Thành phố từng có 5 cửa ô

Kinh tế - Ngày đăng : 17:19, 30/10/2013

Xưa kia, ở mỗi cửa ô TP Hải Dương thường có một điếm canh bằng gạch, rộng 16 m2, có mái bằng.



Phố cổ Hải Dương đầu thế kỷ XX

Bình thường đó là nơi trẻ em nô đùa hoặc khách bộ hành và người bán hàng rong vào tạm trú lúc nắng mưa. Đó cũng là nơi thanh niên trai tráng trong phố tập trung cùng cuốc xẻng, quang gánh đi hộ đê chống lụt mỗi mùa mưa bão. Khi hữu sự thì đó là nơi có một hoặc hai cảnh binh đứng gác, xét hỏi giấy tờ của khách vãng lai. Tất cả các điếm canh đó tới nay qua dãi dầu mưa gió đều không còn dấu vết. Song qua bức ảnh vườn hoa Bảo Đại, ta có thể thấy hình ảnh chiếc điếm canh cũ, ở vị trí Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Hải Dương hiện nay.

Ở cửa ô phía bắc, trước cổng Trường nam tiểu học (nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu) có một vườn hoa hình tam giác. Chiếc điếm canh nằm ngay ở đỉnh vườn hoa (nay là trụ sở Công an phường Quang Trung). Khi hữu sự, chiếc điếm canh này là nơi xét hỏi giấy tờ những người dân từ đò Hàn đi vào thành phố. Ở cửa ô này, đi hết Trường nam tiểu học, ta gặp con đê bằng đất, bề mặt chừng 2 m, đủ để cho một chiếc xe bò qua lại (nay là phố Nguyễn Công Hoan). Phía bắc đê là con đường đi tới nhà thương (bệnh viện). Hai bên đường toàn là ruộng trũng, không có nhà cửa, song con đường này lại là nơi để lại nhiều kỷ niệm đối với học sinh vì có hai hàng phượng vĩ đỏ rực trời. Con đường ra ga cũng vậy. Hai bên đường không có nhà dân và cũng chỉ là những thửa rộng với cống Ba Cửa nước trong xanh vắt ngang qua. Khi đi hết cạnh tam giác của vườn hoa thì ở phía tay phải có mấy cây gạo cổ thụ hoa đỏ rực trời mỗi khi hè về. Ở con đê phía trái đường ra ga có một văn chỉ nằm trên một bãi rộng là nơi hướng đạo sinh thường đến vui chơi, sinh hoạt hát ca.

Ở cửa ô phía đông trên đường 5 phía trước cửa trại lính khố xanh (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) cũng có một điếm canh như vậy. Điếm canh nằm ven con đê đất, nay là đường Thanh Niên. Giới trẻ Hải Dương xưa thường qua cửa ô này để đi tới vườn hoa Đu Đủ bên trái đường 5 hoặc vườn hoa Bến Bè (còn gọi là vườn hoa Tholance) bên đường 5.

Cửa ô phía tây nam nằm ở vị trí Nhà máy Chai ven sông Kẻ Sặt trên đường đi Ninh Giang qua cầu Cất. Con đường này thời tạm chiếm dày đặc đồn bốt nên người dân ngại đi qua. Nông dân quê ở Tứ Kỳ, Gia Lộc mang sản phẩm lên thành phố bán thường qua đò Gốc Mít, đường tắt gần và an toàn hơn. Đò Gốc Mít ở mé cầu Hồng Quang hiện nay. Qua đò là đến phố Kho Bạc đi thẳng tới chợ, rất tiện lợi.

Cửa ô phía tây nằm trên đường số 5, đi về hướng Hà Nội. Hồi đó chưa có Nhà máy Sứ. Ở vị trí này trước kia là khu phố Đông Hòa (còn là xóm Đề Cầu hay xóm Đúc Đồng). Sau toàn quốc kháng chiến, phố này toàn nhà tranh bị đốt phá, chỉ còn lại ngôi chùa, là nơi địch đóng quân.

Cửa ô thứ năm chính là nơi có điếm canh đối diện với vườn hoa Bảo Đại - hồi đó chưa có đường Hồng Quang. Điếm canh đó chỉ kiểm soát người từ Phượng Cáo, Cô Đông, Cô Đoài mang rau vào thành phố qua đường Hoàng Hoa Thám hiện nay. Đường phố này một bên là tường bao của Nhà máy Rượu, phía đối diện là cánh đồng rau. Trong ảnh từ vườn hoa Bảo Đại nhìn thấy tháp nước mà không có công trình xây dựng nào che khuất.

Năm cửa ô này rất gần nhau, cách không quá 1 km. Riêng quốc lộ 5 đi qua thành phố có tới ba điếm canh, ba cửa ô. Điều này chứng tỏ trong 62 năm Pháp thuộc (từ năm 1883-1945) và 8 năm tạm chiếm đô thị Hải Dương phát triển với tốc độ rất chậm, diện tích tăng từ 3 km2 lên 9 km2, dân số tăng từ 10 nghìn người lên 30 nghìn người. Trong khi đó, từ sau giải phóng đến nay với số thời gian ít hơn (59 năm) diện tích tăng từ 9 km2 lên 71 km2, dân số tăng từ 30 nghìn người lên 279 nghìn người.

Trước năm 1804, lỵ sở của tỉnh Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn hay doanh Vạn. Sau đó rời về Mao Điền (Cẩm Giàng). Năm 1804 (năm Gia Long thứ 3), để củng cố bộ máy cai trị, nhà Nguyễn đã phân chia lại địa giới hành chính của cả nước, do vậy lỵ sở Hải Dương đã được rời từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, thuộc địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao. Một ngôi thành sở được Tổng đốc Trần Công Hiến cho khởi công để làm trụ sở bộ máy và đồn trú quân sự, gọi là Thành Đông, với mục tiêu vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông Kinh thành Thăng Long. Thành Đông lúc này là 1 trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn. Đây được xem như thời điểm khởi lập của TP Hải Dương.


LƯU ĐỨC Ý