Người hàng xóm

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:52, 08/10/2013



Minh họa: Văn Hà


Bà Lành ở cạnh nhà tôi, chỉ cách nhau cái hàng rào râm bụt phủ đầy những bụi tơ hồng vàng chóe quanh năm suốt tháng. Có thể nói nhà tôi với nhà bà Lành thuộc dạng “gần nhà xa ngõ”. Ngày xưa, hồi bố mẹ tôi còn sống, hai nhà thống nhất trổ một cái cửa nho nhỏ để đi lại cho thuận lợi, khỏi phải đi vòng ra ngoài phố. Năm nay bà Lành bao nhiêu tuổi, khó đoán lắm. Khuôn mặt bà nhầu nhĩ, nhăn nheo. Có thể bà hơn tám mươi, cũng có thể hơn chín mươi. Người già rất khó đoán tuổi. Hỏi tuổi, bà Lành cười móm mém, đôi môi cắn chỉ đỏ quết trầu không che được hai hàm lợi chẳng còn cái răng nào: “Tôi không nhớ”. Qua câu chuyện "đầu Ngô mình Sở" hằng ngày, tôi cứ thế chắp nối thành cuộc đời bà. Bà đã sống qua mấy chế độ. Từ thủa vua Bảo Đại còn nguyên vị. Có lẽ sống lâu như thế, gánh nhiều việc đời như thế nên lưng bà còng xuống, cũng như ngôi nhà bà đang ở, thấp tè. Bà sống lủi thủi, đơn độc, đi đứng chậm chạp dò dẫm như mỗi bước đi của bà đều có sự đắn đo cân nhắc. Chồng và con bà đều chết trong trận càn của giặc Pháp năm 1952. Và bà cứ ở vậy cho đến nay, cháu chắt thất lạc hay không còn vì từ khi tôi lớn lên chưa nghe thấy bà nhắc đến bao giờ.  Bố mẹ tôi bảo khi gia đình tôi chuyển về đây thì bà đã ở từ lâu rồi. Tuy vậy dù tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn còn tinh tai, sáng mắt lắm. Mỗi tối, sau bữa cơm chiều, bà lại sang nhà tôi ngồi xem vô tuyến, hoặc ngồi nói chuyện với vợ con tôi đến khuya mới về. Vợ tôi lo bà đi lại cập rập, lỡ ngã thì khổ, bèn cho con Thúy dẫn bà về. Có lần con Thúy đứng bên nhà bà Lành gọi với sang: “Mẹ ơi! Con ngủ bên nhà bà”. Ba con “vịt giời”nhà tôi hễ lúc nào hở ra là cứ quấn lấy bà. Kể cũng lạ, bà không biết lấy một nửa con chữ mà sao bà thuộc nhiều truyện đến vậy. Từ truyện Kim Vân Kiều đến Chinh phụ ngâm, từ Nhị Độ Mai đến Phan Trần, bà cứ thuộc vanh vách. Ngày tôi còn bé, bà vẫn ôm tôi nằm trên võng ru bằng những câu thơ ấy. Bây giờ bà lại ru các con tôi vào giấc ngủ vẫn bằng những câu thơ chẳng mấy ai còn thuộc. Lũ con tôi như bện hơi bà. Chúng bảo thèm hơi trầu nồng đậm, cay cay ở bà. Đến bữa, nhà tôi có cái gì ăn ngon ngon một chút là y như rằng lũ “vịt” lại nhấp nháy với vợ chồng tôi: “Con mang sang biếu bà nhé?”.

