Lưu ý với bệnh sương mai hại rau màu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 21:47, 18/10/2013
Nấm lan truyền qua không khí và thường gây hại mạnh cho cây trong điều kiện thời tiết của vụ thu đông, đông xuân. Vì vậy, nông dân cần chú ý phòng trừ tốt loại nấm bệnh này để giảm thiểu lượng rau màu bị bệnh sương mai trên đồng ruộng.
Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh: Ở ngưỡng nhiệt độ thấp (20-22 độ C) kết hợp với thời tiết mưa phùn hoặc sương muối, trời âm u, bệnh sẽ bùng phát và lây lan mạnh, đặc biệt là trên những diện tích cây trồng đang trong thời kỳ phát triển thân lá bón thừa đạm. Nấm bệnh phát sinh và gây hại nặng trên tất cả các bộ phận của cây( thân, lá, quả). Cây đang bị bệnh nhưng khi gặp thời tiết có nắng nóng khô hanh thì bệnh ngừng phát triển.
Nhận biết vết bệnh trên các họ cây trồng:
- Trên cây họ cà (ớt, cà chua, các cây cà, khoai tây): Vết bệnh có hình dạng bất định. Lúc đầu là những đám màu hơi xám, vết dầu và không đều nhau. Trên lá, bệnh gây hại từ mép lá trước (vết cháy từ mép ăn sâu vào trong phiến lá). Gặp ẩm độ cao sẽ thấy có lớp mốc trắng như sương ở mặt dưới lá, xung quanh vùng bị bệnh. Quả bị bệnh thường bị nhiều ở phần nửa trên, đó là những đốm ướt, xanh xám đến nâu sẫm, cứng và nhăn.
- Trên các cây họ bầu bí (dưa hấu, dưa chuột, bí xanh...): Bệnh gây các vết thâm có hình góc cạnh (vết bệnh bị giới hạn bởi những đường gân trên lá), lúc đầu có màu vàng nhạt sau chuyển thành nâu. Bệnh nặng làm lá dưa, bí bị cháy rộp như da cóc, rất giòn, dễ vỡ. Bệnh thường gây hại từ lá già ở gốc rồi lan lên lá non, vết bệnh gặp ẩm độ cao (lúc sáng sớm) có lớp tơ màu trắng hoặc vàng nhạt.
- Trên các cây họ thập tự (rau cải, su hào, cải bắp): Triệu chứng bệnh là những đốm lá vàng nhỏ có hình dạng và kích thước bất định. Sau đó, những đốm này ngả màu nâu với lớp mốc như lông mịn màu xanh đen. Mặt dưới lá bị bệnh có lớp mốc trắng như sương.
- Trên cây họ hành tỏi: Vết bệnh lúc đầu là những vết loang màu xanh trong, sau khô úa với tốc độ nhanh rồi lan ra cả ruộng theo chiều gió.
Phòng bệnh:
- Bón phân cân đối cho cây, không nên bón thừa đạm làm cây mềm yếu, dễ nhiễm bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tỉa bỏ các lá già, thu gom tàn dư thực vật sau khi thu hoạch...
- Bổ sung định kỳ cho rau màu chế phẩm phân bón siêu vi lượng (phân bón gốc hoặc phân bón qua lá) kết hợp với phun phân kali trắng (kali sunphát - K2SO4) để thân lá rau màu cứng chắc, chống đỡ được bệnh tốt hơn, lại tăng chất lượng, mẫu mã cho nông sản.
- Sử dụng các giống kháng bệnh.
- Khi gặp thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh phát triển: nên sử dụng các loại thuốc gốc đồng như: Boocdo 1%, Batocide, Kocide, Coc... hoặc Zineb phun phòng bệnh định kỳ 5-7 ngày/lần.
Trị bệnh: Cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm nhằm ngăn chặn bệnh hiệu quả. Sử dụng một trong các loại thuốc sau phun khi cây chớm bị bệnh: Aliette 80WP, Rhidomil, Topsin, Curzate, Nativo, Score, Daconil... Cần phun kép 2 lần, cách nhau 3 - 5 ngày và luân phiên thuốc giữa các lần phun. Đồng thời cần loại bỏ các lá, quả bị bệnh nặng, đem tiêu hủy để tránh lây lan và ngừng bón đạm khi cây đang bị bệnh.
KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)