Đường lên xứ Lạng
Du lịch - Ngày đăng : 05:16, 22/10/2013
Đường lên Lạng Sơn nằm trong vùng lòng máng trũng địa hình tương đối bằng phẳng. Dòng sông uốn lượn mềm mại giữa hai bờ cát trắng và lau sậy hoang vắng...
Thành nhà Mạc
Tôi cùng đoàn hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương đi Lạng Sơn, chuyến đi ngắn chưa thể tìm hiểu sâu về xứ Lạng, song tôi thấy mọi người đều ấp ủ những dự định riêng để tạo cảm hứng sáng tác... Xe xuôi quốc lộ 5 về phía Hải Phòng và chuyển sang đường 18 qua huyện Nam Sách, thị xã Chí Linh thì đi vào đường 79 qua cầu Cẩm Lý sang huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là con đường được mở rộng từ trước cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Con đường tạo được lối tắt từ Lạng Sơn xuống Hải Phòng và ngược lại không phải đi qua Hà Nội.
Xã Lê Lợi (Chí Linh) nơi tiếp giáp với huyện Lục Ngạn bây giờ đã trở thành thị tứ. Sông Cẩm Lý đang trong mùa cạn. Nơi dãy núi hình răng cưa không cao lắm lãng đãng sương mù bảng lảng. Phía chân núi nhìn xa hút mắt là cánh đồng rộng lớn nơi dòng sông Cẩm Lý mất hút phía thượng nguồn. Khi dãy núi xanh kia chìm trong chiều lặng, dòng sông mờ sương khói lác đác những chấm buồm trong ráng chiều rừng rực... nếu ta được thư thả ngắm nhìn thì thật thích mắt.
Xe qua huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) với những dãy đồi trồng vải xanh như bát úp. Ven đường rải rác làng mạc, cụm dân cư cây cối với mái bằng, mái ngói đan chen. Rồi xe qua khu di tích Chi Lăng, rất tiếc chúng tôi không thể dừng chân. Lạng Sơn trong hồi ức của tôi từ những năm 60 của thế kỷ trước thấp thoáng hàng cây xanh, lòng đường hẹp, mái ngói rêu phong. Đêm miền sơn cước se lạnh. Mùi ngô nướng, món ăn mang văn hóa ẩm thực Việt - Trung giao thoa. Vịt quay Lạng Sơn ngon, ngậy không béo có hương vị mắc mật, lá tươi, quả khô. Rau cải ngồng trồng nơi khí hậu mát ăn nhiều không chán. Bánh phở Lạng Sơn làm từ loại gạo đặc biệt có độ giòn và dai. Bánh phở đem nhúng nước sôi cho tới, trộn đều với gia vị như thịt xá xíu, phở có vị chua ngọt ngon cay cay rất thích hợp ăn buổi sáng và đêm đông se lạnh. Rượu Mẫu Sơn được chưng cất từ gạo và lá men với nước suối trong do người dân Mẫu Sơn tự chế biến.
Đường lên Lạng Sơn nằm trong vùng lòng máng trũng địa hình tương đối bằng phẳng. Dòng sông uốn lượn mềm mại giữa hai bờ cát trắng và lau sậy hoang vắng. Những cư dân Nùng sắc phục áo chàm thân thiện với cây rừng. Thi thoảng xe chúng tôi đi qua những sườn núi cao ngất mờ sương mây.
Mùa na Lạng Sơn đã thu hoạch quả, bây giờ lá đã vàng sậm. Dây cáp vận chuyển na từ đỉnh núi tạo thành một đường thẳng tắp xuống chân núi. Dòng chảy lặng lẽ âm thầm ngỡ như không có thác ghềnh. Lòng người cũng như chùng xuống một bên là đường lên vút cao vời, một bên là tiếng suối róc rách, róc rách…
Nơi đây xưa kia con đường mòn nào Nguyễn Trãi đã lạy biệt cha để trở về nuôi chí trả thù nhà, đền nợ nước. Nơi đây bao đoàn sứ bộ của các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng đi để bảo vệ quyền tự chủ của dân tộc. Bao đời rồi người phụ nữ Việt Nam nhớ người đi phương Bắc mà hóa đá Vọng Phu. Đâu là chân đèo Bồ Bạch gió và mây đang hát điều gì làm ta không thể quên, dáng Bác Hồ đăm chiêu qua ống nhòm để theo dõi trận quyết chiến giữa các sư đoàn chủ lực của ta với các binh đoàn tinh nhuệ nhất của Pháp trong chiến dịch Biên giới năm 1950… Nơi nào trong điệp trùng mây núi kia ông Bùi Văn Thưởng, con chú con bác với thân phụ tôi là chính trị viên tiểu đoàn đã nằm lại trong chiến dịch Biên giới, mãi đến cuối những năm 90 mới đưa được hài cốt về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Hương (Ninh Giang).
