh Nguyễn Đức Hải, cán bộ quản lý Nhà máy gạch tuy-nen Hoàng Long cho biết: Chúng tôi chấp nhận giảm giá bán từ 850 đồng/viên xuống còn 740 đồng/viên. Bên cạnh đó, đội ngũ bán hàng của doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đi tiếp thị, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn chưa giảm được hàng tồn kho. Hiện nay công ty tồn kho tới 7 triệu viên. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ phải dừng lò một thời gian.
Do không thể tiêu thụ được sản phẩm, Nhà máy gạch tuy-nen Nam Sách của Công ty TNHH Ngọc Vũ (Nam Sách) đã phải dừng lò khoảng 5 tháng nay. Anh Đinh Văn Ngoãn, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Vũ cho biết: “Do mưa kéo dài, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được nên có lúc nhà máy đã tồn kho 10 triệu viên gạch. Do đó, từ tháng 5 năm nay chúng tôi đã phải dừng lò và cho công nhân nghỉ việc. Bây giờ chúng tôi phải chờ xem thị trường thế nào và phải tập trung tiêu thụ sản phẩm, sau đó mới tính đến chuyện quay lại sản xuất”. Trước đó, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng tỷ đồng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất gạch ở một số bộ phận trước đây chủ yếu làm thủ công, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại Hà Nội nhưng lượng hàng tồn kho vẫn tăng cao.
Theo đánh giá của một số chủ doanh nghiệp sản xuất gạch tuy-nen, sở dĩ việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Nhà nước thắt chặt đầu tư công, thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu sử dụng gạch cho xây dựng nhà ở của nhân dân thấp. Theo chúng tôi, ngoài những nguyên nhân trên thì còn do những năm qua, tỉnh ta đã phát triển ồ ạt các nhà máy gạch tuy-nen, dẫn đến cung vượt xa so với cầu. Theo Sở Xây dựng, đến ngày 30 - 9, toàn tỉnh có 27 nhà máy gạch tuy-nen đã và đang hoạt động, công suất thực tế đạt 745 triệu viên/năm (bằng 92,5% công suất thiết kế). Các tỉnh, thành lân cận thời gian qua cũng đã phát triển mạnh các nhà máy sản xuất gạch tuy-nen, sản phẩm của các doanh nghiệp chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh nên càng khó khăn hơn.
VŨ ÚY