Vợ tôi có lần nói với bà Lành: “Bà không phải lọ mọ củi lửa làm gì cho mệt, cứ vứt gạo sang bên con, các cháu bà nấu luôn một thể”. Hoặc lần khác lại bảo: “Nếu bà ngại thì đến bữa con cho một đứa sang nấu giúp”. Bà Lành lắc nhẹ đầu nói: “Cảm ơn anh chị đã quan tâm tới tôi. Nhưng tuổi già không làm gì nó buồn chân, buồn tay lắm”. Vợ tôi thở dài đành chiều theo ý bà. Bà Lành sống nhờ vào tiền trợ cấp của phường theo tiêu chuẩn người già cô đơn không nơi nương tựa. Thủa còn bao cấp, mỗi tháng bà được cấp chục cân gạo với năm đồng tiêu vặt. Bây giờ bà được trợ cấp bằng tiền mặt, nghe đâu được hơn hai trăm nghìn đồng, cũng là nghe vậy thôi chứ thực lòng tôi không dám hỏi, sợ bà tủi thân. Mỗi bữa trước khi vo gạo nấu cơm, bà đều bốc một nắm nhỏ bỏ vào cái hũ sành đặt ở góc nhà. Tôi mỉm cười. Tôi nhớ việc này nhân dân ta làm từ lâu lắm rồi mà tôi được đọc trong sách, hình như là ngày ta mới giành được độc lập năm 1945. Việc làm của bà Lành như “đặc sản” thời nay. Nếu tôi kể cụ thể chuyện này hẳn không ai tin nổi. Có lần tò mò tôi hỏi: “Sao bà cứ phải làm vậy?Hạt gạo bây giờ ê hề,  khéo mồm khéo miệng cũng xin được vài ống”. Bà Lành nhìn tôi như phân bua: “Lời Cụ Hồ căn dặn phải biết tiết kiệm, ngay cả khi được mùa. Tôi luôn làm theo lời dạy của Cụ từ bấy đến nay. Biết đâu sẽ có ngày phải dùng đến. Chả ai nắm tay được từ sáng đến tối”. Bà Lành nghiện ăn trầu thuốc từ thủa nhỏ. Bà có thể nhịn cơm vài bữa chứ không thể nhịn trầu. Ấy là bà kể thế. Cái năm Ất Dậu của thế kỷ trước đói là vậy, bụng rỗng không, mấy ngày liền toàn uống nước lã cầm hơi, nhưng trong ruột tượng của bà vẫn có dăm miếng cau, vài lá trầu cùng ống bình vôi. Biết vậy, hằng tháng, lấy cớ thắp hương ngày sóc ngày vọng, vợ tôi thường mua quá lên một chút rồi mang sang biếu bà ăn cho đỡ nhạt miệng. Ngày lại ngày, cuộc sống của hai gia đình chúng tôi cứ trôi đi bình thản.

Rồi một hôm có người đàn ông từ đâu đến mua đất nhà bên cạnh bà Lành.  Ngôi nhà gã ta mua quay mặt ra đường lớn. Về ở được hôm trước, hôm sau gã sang nhà bà Lành ngỏ ý muốn mua nốt mảnh đất bà đang ở. Việc bành trướng biên giới lãnh địa đâu chỉ xảy ra ở cấp quốc gia, nhất là những kẻ đầy tham vọng và lắm bạc, nhiều tiền. Bà Lành quết nước cốt trầu ở miệng nhỏ nhẹ hỏi gã: “Anh bảo tôi bán nhà cho anh, vậy tôi sẽ ở vào đâu?”. Gã đàn ông cười cầu tài: “Cụ ơi! Đất trời bao la, lại có tiền trong tay, một mình cụ ở đâu mà chẳng được”. Bà Lành vẫn ngọt ngào: “Tôi không bán đâu. Chả dại. Xin anh đừng nhắc tới chuyện mua bán nữa”. Gã hàng xóm mới không chùn bước: “Xin cụ cứ yên tâm cho. Con đâu yêu cầu cụ đi ngay. Cụ cứ sống ở đây, ngay tại ngôi nhà này. Bao giờ cụ chầu tiên tổ con mới dám nhận đất, nhận nhà cơ mà. Con lo là lo cho tương lai của cháu cụ. Con hỏi một câu khí không phải, cụ giữ lại sau này cụ cho ai?”. Đến lúc này bà Lành không thể kiên nhẫn hơn. Bà dứt khoát: “Cho ai đó là việc của tôi, không khiến anh phải lo lắng. Có thể tôi sẽ trả lại phường để cấp cho người khó khăn như tôi. Cũng có thể tôi cho một ai đó. Thôi, anh về đi”.

Giận cá chém thớt, gã quay sang nghi ngờ vợ chồng tôi xui khôn, xui dại bà Lành. Vài ngày sau, chẳng biết từ đâu tung ra một cái tin động trời: “Vợ chồng thằng Hoàng - tên tôi - khôn dóc mấu, cứ lân la bà bà, con con, tình tình cảm cảm, chờ cụ Lành chết là "a-lê-hấp", mảnh đất ấy sẽ thuộc về tay nó. Chà! Gia Cát Lượng thời Tam quốc phân tranh còn phải tôn làm sư phụ. Không tin hả? Ngay từ bây giờ nó đã cho con nó sang ở rồi đấy, mọi người không thấy sao? Cái trò “chó sói gửi chân” chỉ lừa được người ngu chứ làm sao qua mắt được tôi”.  