Buổi chiều chúng tôi lên cửa khẩu Tân Thanh. Đây là cửa khẩu quốc tế cách Lạng Sơn 40 km, du khách có thể mua sắm thoải mái và đi về trong ngày. Tối hôm đó, tôi cùng nhà phê bình Hồ Trọng Xán đi bộ thăm khu chợ đêm Kỳ Lừa. Chắc do lượng người dồn về quá tải, nơi đây cũng không tránh khỏi rác thải và nguồn nước bắt đầu bị ô nhiễm... Vẫn là ngô nướng quạt than đỏ hồng dưới gốc cây bên vỉa hè như xưa. Sao tôi thấy có cái gì khang khác từ hương ngô đến dáng người ngồi nhâm nhi hạt ngô nóng hổi cũng không còn thanh thản như trước kia nữa.
Đêm đầu ngủ lại Lạng Sơn không gian rất yên tĩnh. Là một thành phố vùng sơn cước, sáng trở dậy tịnh không nghe thấy tiếng chim hót, tiếng vượn gọi đàn. Có lẽ con người và những gì hiện có đang đẩy những loài vật này vào tận thâm sơn cùng cốc.
Sáng hôm sau đoàn đi thăm động Nhị Thanh, Tam Thanh, tượng nàng Tô Thị và thành nhà Mạc. Đây là khu di tích nổi tiếng ở phía tây thành phố. Tại đây có nhiều hang động tự nhiên với những nhũ đá có hình thù kỳ thú. Nơi đây còn lưu giữ bút tích của các danh nhân. Động Tam Thanh với hồ nước âm ty không bao giờ cạn. Lối đi thông thiên làm người xem sửng sốt trước vẻ đẹp vốn có tự ngàn đời. Đặc biệt là tượng đá Di Đà to lớn được tạc từ thế kỷ 17. Thành nhà Mạc được xây bằng đá từ thế kỷ 16 để chống lại tập đoàn Lê - Trịnh. Thành giờ chỉ còn dãy tường đá ở cổng thành. Nhìn tổng thể thành được xây trên một địa thế hiểm yếu giống như chiếc kiềng ba chân dựng ngược. Ba phía có ba đỉnh cao để đặt đài quan sát rất thuận lợi. Ở giữa thành là khoảng đất trống bằng phẳng ước độ vạn mét vuông, có thể nơi đây được đặt đại bản doanh khi xưa. Mặt trước thành là một cánh đồng rộng. Một sự kỳ thú là toàn bộ bờ thửa đều tạo thành một vòng cung bậc thang ôm lấy cổ thành. Đây là yếu tố tâm linh rất lợi về cấu trúc phong thủy.
Tượng nàng Tô Thị
Tôi cùng các bạn Nguyễn Sỹ Đoàn, Phạm Ngọc Toạn, Thi Nguyên, Trần Nhạc làm thành một tốp ngược 121 bậc đá thì lên tới cổng thành.... Khi đứng trước hòn Vọng Phu, nhà nhiếp ảnh Trần Nhạc đã chớp được bức ảnh nghệ thuật rất kỳ thú: Cánh đồng lúc 9 - 10 giờ sáng sương tan hết, lúa đã chín vàng cùng với nắng đầu đông vàng rực. Phía dưới hòn Vọng Phu một đôi vợ chồng người Nùng đang thu gom lúa và đập ngay tại ruộng. Khung cảnh tạo được chiều sâu của không gian và thời gian tự nhiên tư tưởng tác phẩm có giá trị tố cáo chiến tranh và mong muốn đời sống no đủ, hạnh phúc …
BÙI HẢI ĐĂNG