Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Việt Nam yêu nước vĩ đại

Tin tức - Ngày đăng : 10:47, 08/10/2013

Ngày 7-10, ngày thứ hai dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) vẫn dài thêm mãi.











Khi đặt bút viết cảm tưởng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người dân không kìm được cảm xúc đã bật khóc

Hàng vạn người đội nắng chờ vào viếng Đại tướng

Không quản nắng gắt, không quản phải chờ đợi hàng giờ, hàng vạn người dân từ mọi miền Tổ quốc vẫn kiên trì xếp hàng đợi trước ngôi nhà của Đại tướng để vào viếng.

Những cựu chiến binh từ chiến trường Điện Biên năm xưa cũng đã về đưa tiễn Đại tướng. Cựu chiến binh Mai Bá Quát xúc động chia sẻ: "Chúng tôi là những người trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng đánh trận Điện Biên Phủ. Nhờ những quyết định sáng suốt của Đại tướng đã cứu được hàng nghìn, hàng vạn chiến sĩ. Cả chúng tôi và con cháu chúng tôi sẽ mãi mãi ghi ơn Đại tướng". Không giấu nổi niềm tiếc thương người Anh Cả của mình, ông Quát và bạn bè không thể đợi đến ngày 11-10 để đi cùng binh chủng mà quyết định đến viếng sớm hơn. 11 giờ nắng chang chang, những người lính già của chiến trường Điện Biên năm xưa vẫn kiên trì xếp hàng. "Ngày đi chiến đấu còn nhịn cả tuần, trưa nay không vào kịp thì phải giữ hàng để đợi tới chiều vào viếng. Chúng tôi không về đâu", một người lính Điện Biên nói.

Đi ô-tô từ Nam Định tới 11 giờ trưa, nhóm bác Nguyễn Đình Tạo, Hoàng Bá Tiến (cựu chiến binh trong chiến tranh biên giới) mới có mặt tại đường Hoàng Diệu. Lên Hà Nội, họ còn mang theo sự gửi gắm của bà con xóm làng, thắp nén hương tiễn biệt Đại tướng. Ông Phàng Vàng Sao, một chiến sĩ người Mông trong chiến dịch giải phóng Tây Bắc cũng từ Sơn La về Hà Nội viếng Đại tướng. Bộ quân phục cũ sờn rách, đôi dép bộ đội cũng rách nhưng những chiếc huy chương vẫn sáng lấp lánh trên ngực.

“Tôi rất xúc động khi nhận được tin Tướng Giáp qua đời. Đây là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, được tất cả người dân Việt Nam yêu quý và kính trọng với vai trò nổi bật và sáng lập của ông trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc”.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius

Hơn 12 giờ, lễ viếng buổi sáng kết thúc nhưng hàng vạn người dân vẫn đứng đợi bên ngoài nhà Đại tướng để được vào viếng buổi chiều. Giữa trưa nắng, từ người già đến trẻ nhỏ đều kiên nhẫn chờ đợi. Tất cả chỉ với một tâm niệm được vào viếng và nói lời vĩnh biệt với vị Đại tướng kính yêu. Đến 13 giờ, những người đến viếng đã kéo dài ra đến đường Điện Biên Phủ. Các cựu chiến binh và người dân phường Điện Biên nơi Đại tướng sinh sống cũng có mặt xếp hàng vào viếng. Rất nhiều người trong số họ mang đến các kỷ vật và những câu chuyện về Đại tướng.

Trước cổng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, gia đình Đại tướng cũng ghi những dòng cảm ơn: "Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng cảm động trước tấm lòng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, các vị khách quốc tế đã đến nhà riêng chia buồn cùng gia đình".

Chiến lược gia quân sự lỗi lạc


Ngày 6-10, nhật báo Phố Wall/Wall Street Journal của Mỹ có bài viết đề tên Thượng nghị sỹ John McCain. Trong bài báo, cựu chiến binh John McCain viết, tôi đã có cơ hội gặp Đại tướng Việt Nam Võ Nguyên Giáp 2 lần. Lần đầu tiên là khi máy bay của tôi bị bắn rơi vào năm 1967, khi đó tôi đang được điều trị tại một bệnh viên của quân đội ở Hà Nội. Cha tôi từng là tư lệnh chỉ huy các lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này gợi cho tôi một sự tò mò về những nhân vật quan trọng của chính quyền Bắc Việt khi đó. Tôi vẫn nhớ một vài người đến thăm thuộc hàng quan chức quốc phòng cấp cao cũng như những chuyên gia đàm phán mà tôi được thấy hằng ngày. “Tướng Giáp khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông ấy cũng là người duy nhất tôi nhận ra. Ông đứng nhìn tôi một lúc sau đó đi ngay và không nói nhiều”.

Khi tôi được trao trả về Mỹ vào năm 1973, tôi đã đọc gần như tất cả những gì tôi có trong tay về hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam. Bắt đầu bằng cuốn "Hell in a Very Small Place” của Bernard Fall - một tác phẩm nghiên cứu rất kỹ về cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Nơi công trạng và bản chất thiên tài về quân sự của Tướng Giáp được bộc lộ và khiến thế giới chấn động. Tôi đã rất muốn nghe Tướng Giáp mô tả lại chi tiết trận đánh kéo dài gần 2 tháng và giải thích tại sao quân đội của ông lại có thể làm những điều không thể khi di chuyển được các cỗ pháo lên các sườn núi, xuyên rừng để đánh cho quân Pháp phải kinh sợ. Tôi muốn nói chuyện với Tướng Giáp về tuyến đường hậu cần kỳ diệu mang tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”...

Cuộc gặp thứ hai của tôi với Tướng Giáp diễn ra vào đầu thập niên 1990 trong một trong những chuyến đi của tôi đến Hà Nội để thảo luận về vấn đề Tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA – person of war missing in action) cũng như thực hiện tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.

Một ngày sau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius viết thư chia buồn: “Tôi rất xúc động khi nhận được tin Tướng Giáp qua đời. Đây là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, được tất cả người dân Việt Nam yêu quý và kính trọng với vai trò nổi bật và sáng lập của ông trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc”. Ông Fabius bày tỏ sự “trân trọng những ký ức về một con người phi thường và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình ông và nhân dân Việt Nam”.

Ngày 6-10, Tổng thống Uruguay José Mujica khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thúc đẩy nền độc lập của Việt Nam, một chiến lược gia kiệt xuất và là người tạo nguồn cảm hứng cho tự do trên toàn thế giới.

Sáng 7-10, trước khi diễn ra cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên lề Hội nghị cấp cao APEC 21, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chân thành bày tỏ cảm xúc của mình về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những vị danh tướng của thế giới vừa qua đời. Thủ tướng Abe gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhân dân Việt Nam.

PHƯƠNG LINH (tổng hợp)

An táng Đại tướng ở Vũng Chùa - đảo Yến

Thông tin này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết sau khi kết thúc cuộc họp của Ban tổ chức lễ tang với đại diện của gia đình đại tướng và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào chiều 7-10. Theo ông Hoài, tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành viên Ban Tổ chức lễ tang, đã kết luận chọn địa điểm an táng đại tướng tại khu vực biển Vũng Chùa - đảo Yến.

Tại cuộc họp, đại diện gia đình Đại tướng là ông Võ Hồng Nam - con trai đại tướng - cho biết khi còn sống Đại tướng đã đồng ý với gia đình là khi mất sẽ yên nghỉ tại Vũng Chùa - đảo Yến. Trung ương và tỉnh cũng như gia đình đã bàn bạc nhiều về điều này tại cuộc họp. Sau đó, thấy rằng với Đại tướng, quê nhà Lệ Thủy hay Vũng Chùa - đảo Yến thì đâu cũng là quê hương cả, nên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định ở Vũng Chùa - đảo Yến theo ý nguyện của Đại tướng và gia đình. Ông Hoài cũng cho biết thêm tại cuộc họp, ông Võ Hồng Nam đã nhắc lại lời dặn của Đại tướng với gia đình là việc tang lễ của Đại tướng phải tránh phiền hà đến chính quyền địa phương và người dân.