Mọi cuộc chiến tranh hầu như đều bắt đầu từ biên giới. Lời đồn ác ý thổi đến tai vợ tôi không biết tự lúc nào. Trưa nay, vừa đi làm về, ba máu sáu cơn, quăng vội chiếc xe đạp cà khổ vào góc sân, vợ tôi chạy ào lên tầng 3 như cơn lốc,  đứng khuỳnh khuỳnh hai cái chân, hai tay vung lên trời chém gió, vẻ mặt hung hăng bất cần, như sẵn sàng một mất một còn với kẻ thù vô hình. Tiếng vợ tôi lảnh lót, véo vút: “Cha bố cái đồ ăn không nói có kia. Cái đồ thay trắng đổi đen kia. Hãy mở rộng vành tai nghe mẹ mày chửi đây này. Hỡi cái đồ chưa chết đã thối. Mày đi ra đường bị ô-tô cán chết. Mày chui vào bếp thì bị bếp đè. Mày đi tàu xe thì bị chìm mất xác. Loại người bịa đặt, loại người mua mười bán chín, đong đầy khảo vơi, ăn đứng dựng ngược mà không sợ bị trời phật rút lưỡi, róc xương sao? Hỡi thằng trời đánh, thánh vật kia”. Người vợ gã mới mua nhà cũng không chịu kém. Bà ta đứng dưới đất nói vóng lên gióng giả từng câu đối đáp. Vợ tôi lại chạy thình thịch từ tầng 3 xuống dưới đất đấu khẩu với kẻ thù. Hai bên chỉ mặt nhau, mày tao ầm ĩ. Rất may lúc đó xóm ngõ mọi người đều vừa đi làm về, đổ đến can ngăn. Nếu không chỉ có trời mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đến khi tôi đi làm về thì mọi chuyện đã trở nên yên bình như vốn dĩ xưa nay của ngõ.

Nghe hàng xóm kể lại, tôi hơi buồn. Tôi nhẹ nhàng trách vợ: “Tại sao em cứ nhúng vào những chuyện chẳng đâu vào đâu? Ai nói người ấy phải nghe trước. Gia đình mình sống ra sao hàng xóm biết cả. Tranh hơn tranh kém vì câu nói để rồi mang tiếng à? Mà bà Lành cũng đã có chủ ý từ lâu rồi”. Vợ tôi vẫn còn ấm ức: “Nhưng tức không thể chịu nổi. Anh không ra ngoài đường phía nhà nó đâu biết. Dân phố đang đồn ầm lên rằng vợ chồng mình đang âm mưu lấy dần mảnh đất của bà Lành. Rõ là đồ lấy bụng dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”. Tôi cười dàn hòa: “Vâng, tôi biết lòng quân tử của mẹ con Thúy từ lâu rồi. Một điều nhịn không phải là chín điều lành đâu nhé,  mà là chín mươi điều lành đó”.

Như một nhu cầu bình thường, buổi tối bà Lành vẫn sang nhà tôi nói chuyện và xem vô tuyến. Hôm nay bà sang muộn hơn. Dễ chừng bà chờ gia đình tôi ăn xong bữa cơm. Đỡ chén nước trên tay tôi đưa mời, bà nói chậm rãi: “Tôi với hai cụ nhà đây tuy không họ mạc gần xa nhưng sống thân thiết như tình cốt nhục, thuận hòa từ mấy chục năm nay không hề có điều tiếng gì. Chẳng may các cụ xấu số thiệt phận, tôi giận mình không thể đi theo bầu bạn với các cụ nhà ta được. Tôi coi anh chị cũng như thằng Dao, cái Thớt nhà tôi. Và tôi cũng hiểu tấm lòng thơm thảo của anh chị cùng các cháu. Tôi xin anh chị đừng để bụng những chuyện chẳng tốt đẹp vừa xảy ra trưa nay.  Tại tôi tất cả. Thôi, mình cứ sống đúng với lương tâm của mình là đủ”.

