Lần đầu thấy bản sắc phong chức Lương y chính
Di tích - Ngày đăng : 13:49, 30/10/2013
Gần đây, chúng tôi phát hiện tại nhà riêng của ông Bùi Văn Tuyến, ở thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) có lưu giữ một đạo sắc phong cổ.
Bản sắc phong chức Lương y chính có từ năm 1744
Qua thẩm định văn bản học, chúng tôi thấy, đạo sắc phong này tuy có kích thước, hình thức trang trí giống những sắc phong thành hoàng làng thời Lê Trung Hưng (1533-1789), nhưng khác ở nội dung. Đây là sắc của vua phong cho người có chuyên môn y học dân tộc chức Lương y chính. Sắc phong thần, ban mỹ tự cho thành hoàng làng, chúng tôi đã khảo sát khá nhiều. Đây là lần đầu chúng tôi gặp sắc ban cho người có trình độ chuyên môn y học dân tộc giữ chức Lương y chính, được điều động đến công tác ở sở Lương y thuộc Cẩm y vệ. Có một số từ cổ cần giải nghĩa: Từ "Tiến công thứ lang" là huân cấp (còn gọi là ấm phong) cho con trưởng, hàm chánh bát phẩm do người cha có hàm tòng nhị phẩm. Còn từ "Cẩm y vệ", theo sách Từ điển chức quan Việt Nam của tác giả Đỗ Văn Ninh do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2002 biên soạn, ghi: Chức năng nhiệm vụ của Cẩm y vệ là xét kiện. Bộ máy của Cẩm y vệ có Sở Lương y, có chức Lương y chính. Cẩm y vệ, hiểu theo ngôn ngữ hiện đại là thuộc cơ quan toà án, người công tác ở cơ quan này chủ yếu có chuyên môn về pháp luật. Như vậy, việc bố trí đơn vị chuyên môn thời Lê Trung Hưng ở cơ quan tòa án khác hiện nay. Sắc phong này có giá trị giúp người nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, nghiên cứu về tổ chức bộ máy thời xưa. Đạo sắc phong chức Lương y chính này có lẽ là độc bản ở Hải Dương.
Ông Bùi Văn Tuyến, người đang lưu giữ bản sắc này quê gốc ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học (Bình Giang). Do hoàn cảnh gia đình, ông Tuyến cùng mẹ về quê bà ngoại sinh sống từ lúc còn nhỏ tuổi. Khi về Mao Điền, gia đình mang theo sắc phong để trong ống quyển bảo vệ. Di sản về tổ tiên chỉ còn ngai thờ cổ. Về sắc phong, theo di ngôn của các cụ trong dòng họ, trước có 3 đạo, đã mất 2 bản. Dòng họ Bùi là tổ của ông Tuyến từng có người làm quan to, được vua cho quyền “tiền trảm hậu tấu”.
VĂN LỘC