Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, đầu tư công
Tin tức - Ngày đăng : 17:45, 01/11/2013
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh): Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại
khiến Quốc hội lo lắng như bội chi ngân sách tăng ở mức cao làm nợ công và nợ Chính phủ tăng nhanh...
Đồng ý nâng bội chi ngân sách
Trong phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu Quốc hội (QH) đều đồng ý để Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách năm 2013 dự kiến lên 5,3% GDP. Tuy nhiên các đại biểu đều cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc chi ngân sách, đầu tư công.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, cử tri rất quan tâm lo lắng về số nợ nên đề nghị Chính phủ cần công khai nợ, nợ loại gì, thời hạn ra sao. “Hiện nay, nợ công của nước ta phải chi đầu tư vào cả các doanh nghiệp nhà nước, các dự án do QH phê duyệt. Vì vậy, Chính phủ phải quản lý rất chặt chẽ chi tiêu này. Chính phủ đã đạt được một số thành công bước đầu trong điều hành KT-XH nhưng cũng cần quan tâm gây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân. Hiệu quả của nền kinh tế vĩ mô phải phản ánh trong đời sống của nhân dân như thu nhập, an toàn thực phẩm, an ninh xã hội, thái độ phục vụ của bộ máy công quyền...", đại biểu An nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá vừa qua việc đều hành kinh tế của Chính phủ có những kết quả tốt như lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá ổn định làm tăng thêm niềm tin về đồng tiền Việt Nam; vàng, ngoại tệ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật... Tuy nhiên, theo đại biểu Ngân vẫn còn tồn tại khiến QH lo lắng như bội chi ngân sách tăng ở mức cao làm nợ công tăng nhanh. Vì vậy, Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp; chính sách tài khóa cần chặt chẽ và nâng cao kỷ luật ngân sách; cần thắt lưng buộc bụng các khoản chi tiêu dùng để chi đầu tư phát triển.
Dứt khoát thoái vốn lĩnh vực không cần thiết
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị, phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015 cổ phần hóa 337 doanh nghiệp, nhưng đến nay chỉ có 100 doanh nghiệp cổ phần hóa. Do vậy Chính phủ phải mạnh dạn hơn trong chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, xác định lĩnh vực, doanh nghiệp nào cần nuôi dưỡng, doanh nghiệp, lĩnh vực nào không cần thiết thì dứt khoát thoái vốn để dành nguồn lực cho những mục tiêu cần thiết hơn. “Đề nghị Chính phủ thành lập một ủy ban độc lập về tái cơ cấu với thành phần là các tổ chức, định chế, định giá, giám sát độc lập”, đại biểu Tuyết nói.
Cũng theo đại biểu Tuyết, khu vực doanh nghiệp tư nhân 9 tháng đầu năm có số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2012. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay. Doanh nghiệp sản xuất cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn trong điều kiện không còn tài sản thế chấp, ngân hàng cần có biện pháp hỗ trợ đặc thù, cho giãn nợ 24-36 tháng, cho trả lãi cuối kỳ hoặc phân kỳ trả lãi phù hợp.
