Ngày càng phổ biến
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:21, 12/10/2013
Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) là 2 căn bệnh ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương hiện quản lý hơn 1.000 bệnh nhân đái tháo đường hằng tháng
đến khám, lấy thuốc điều trị
Bệnh nhân tăng và nhiều biến chứng
Mỗi ngày phòng khám ĐTĐ, Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương tiếp nhận từ 50 - 60 bệnh nhân đến khám, điều trị. Bệnh viện hiện đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhân ĐTĐ, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Bác sĩ Ngô Thị Thường, Phó Giám đốc bệnh viện, phụ trách phòng khám cho biết: "Trong số bệnh nhân ĐTĐ đang được quản lý và theo dõi hằng tháng thì nhiều người bị THA. Hầu hết những người điều trị các bệnh này lâu năm đều đã có biến chứng các bệnh khác, trường hợp nhẹ thì mắt mờ, nặng thì suy tim, suy thận, loét chân. Những trường hợp có biến chứng nặng thường xuyên phải vào viện điều trị nội trú, sức khỏe kém nên gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống hằng ngày".
Trường hợp bệnh nhân Lê Thị Hoa (75 tuổi) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) là một điển hình vì căn bệnh THA, ĐTĐ đã gây nhiều biến chứng khiến bà phải vào viện thường xuyên. Bà Hoa bị bệnh ĐTĐ 14 năm nay, cuộc sống gắn liền với các loại thuốc trị bệnh THA, ĐTĐ và các bệnh liên quan. Ngày nào bà cũng phải uống thuốc và duy trì tập luyện thể dục cùng với chế độ ăn uống kiêng khem. Thỉnh thoảng, lượng đường trong máu của bà không ổn định, huyết áp lúc lên lúc xuống, sức khỏe yếu hẳn đi. Căn bệnh ĐTĐ lâu năm đã có biến chứng khiến tay chân bà thường xuyên tê dại, mắt cũng không còn nhìn rõ.
Nhiều trường hợp biến chứng nặng hơn bà Hoa như bị suy tim, suy thận nặng phải chuyển lên tuyến trên. Khoa Nội tiết, Khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là hai nơi tiếp nhận số lượng bệnh nhân điều trị đông vì hai căn bệnh này và các bệnh kèm theo do biến chứng. Hai khoa này cũng thường xuyên quá tải, số bệnh nhân thường vượt 30% so với chỉ tiêu giường bệnh. Bác sĩ Vũ Văn Nguyên, Phó Trưởng khoa Nội tiết cho biết: "Nhiều bệnh nhân sau 5 - 10 năm mới phát hiện thì bệnh thường đã có biến chứng nặng. Một số bệnh nhân thường xuyên phải vào viện điều trị nội trú, có người vào viện đến 10 lần/năm, không chỉ điều trị THA, ĐTĐ mà phải điều trị nhiều bệnh kết hợp như suy tim, suy thận..."
Cũng theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân bị mắc THA, ĐTĐ ngày càng trẻ hóa, có người 30 tuổi đã bị THA, 40 tuổi bị ĐTĐ. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì bệnh sẽ ít bị biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân khi đã mắc ĐTĐ sẽ phải uống thuốc điều trị suốt đời. Chị Nguyễn Thị Tâm (40 tuổi, ở phường Văn An, Chí Linh) là một trong những bệnh nhân mắc ĐTĐ tuýp 2 khi còn khá trẻ. Chị nhập viện khi lượng đường trong máu là 13,5 mmol/l (bình thường là dưới 5 mmol/l). Chị Tâm cho biết: "Tôi bị mất ngủ vài tháng nay, ăn kém, trong vòng 5 tháng tôi sút khoảng 7 kg, đi khám thì phát hiện mình đã mắc bệnh ĐTĐ".
Chủ động phòng, chống
Để phòng, chống hai căn bệnh trên, từ năm 2009 - 2010, tỉnh ta đã triển khai dự án phòng, chống bệnh ĐTĐ và THA nhằm nâng cao nhận thức của người đã và chưa mắc hai loại bệnh này. Mỗi năm dự án phòng, chống bệnh ĐTĐ tiến hành khám, sàng lọc cho khoảng 3.000 người có nguy cơ mắc ở một số địa phương, trọng tâm là ở các xã, phường của TP Hải Dương. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang quản lý khoảng 500 bệnh nhân tiền ĐTĐ và THA. Trong điều trị, bệnh viện tuyến tỉnh có các khoa tim mạch, nội tiết để tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh viện tuyến huyện có phòng khám nội tiết, thực hiện phát thuốc hằng tháng và có các khoa nội điều trị bệnh nhân nội trú. Các trạm y tế xã có cán bộ quản lý người mắc bệnh. Mỗi năm, dự án phòng, chống bệnh THA cũng khám, phát hiện hàng nghìn bệnh nhân THA tại cộng đồng. Điển hình như năm 2012, có 91% số người dân từ 40 tuổi trở lên thuộc 5 xã của các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Hà được khám, sàng lọc bệnh THA, đã phát hiện hơn 1.600 người mắc. Đến hết năm 2012, dự án cũng quản lý hơn 11 nghìn người THA.
Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên diện bao phủ của dự án chưa rộng. Hiện nay, hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống bệnh THA, ĐTĐ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nhiều người dân chưa hiểu đúng và đầy đủ về kiến thức phòng, chống các bệnh này. Bên cạnh đó, theo các bác sĩ, khó khăn lớn nhất trong điều trị cho bệnh nhân THA, ĐTĐ là nhiều người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị cũng như những lời tư vấn về chế độ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện dẫn tới bệnh hay xảy ra biến chứng nặng. Dù bệnh nhân đã có bảo hiểm y tế nhưng một số người bệnh phải sử dụng thêm thuốc ở ngoài danh mục rất tốn kém. Việc điều trị kéo dài cũng khiến cho nhiều bệnh nhân không có tiền mua thuốc và không kiên trì theo đuổi. Vì vậy, bệnh sẽ càng nặng, nhiều biến chứng nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Hiện nay chưa có tài liệu khoa học nào tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, y học đã ghi nhận những trường hợp có yếu tố di truyền (người trong gia đình bị tiểu đường) khả năng mắc ĐTĐ sẽ cao hơn. Các yếu tố béo phì, ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều dầu mỡ, đường, tinh bột, thói quen lười vận động cũng góp phần gây ra bệnh ĐTĐ. Các yếu tố này cũng liên quan đến khả năng bị THA. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, có chế độ ăn uống hợp lý, không để thừa cân, béo phì và khám sức khỏe định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để sớm phát hiện bệnh. Người đã mắc bệnh cần thay đổi lối sống, giảm cân nếu béo phì, tuân thủ việc điều trị và khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tích cực triển khai mở rộng thực hiện các dự án phòng, chống bệnh THA, ĐTĐ để triển khai sâu rộng các mô hình quản lý người bệnh, nhất là ở tuyến xã. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức trong phòng, chống hai loại bệnh ngày càng phổ biến này.
MINH HẠNH