Vụ mùa năm nay nhiều chỉ tiêu không đạt

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:47, 03/11/2013

Vụ mùa này năng suất lúa, diện tích vùng tập trung, cơ cấu trà lúa... đều không đạt kế hoạch đề ra.


Năng suất lúa giảm nhiều


Theo Cục Thống kê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa mùa ước đạt 55 - 55,02 tạ/ha (kế hoạch 58 tạ/ha), giảm khoảng 3 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái (58,01 tạ/ha); tổng sản lượng ước đạt 343,6 nghìn tấn, giảm 20,6 nghìn tấn. Nếu đúng như ước tính thì năng suất lúa vụ này sẽ thấp nhất trong các vụ mùa từ năm 2009 đến nay.


Chuột gây hại mạnh khiến năng suất lúa mùa giảm. Trong ảnh: Nhiều hộ dân ở xã Cẩm La (Kim Thành)
mất mùa do bị chuột hại



Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân khiến năng suất lúa mùa không đạt kế hoạch và giảm so với nhiều vụ trước, trước hết là do thời tiết vụ này có nhiều yếu tố bất lợi tác động xấu tới quá trình sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn giữa đến cuối vụ mưa nhiều, số giờ nắng ít, không thuận lợi cho lúa sinh trưởng. Do đợt mưa lớn vào cuối tháng 7 nên gần 540 ha lúa mùa muộn, một phần lúa mùa trung bị thiệt hại nặng, nhiều diện tích lúa bị chết 30-70%, nhiều ruộng lúa bỏ trắng vì không còn mạ để cấy dặm và hết thời vụ. Đợt mưa to kéo dài vào đầu tháng 9 lại khiến một phần diện tích lúa mùa trung đã trỗ bông thụ phấn kém, tỷ lệ hạt lép 15-20%.

Năng suất lúa giảm còn do chuột hại nhiều hơn so với vụ mùa trước. Vụ mùa năm ngoái, chuột chỉ hại 1.500 - 2.000 ha nhưng vụ này hại hơn 3.000 ha. Lý giải nguyên nhân chuột hại mạnh, ông Phạm Nguyễn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Việc diệt chuột ở nhiều địa phương đang bị suy giảm trong khi tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ. Các tổ diệt chuột ở nhiều nơi gặp khó khăn do một số người dân không trả công kịp thời nên họ không mặn mà. Lượng đàn mèo nuôi giảm cũng khiến chuột sinh sôi nhiều hơn”. Ngoài ra, bệnh vàng lụi do vi-rút cũng gây hại 37 ha ở các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Ninh Giang. Những diện tích bị hại nặng đã không cho thu hoạch. Đây là loại bệnh không mới nhưng chưa có thuốc đặc trị. Khi cây bị bệnh chắc chắn sẽ giảm năng suất. Đối tượng gây truyền bệnh là rầy xanh đuôi đen, thường gây hại ở giai đoạn cây mạ. Việc phát hiện rầy xanh đuôi đen khó khăn do màu thân của đối tượng này trùng với màu xanh lá mạ.


Lúa yếu cây, đổ ngả đã gây nhiều khó khăn cho việc thu hoạch bằng máy


Vụ này, toàn tỉnh có 34.892 ha lúa chất lượng cao, chiếm 55,8% tổng diện tích, tăng 1.823 ha so với vụ mùa trước. Diện tích lúa thuần có 24.817 ha, chiếm 39,7%, giảm 2.002 ha so với năm trước. Diện tích lúa lai 2.762 ha, chiếm 4,2%, tương đương với vụ mùa 2012. Diện tích lúa thuần giảm, lúa chất lượng cao tăng cũng khiến năng suất giảm vì lúa chất lượng cao thường cho năng suất thấp hơn lúa thuần.

Tình trạng bỏ hoang ruộng tăng

Một hạn chế khác ở vụ mùa này là không đạt chỉ tiêu về quy vùng sản xuất tập trung và cơ cấu trà lúa, chưa ngăn chặn được tình trạng bỏ hoang ruộng.

