Kiến nghị giãn tiến độ nâng cấp đường Hồ Chí Minh
Tin tức - Ngày đăng : 09:56, 31/10/2013
Ngày 30-10, QH bước vào ngày làm việc thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng như giãn tiến độ nâng cấp đường Hồ Chí Minh, quy hoạch mạng lưới thủy điện...
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết
của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh
Theo báo cáo bổ sung và giải trình kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện của Chính phủ, việc đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng công suất của các nhà máy thủy điện đã vận hành là 14.240,5 MW, bình quân hằng năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 50 tỷ kWh, tương đương khoảng 37,5% nhu cầu điện của cả nước hiện nay. Cho đến nay, các địa phương có dự án, công trình thủy điện trên cả nước đã được rà soát quy hoạch và kết quả rà soát đã làm rõ được một số yêu cầu của Nghị quyết số 40/2012/QH13. Việc quản lý chất lượng các dự án thủy điện nhìn chung bảo đảm yêu cầu, đạt hiệu quả tổng hợp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tuân thủ quy định của pháp luật. Đối với một số dự án thủy điện xảy ra sự cố, hư hỏng về công trình, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh liên quan đã kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý để bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu tác động tiêu cực, hỗ trợ thỏa đáng các thiệt hại do dự án gây ra; yêu cầu kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan.
Cơ bản thống nhất một số giải pháp của Chính phủ về việc quản lý chất lượng, an toàn công trình thủy điện, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới đầu tư xây dựng, vận hành đập và hồ chứa thủy điện, cụ thể là các quy định về kiểm định, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, ứng phó sự cố xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập...
Dự án đường Hồ Chí Minh là tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch thứ 2 chạy dài xuyên suốt Việt Nam, góp phần giảm tải cho quốc lộ 1 thường xuyên ách tắc; đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đến năm 2010 phải nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến đất mũi Cà Mau với quy mô 2 làn xe và đến năm 2020 nâng cấp tuyến đường đạt tiêu chuẩn cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn, nhiều dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ thi công. Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án đường Hồ Chí Minh theo hướng: lùi thời gian hoàn thành việc thông tuyến từ Pác Bó đến đất mũi Cà Mau sang năm 2015; các đoạn tuyến còn lại và một số cầu hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020; tăng chiều dài toàn tuyến thành 3.183 km (thay đổi tăng 16 km so với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167 km tại Nghị quyết 38/2004/QH11).
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đối với nội dung về chỉ định thầu, đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho rằng, cần đưa các quy định về tỷ lệ giảm giá thành nhằm tăng tính hiệu quả trong chỉ định thầu. Vấn đề tính tiết kiệm giảm giá nên xem là một tiêu chí cần thiết trong chỉ định thầu.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) kiến nghị Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với chỉ định thầu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong việc thẩm định, quyết định, nhất là đối với các gói thầu liên quan đến xây dựng cơ bản, vận dụng trường hợp khẩn cấp, cấp bách. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh cũng đề nghị Dự thảo luật bổ sung thêm các quy định về thời gian thực hiện gói thầu bởi trong thực tế, nhiều trường hợp chỉ định thầu vận dụng trường hợp khẩn cấp, cấp bách nhưng kéo dài thời gian thi công trong quá trình thực hiện.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận về điều kiện đối với cá nhân tham gia đấu thầu; về ưu đãi trong đấu thầu; về mua thuốc của các cơ sở y tế...
Buổi chiều, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu.
Về phạm vi điều chỉnh, theo báo cáo, đa số ý kiến tán thành quy định trong luật hạn mức vốn nhà nước cụ thể. Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở tỷ lệ là 30% vốn nhà nước và quy định về quy mô vốn nhà nước cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền là 500 tỷ đồng; đề nghị hạ mức tỷ lệ vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, quy định mức vốn nhà nước xuống thấp hơn vì mức 500 tỷ đồng là rất lớn. Ý kiến khác đề nghị, quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định về mức giá trị tuyệt đối theo từng thời kỳ, bảo đảm tính ổn định của luật.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng: Việc quy định mức vốn nhà nước cụ thể ngay trong luật là cần thiết để bảo đảm việc áp dụng luật thống nhất, tránh tùy tiện, hạn chế việc ban hành văn bản hướng dẫn. Do vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ quy định như Dự án luật.
Hôm nay 31-10, QH họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015). Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi. |
TTXVN-AN