Cuộc sống hiện tại còn bao nhiêu điều đáng nhớ, đáng suy nghĩ, đầu tư trí tuệ.  Câu chuyện vớ vẩn kia tôi cũng quên nhanh như khi nó đến. Một buổi sáng khi tôi dắt xe định đi làm, chợt thấy bà Lành dò dẫm sang nhà tôi qua cái cửa nhỏ mở ở hàng rào râm bụt. Xưa nay bà có khi nào sang nhà tôi vào buổi sáng đâu. Hẳn bà biết buổi sáng nhà tôi người đi làm, người đi học vắng cả. Nhưng lần này bà lại sang đúng lúc tôi định đi làm. Tay bà cầm một cái bọc gì đó tròn tròn, nhỏ thôi, nhưng có vẻ nằng nặng. Một tay bà giữ lấy tay tôi. Tay còn lại bà đặt hờ lên cái giỏ xe phía trước. Dường như bà sợ tôi đi mất. Giọng bà khẩn khoản: “Anh Hoàng ơi! Tôi muốn nhờ anh chút việc”. Cứ nghĩ bà muốn mua thứ gì đó ngoài phố, hoặc giả bà muốn nhờ nấu hộ nồi cơm, ấm nước, tôi vội đỡ lời: “Vâng. Bà có việc gì cứ bảo, con vui lòng làm giúp. Kẻo tuổi già đi lại nhiều e chẳng may xảy ra chuyện gì là khổ lắm!”. Bà Lành lắc tay tôi nói: “Ấy là thế này, mấy hôm nay nghe trên loa truyền thanh nói khu dân cư ta đang quyên góp tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt ở mấy tỉnh miền Trung. Tôi không còn tiền, chỉ có ít gạo trong hũ gạo tiết kiệm, muốn mang ra ủng hộ. Nhưng lại nghĩ vì mấy hạt gạo của mình mà người ta phải mang đi mang lại cũng bất tiện...” Tôi vội vã cắt ngang lời bà: “Người ta hô hào ủng hộ là hô hào những gia đình có điều kiện chứ hoàn cảnh bà thế nào, ra sao, cả phường này đều rõ, chả ai trách bà đâu. Bà cứ để gạo mà ăn. Hay là thế này, con nói có điều gì không phải xin bà tha thứ, con biếu bà hai chục nghìn đồng để bà đóng góp với xóm, với khu, để lòng bà không áy náy”. Bà Lành giẫy nảy: “Không. Tôi không nhận tiền của anh đâu. Ai lại xin của người này mang cho người khác - Bà vừa cười vừa nói đùa - Như thế chẳng hóa ra của người phúc ta ư?”. Nghỉ lấy sức một chút, bà nói tiếp: “Hay anh mua giúp tôi số gạo này nhé?”. Tôi bậm môi cố nén niềm xúc động đang trào lên. Chao ôi, tấm lòng nhân hậu của một bà cụ hàng xóm bừng lên như sắc nắng. Dù bản thân bà vô cùng khó khăn nhưng gặp cảnh ngộ người khác còn khó khăn hơn bà vẫn sẵn lòng san sẻ dù chỉ là chút ít. Phải cố gắng lắm tôi mới không để nước mắt mình rơi xuống: “Vâng. Bà dạy thế, con xin nghe”. Nói vậy chứ trong đầu tôi phác nhanh ra việc trưa nay sẽ sai con Thúy mang lén sang đổ vào hũ gạo tiết kiệm của bà.  “Gói gạo này của bà chừng nửa cân, con gửi bà mười nghìn đồng, bằng với giá gạo ngoài chợ. Bà đồng ý không?”. Nét mặt bà Lành giãn ra có vẻ phấn khởi lắm. Bà vui vẻ như vừa làm xong điều gì ưng ý. Bà lại bảo tôi: “Vậy anh giúp tôi lần nữa nhé. Anh mang số tiền này đến nhà ông trưởng khu nộp hộ,  nói hoàn cảnh tôi chỉ được vậy, mong ông hiểu cho. Hình như tôi nghe đến trưa nay hết hạn thì phải”.

Tôi đạp xe phăng phăng đến nhà ông trưởng khu. Tôi ghi tên bà Lành vào danh sách ủng hộ đã dài dằng dặc đủ các loại họ và tên mọi người trong khu dân cư cũng như rất nhiều người buôn bán quanh chợ Phú Yên. Số tiền họ ủng hộ cũng rất khác nhau. Người hai chục nghìn, người năm chục nghìn, có người ủng hộ cả trăm nghìn đồng.  Đúng như câu thành ngữ của dân tộc Việt Nam ta: “Lá lành đùm lá rách”. Tôi chợt hiểu ra: Người tốt quanh ta còn nhiều lắm. Số người như gã mua đất cạnh nhà bà Lành chỉ là con số ít. Nó chỉ như hạt sạn trong bao gạo trắng ngần thôi. Và có lẽ bà Lành là người ủng hộ cuối cùng của khu dân cư chúng tôi, đồng thời cũng là người có số tiền ủng hộ ít nhất, nhỏ nhoi nhất. Nhưng những hạt gạo trong hũ sành tiết kiệm và tấm lòng của bà cứ sáng long lanh, long lanh, thơm nồng đậm mùi trầu thuốc.  Một thứ hương hoa của trời đất hòa trộn, thân thuộc tự ngàn xưa.

Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN