10 cách giảm ô nhiễm trong nhà

Môi trường - Ngày đăng : 22:38, 11/10/2013

Không khí trong nhà chứa những hóa chất độc hại từ sơn tường, véc - ni, chất dính, đồ đạc, quần áo, những chất hòa tan, vật liệu xây dựng và thậm chí vòi nước.


Đó là những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có khả năng gây nên nhiều bệnh cho người như viêm, sưng, xuất huyết ở phổi...

 Cách hiệu quả nhất để kiểm soát ô nhiễm trong nhà là phải loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm và cải thiện tình trạng thông gió của các phòng bằng cách đưa không khí sạch bên ngoài vào.

1. Dọn vệ sinh nhà cửa: Tiệt trừ những nguồn làm phát sinh bụi, mốc, nấm; hút bụi hoặc giặt rèm cửa hằng tuần, quét hoặc hút bụi nhà hằng ngày. Giặt thú nhồi bông 2 tuần/lần; dùng tấm nhựa che giường vào ban ngày. Nên mua máy hút bụi không sử dụng túi lọc bên trong (vì dễ làm phát tán bụi ra ngoài khi thao tác).

2. Trang bị bộ lọc không khí có chất lượng tốt: bộ lọc khí trong các máy điều hòa không khí hoạt động hiệu quả giúp cho bầu không khí trong phòng có chất lượng cao. Thông gió đầy đủ cũng là một cách duy trì chất lượng không khí trong nhà được tốt, mặc dù con đường này có thể đưa các chất ô nhiễm xâm nhập vào trong nhà. Vì vậy, cần thường xuyên làm vệ sinh bộ lọc không khí và các quạt hút, ít nhất 2 tháng/lần.

3. Trang bị máy tạo khí ô-dôn: khí ô-dôn ở nồng độ thấp sẽ diệt mùi hôi gây ra bởi những chất ô nhiễm như mốc, khói thuốc lá, phoóc-môn (formaldehyde), ben-den hoặc a-xê-tôn. Tuy nhiên, nồng độ ô-dôn cao lại có hại cho sức khỏe.

4. Tận dụng khí trời: Việc mở cửa sổ để không khí trong lành bên ngoài vào phòng có tác dụng pha loãng các chất ô nhiễm có trong phòng. Tuy nhiên, không nên mở cửa sổ nếu quanh nhà có nguồn khí thải ô nhiễm, nguồn mốc hoặc phấn hoa ở gần đấy. Không nên phơi quần áo ngoài trời khi có sự hiện diện của phấn hoa hoặc mốc trong không khí.

5. Chiếu xạ: tia cực tím (UV-ultra violet) tiêu diệt các chất ô nhiễm trong nhà. Lưu ý rằng tia UV chỉ có tác dụng đối với chất ô nhiễm trong một khoảng cách nhất định từ nguồn sáng.

6. Chỉ chiếu sáng nơi cần sử dụng: Không cần thiết mở đèn sáng khắp nhà, sử dụng bóng đèn có ánh sáng dịu mắt và nên có chụp đèn.

7. Đừng hút thuốc trong nhà: Đừng vận hành xe ô - tô hoặc động cơ chạy bằng nhiên liệu trong ga-ra. Khi tổ chức tiệc nướng, luôn để lò nướng ở ngoài trời. Nếu đun nấu bằng than, củi, dầu lửa, nhà bếp cần có ống khói.

8. Đối với đồ mới: Đồ nội thất mới hoặc các căn phòng mới sửa chữa, sơn phết lại thường có mùi dung môi phát thải vào không khí. Đây là các chất rất độc hại, cần mở cửa phòng để bay bớt mùi dung môi hoặc khử mùi bằng cách để vài đĩa giấm trong phòng đóng kín cửa, qua 1 đêm sẽ giảm mùi. Nếu phải sơn mới ngôi nhà hoặc đồ đạc, nên sơn chủ yếu ở bên ngoài và chọn loại sơn có nồng độ chất hữu cơ bay hơi thấp.

9. Trồng nhiều cây xanh trong nhà: giúp loại bỏ chất ô nhiễm và chất gây dị ứng trong nhà, nhưng cần chọn loại cây phù hợp.

10. Đừng dùng thảm: Thảm là nơi ẩn náu của bụi, các chất gây dị ứng ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải dùng thảm, bạn nên dùng thảm len thay vì thảm bằng sợi tổng hợp và cần hút bụi thường xuyên.

(Theo Tổng cục Môi trường)