Toàn tỉnh có 5.793 hộ bỏ ruộng với diện tích 297 ha, tăng 48 ha so với vụ mùa 2012. Các địa phương có nhiều diện tích đất bỏ hoang là Chí Linh gần 53,8 ha, Gia Lộc gần 47,3 ha, Tứ Kỳ 43,6 ha, Kim Thành gần 40 ha. Đặc biệt, ở 2 huyện đã có tình trạng nông dân làm đơn xin trả lại đất nông nghiệp được giao ổn định, lâu dài (còn gọi là ruộng 03). Tại huyện Thanh Miện có 10 hộ xin trả ruộng 03 với tổng diện tích 0,45 ha. Huyện Kim Thành có 6 hộ xin trả ruộng với tổng diện tích 0,45 ha.

Thực hiện dự án “Phát triển giống lúa và vùng lúa hàng hóa tập trung giai đoạn 2012-2015”, vụ này tỉnh giao cho cấp huyện sản xuất 2.500 ha lúa chất lượng cao tập trung (quy mô tối thiểu 10 ha/vùng). Tuy nhiên, các huyện, thị xã, thành phố chỉ thực hiện được gần 500 ha. Vì cấp huyện không đạt chỉ tiêu nên kế hoạch diện tích sản xuất lúa tập trung toàn tỉnh cũng không đạt mặc dù diện tích vùng sản xuất tập trung do cấp tỉnh thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh chỉ có khoảng 3.870 ha lúa tập trung, đạt 77% kế hoạch. Cấp huyện không hoàn thành kế hoạch do việc quy vùng tối thiểu 10 ha/vùng “khó làm” trong khi chính sách hỗ trợ không hơn so với quy vùng với diện tích nhỏ hơn. Cùng lúc đó, cấp huyện cũng có vùng tập trung quy mô nhỏ hơn, chính sách hỗ trợ tương đương với mô hình tỉnh giao. Do vậy, tình trạng "dễ làm, khó bỏ" xảy ra ở nhiều địa phương là điều dễ hiểu. Đây chính là một bất cập trong chính sách quy vùng sản xuất tập trung.

Khi triển khai sản xuất, tỉnh ta đặt kế hoạch gieo cấy 62.500 ha, trong đó trà mùa sớm chiếm 35%, mùa trung 62%, mùa muộn 3%. Dù không bị chậm thời vụ như vụ mùa trước nhưng cơ cấu trà lúa vụ này vẫn không đạt kế hoạch đề ra. Trà mùa sớm chỉ chiếm 27,1%, mùa trung 69,5%, mùa muộn 3,4%. Điều đó cho thấy việc chỉ đạo của cơ quan chức năng để giảm trà mùa trung, tăng trà mùa sớm vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Tình trạng đất lúa bỏ hoang đã được “báo động” từ một số vụ lúa trước. Một số địa phương cũng có những giải pháp tích cực khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, những cố gắng đó không đủ ngăn chặn xu hướng bỏ hoang ruộng ngày càng lan rộng do chi phí sản xuất cao, lợi nhuận không đáng kể, thậm chí thua lỗ. Việc bỏ hoang ruộng xảy ra tại 86 xã ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố.

Những hạn chế ở vụ mùa này cần được cơ quan chức năng rút kinh nghiệm để làm cơ sở chỉ đạo ở những vụ sản xuất tiếp theo. Đối với chuột hại, các địa phương cần tổ chức các đợt diệt chuột đồng loạt, duy trì tốt và thành lập các tổ diệt chuột, tích cực nuôi mèo, hỗ trợ kinh phí để đánh chuột. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân cần kiểm tra rầy nâu đuôi đen là vật môi giới truyền bệnh vàng lụi. Rầy nâu đuôi đen thường gây hại ở giai đoạn mạ nên nông dân cần dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ, phòng ngừa không để lúa nhiễm bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Sở Tài chính, UBND cấp huyện có cơ chế tháo gỡ vướng mắc khi hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, tránh tình trạng "dễ làm, khó bỏ" như vụ vừa qua. Việc đề ra mục tiêu cơ cấu trà lúa cũng cần kèm theo các giải pháp khả thi để bảo đảm đạt kế hoạch đề ra. Khắc phục tình trạng bỏ hoang ruộng đòi hỏi chính quyền địa phương không chỉ dừng lại ở việc vận động, giao cho các hội viên của đoàn thể mà cần bằng chính sách hỗ trợ, gắn với dồn điền, đổi thửa, quy vùng sản xuất tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp...

NINH TUÂN