Sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:06, 21/10/2013
Mặc dù kinh tế gặp khó khăn nhưng Làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao vẫn sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sản xuất các sản phẩm con giống để xuất khẩu sang Trung Quốc tại Công ty TNHH Hoàng Anh
Hàng làm ra không kịp bán
Về làng chạm khắc gỗ Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí lao động rất khẩn trương của những người thợ chạm khắc gỗ nơi đây. Tại cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Oanh Điệp, chúng tôi thấy rất nhiều sản phẩm gỗ mỹ nghệ như: Phật Di lặc, bộ Tam đa, đại bàng, hổ, báo, bàn, ghế... được trưng bày tại khu bán hàng. Anh Vũ Văn Điệp, chủ cơ sở sản xuất cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, tình hình kinh tế rất khó khăn, nhiều ngành nghề sản xuất đình đốn, những người làm nghề như chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Đầu năm nay, có thời điểm hàng sản xuất ra không thể tiêu thụ được ở thị trường nội địa. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân, doanh nghiệp ở làng nghề đã chuyển hướng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất sang thị trường Trung Quốc. Thị hiếu của khách hàng Trung Quốc có rất nhiều điểm khác so với khách hàng ở trong nước. Người Trung Quốc thường thích gỗ hương, thích trang trí con rồng trên các bức tranh, bàn ghế, bình phong... Do đó, chúng tôi đã tập trung sản xuất các mặt hàng đó cung cấp cho thị trường Trung Quốc và được thị trường này ưa chuộng. Hiện nay hàng sản xuất ra không kịp đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng”.
Do hàng xuất khẩu bán chạy nên cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Oanh Điệp thường xuyên giải quyết việc làm cho 30 lao động tại xưởng và khoảng 70 lao động là các hộ dân trong làng nghề với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của cơ sở năm nay ước đạt 16 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm trước, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Không có cơ sở sản xuất “hoành tráng” như của anh Điệp, nhưng 20 người thợ ở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Chính Mão, của nghệ nhân Đào Văn Mão, dường như không có ngày nghỉ bởi lượng sản phẩm khách hàng Trung Quốc đặt mua của cơ sở khá lớn. Các bức tranh nghệ thuật như: bình hoa tứ quý, bình hoa tứ linh, sơn thủy, đồng quê, làng quê, hồn quê... với những hoa văn tinh tế, đặc sắc là những sản phẩm mà cơ sở bán rất chạy. Nghệ nhân Đào Văn Mão cho biết: "Trái ngược với tình hình kinh tế khó khăn chung, năm nay không khí sản xuất của làng nghề rất sôi động. Bởi năm nay, đa số người làm nghề chạm khắc gỗ chúng tôi đã chuyển sang sản xuất những mặt hàng gỗ mỹ nghệ mang tính nghệ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng Trung Quốc nên sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Thậm chí, có những khách hàng phải đặt hàng trước cả tháng mới có. Hiện nay, cơ sở của tôi giải quyết việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng”.
Theo anh Mão, anh Điệp thì hiện tại, có đến khoảng 90% sản phẩm của làng nghề mộc Đông Giao đang được xuất sang Trung Quốc. Hầu như ngày nào cũng có vài chiếc ô-tô chở hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Cần tiếp tục hỗ trợ để làng nghề phát triển
Đồng chí Phạm Văn Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng cho biết, làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao hiện có 209 cơ sở sản xuất, trong đó có 11 doanh nghiệp và 190 hộ sản xuất cá thể, giải quyết việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động người địa phương. Tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất của làng nghề trong 3 năm, từ năm 2010 đến năm 2012, đạt gần 20%. Trong 9 tháng đầu năm 2013, giá trị sản xuất của làng nghề tăng gần 30%. Để hỗ trợ làng nghề tiếp tục phát triển, thời gian qua, UBND huyện Cẩm Giàng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 2 khu kinh doanh - dịch vụ - thương mại cho thôn Đông Giao. Trong đó, khu 1 có diện tích 4,49 ha, có 5 cơ sở đã thuê và có 4 cơ sở đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, đi vào hoạt động. Khu 2 có tổng diện tích 7,79 ha đã cho 6 cơ sở thuê với diện tích 3,6 ha, cả 6 cơ sở này đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 230 lao động.
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Chưa có doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra làm đầu mối bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, vẫn mạnh ai nấy lo, tự tìm đầu ra cho mình. Các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn vướng mắc về hành lang lưới điện cao áp, vệ sinh môi trường... Anh Đào Văn Mão cho biết thêm, đa số các hộ dân, doanh nghiệp làm nghề chạm khắc gỗ nằm dọc theo quốc lộ 38. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi cần vay vốn ngân hàng rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc chạm khắc gỗ gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa được các cấp chính quyền quan tâm xử lý.
Đồng chí Hoàng Đình Pha, Bí thư Đảng ủy xã Lương Điền đề nghị: "Để làng nghề phát triển hơn nữa, thời gian tới, chúng tôi đề nghị huyện quan tâm để thành lập hội nghề nghiệp ở làng nghề Đông Giao, làm cơ sở đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm truyền thống. Quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ cho vay vốn, giúp các cơ sở, doanh nghiệp làm nghề có nguồn tài chính vững vàng để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương".
VŨ ÚY