Doanh nghiệp Nam Khương kêu cứu

Công nghiệp - Ngày đăng : 07:00, 22/10/2013

Mấy tháng nay, do phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi khiến Nhà máy nước sạch Thành Đạt (Kim Thành) đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động.



Nhà máy đã thu hồi hàng trăm đồng hồ đo nước bị người dân phá hỏng


Đường ống bị phá hoại

Nhà máy nước sạch Thành Đạt do Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương ở xã Kim Đính (Kim Thành) làm chủ đầu tư được xây dựng từ tháng 1 - 2010, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 14 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, nhà máy có kế hoạch cung cấp nước sạch cho khoảng 300 hộ dân ở xã Kim Đính, sau đó mở rộng mạng lưới cung cấp đến các xã Bình Dân, Liên Hòa và Cẩm La của huyện Kim Thành. Đến hết tháng 9 - 2013, đã có khoảng 3.500 hộ dân ở các xã này được sử dụng nước sạch của nhà máy. Tháng 5 - 2013, nhà máy đầu tư xây dựng thêm 1 bể lọc để nâng công suất lên 5.000 m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân địa phương. Đồng thời, nhà máy lắp đặt 1 dây chuyền sản xuất nước tinh khiết sử dụng hệ thống lọc thẩm thấu ngược RO, thanh trùng bằng ô-dôn và tia cực tím, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người sử dụng theo tiêu chuẩn nước uống 6096/TCVN.

Đến nay, sau 3 năm hoạt động, Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương đã đầu tư tổng cộng 28 tỷ đồng, trong đó 9,8 tỷ đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kim Thành, 3 tỷ đồng vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Hải Dương. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhưng trong suốt thời gian hoạt động, doanh nghiệp chưa nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào về vốn và lãi suất cũng như các chính sách ưu đãi khác. Theo ông Nguyễn Hồng Nam, chủ doanh nghiệp tư nhân Nam Khương, do nguồn vốn đầu tư lớn, hầu hết nguồn vốn phải vay ngân hàng và vay ngoài với lãi suất cao, nhưng do nhu cầu sử dụng nước sạch ở nông thôn thấp nên khả năng thu hồi vốn chậm. Ý thức của người dân sử dụng nước không cao, nhiều hộ dân ăn cắp nước bằng cách đấu nối trái phép, điều chỉnh làm cho đồng hồ đo nước không quay. Nhiều phương tiện giao thông chạy trong các ngõ, xóm làm đường ống bị vỡ. Một số đối tượng còn có hành vi phá hoại, cắt phá đường ống gây thất thoát một lượng nước rất lớn.

Anh Đỗ Quang Thạch, Công an viên xã Cẩm La cho biết: “Vừa qua khi nhận được thông tin hệ thống đường ống của Nhà máy nước sạch Thành Đạt bị phá hoại, tôi lập tức có mặt cùng với cán bộ nhà máy kiểm tra, lập biên bản hiện trường. Nhiều đoạn đường ống nước đã bị kẻ gian dùng dao chém vỡ gây thất thoát lượng nước lớn. Đây không phải lần đầu đường ống nước của nhà máy bị phá hoại. Tuy nhiên, do đường ống dài, chạy qua nhiều khu dân cư nên rất khó phát hiện, xử lý”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng người dân ăn cắp nước sạch đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng chưa có nơi nào xảy ra tình trạng phá hoại gây thất thoát lớn như đã xảy ra đối với hệ thống đường ống của Nhà máy nước sạch Thành Đạt.

Đứng trước nguy cơ phá sản


Tình trạng ăn cắp nước sạch và phá hoại đường ống khiến sản lượng thực thu của nhà máy giảm mạnh. Sản lượng trung bình hằng tháng của nhà máy đạt khoảng 40 nghìn m3, nhưng thực thu trên đồng hồ đo nước của các hộ dân chỉ khoảng 20 nghìn m3, tỷ lệ hao hụt thường chiếm khoảng 45 - 50% tổng sản lượng. Việc thu tiền của các hộ sử dụng nước cũng gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân chây ỳ khiến doanh thu của nhà máy ngày càng thấp.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp liên quan đến số tiền 3 tỷ đồng vay của Quỹ Đầu tư phát triển Hải Dương. Để vay được số tiền này, doanh nghiệp đã phải mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất của người khác để thế chấp. Hiện nay, do chủ đất cần tiền để kinh doanh nên yêu cầu doanh nghiệp phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ sang nhượng lại, mặc dù thời gian vay mới được 1,5 năm (trong khi hợp đồng vay là 5 năm). Nếu doanh nghiệp không tìm được vốn trả cho quỹ, chủ đất sẽ cho vay dưới hình thức "vay nóng" với lãi suất rất cao. Đây thực sự là bài toán khó cho doanh nghiệp, bởi nhà máy vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng, doanh thu hằng tháng mới chỉ đủ trả lương cho công nhân cũng như trả lãi ngân hàng. Nếu không thể lo được số tiền 3 tỷ đồng để trả cho Quỹ Đầu tư phát triển Hải Dương, chắc chắn doanh nghiệp sẽ phá sản.

Hiện tại, doanh nghiệp rất cần tiền để thanh toán khoản nợ vay của Quỹ Đầu tư phát triển Hải Dương nhằm rút tài sản đang thế chấp tại đây trả lại cho chủ đất. Ông Nguyễn Hồng Nam đề nghị quỹ chấp thuận phương án để doanh nghiệp trả một phần số nợ gốc là 1 tỷ đồng cùng số lãi vay đã hình thành. Số tiền 2 tỷ đồng còn lại, doanh nghiệp sẽ thế chấp bằng tài sản mới đầu tư xây dựng tháng 8 - 2013 với tổng giá trị 2,5 tỷ đồng.

Hiện tại, Doanh nghiệp tư nhân Nam Khương đang nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch của người dân địa phương, góp phần hoàn thành tiêu chí nước sạch, vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, doanh nghiệp rất mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

VỊ THỦY