Số liệu trong báo cáo về cơ bản có thể tin cậy
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu QH về số liệu báo cáo của Chính phủ “màu hồng”, cần khách quan hơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, chỉ có 140 trong tổng số 350 chỉ tiêu quốc gia là được giao cho ngành thống kê, còn lại là các bộ, ngành tự chịu trách nhiệm tính toán số liệu của ngành mình. Những con số do Tổng cục Thống kê công bố về cơ bản là chấp nhận được. Còn chính xác thì không thể tuyệt đối vì còn tùy thuộc vào nguồn cung cấp, do các bộ, ngành không có bộ phận thống kê riêng mà ở dưới, địa phương báo lên nên có thể có sai sót. "Về cách tính GDP, đại biểu lo lắng sợ dự báo GDP năm 2013 là 5,4% của Chính phủ là màu hồng quá thì tôi cho rằng con số này là khiêm tốn và có căn cứ. 9 tháng đầu năm, GDP của chúng ta đạt 5,14%. Vì vậy, GDP cả năm đạt 5,4% là hoàn toàn khả thi", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Về tình hình nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, không dùng tiền ngân sách để mua bán nợ. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Về Công ty Quản lý tài sản (VAMC), các nước đều có công ty tương tự như vậy, người ta sử dụng lượng tiền lớn để tiến hành mua lại nợ của các tổ chức tín dụng, ta có nhiều khó khăn nên không thể rập khuôn kinh nghiệm của nước bạn nên phải có cơ chế chính sách phù hợp. Việc mua bán nợ của VAMC không sử dụng tiền của ngân sách, các khoản nợ mà VAMC đã mua lại thì không tính vào nợ xấu của doanh nghiệp, do vậy tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mới. VAMC mua nợ về sẽ tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ cả về lãi suất, về tính chất nguồn vốn, thời hạn vay... Đến nay, VAMC đã mua được 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu, phấn đấu cả năm mua được 30-35 nghìn tỷ đồng, đến năm 2014 mua được 100 - 150 nghìn tỷ đồng, tạo ra thị trường mua bán nợ tập trung”.
Về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng đạt 6,8%. Nếu tính cả phần dư nợ tín dụng đã được xử lý thì thực tế tăng trưởng tín dụng mới của nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2013 là 7,89%. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong những năm vừa qua cũng như kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng thì có cơ sở tăng trưởng tín dụng chung của cả năm là 11-12%.
Chiều 1-11, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện và dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đánh giá báo cáo Chính phủ đã nêu rõ được vai trò của thủy điện đối với xã hội, môi trường, an ninh năng lượng nhưng cũng như sự ảnh hưởng đến đời sống KT-XH (mất diện tích rừng, lụt do xả lũ...). Tuy nhiên, đại biểu Nga cho rằng, Chính phủ cần nêu rõ trách nhiệm của các cấp quản lý trong vấn đề quy hoạch thủy điện; đánh giá rõ những thiệt hại đối với các dự án thủy điện đã được triển khai nhưng bị bỏ...
Đại biểu Lê Minh Trọng (Tây Ninh) cũng cho rằng Chính phủ cần cân nhắc thêm việc xây dựng các dự án thủy điện nhỏ, các dự án thủy điện cực nhỏ bởi thực tế hiện nay hiệu quả của nhiều dự án thủy điện chưa cao, "thủy điện thì nhỏ nhưng phá rừng thì lớn". Đồng thời, việc xây dựng các thủy điện cần phải gắn liền với vấn đề môi sinh, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng phạm vi điều chỉnh của luật cần quy định một cách toàn diện, quy định rõ những việc nào thuộc lĩnh vực công chứng, lĩnh vực nào thuộc về chứng thực. Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn nhưng cần có những quy định bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng Làm rõ trách nhiệm trong việc loại bỏ các dự án thủy điện Tôi tán thành với việc thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc loại bỏ 424 dự án thủy điện (TĐ), không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Tôi đề nghị cần làm rõ trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch TĐ, nhất là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch các dự án TĐ nhỏ. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc loại bỏ các dự án TĐ khỏi quy hoạch gây tốn kém, lãng phí nguồn lực; không thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình TĐ gây sự cố, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình TĐ; quản lý an toàn đập, hồ chứa đặc biệt là bổ sung quy định xử phạt vi phạm về an toàn đập, hồ chứa; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đập; cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, sau tái định cư công trình TĐ. Phối hợp, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý chất lượng xây dựng công trình TĐ; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, tích nước, điều tiết, xả nước các hồ chứa TĐ bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu sử dụng tổng hợp nguồn nước cho hạ du. Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư; nghiên cứu ban hành chính sách chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư, địa phương và người dân chịu tác động của công trình TĐ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai các đề án ổn định đời sống của người dân sau tái định cư công trình TĐ. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình TĐ... PV |
TTXVN-TT-TN-NA