Công ty Hoàng An làm dân bất an

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:27, 05/11/2013

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Hoàng An nổ mìn khai thác đá ở núi Thần khiến người dân khu 2, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) rất lo lắng.




Người dân sống gần chân núi lo sợ những tảng đá lớn lăn xuống nhà


Nhiều hòn đá văng vào nhà dân, nhà cửa bị nứt, những tiếng nổ lớn kèm theo làn bụi dày đặc trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người.

Hiểm họa trên đầu

Hàng chục hộ dân khu 2 định cư sát chân núi Thần. Hiện nay, Công ty TNHH Hoàng An đang khai thác đá vôi đến phần cuối mặt phía nam của ngọn núi này. Từ nhà dân sát chân núi đến công trường khai thác đá khá gần nên thỉnh thoảng lại có những hòn đá văng vào mái nhà, sân, vườn của người dân. Việc nổ mìn khai thác đá thường diễn ra vào buổi trưa.

Chúng tôi được người dân địa phương cho biết, nhiều trường hợp bị đá văng vào nhà, sân, vườn như gia đình các ông, bà: Nguyễn Thị Gại, Vũ Thị Bình, Trương Thị Hà, Vũ Quang Trung, Phí Văn Dư, Hoàng Văn Thanh, Đỗ Thị Biển. May mắn chưa có ai bị thương. Bà Nguyễn Thị Gại, nhà cách chân núi khoảng 200 m kể: “Có lần đang trên đường về nhà, tôi suýt bị một hòn đá văng vào người. Đến giờ nổ mìn, tôi phải cho con cháu vào hết trong nhà”. Năm ngoái, nhà ông Vũ Quang Trung bị một cục đá to hơn ấm đun nước rơi xuống nhà mái bằng. Ông Trung còn bê hòn đá để chụp ảnh nhằm giữ lại làm bằng chứng. Một cục đá có kích cỡ khoảng 30×20 cm rơi chỉ cách căn nhà bà Trương Thị Hà khoảng 5 m. Hiện nay, hòn đá này vẫn để ở vườn. Một số người dân cho biết thêm, Công ty TNHH Hoàng An đã phải đền bù cho mấy nhà bị đá rơi.

Một mối hiểm họa khác luôn lơ lửng trên đầu những hộ dân sống sát chân núi. Đó là một khối đá lớn lên tới hàng chục m3 chênh vênh trên đỉnh núi do cấu tạo tự nhiên và bị khai thác một phần. Lo lắng nhìn tảng đá lớn có thể đổ sập xuống, bà Đỗ Thị Biển nhà sát chân núi nói: “Nhà tôi nhiều lần bị đá văng vào. Nếu tảng đá kia rơi xuống thì không biết hậu quả sẽ ra sao?”. Theo quan sát của chúng tôi, dưới chân núi có một hố để chứa đá bị sạt lở. Hố này được đắp bờ để ngăn không cho đá lăn xuống khu dân cư. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn sợ rằng khi tảng đá lớn ở đỉnh núi trượt xuống thì sẽ lăn qua cả bờ ngăn để vào khu dân cư. Ông Tô Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cũng nhận định: “Công ty TNHH Hoàng An đã làm hố ngăn an toàn nhưng chỉ khắc phục hạn chế đá rơi tự do còn sạt lở lớn không ngăn được, vẫn còn tiềm ẩn nguy hiểm”.

Ngoài mối nguy đá lở ở khu dân cư, giáo viên và học sinh Trường THPT Nhị Chiểu cũng lo ngại bị những tảng đá lớn rơi vào trường học. Những khối đá tự nhiên ở sát trường học vốn đã chênh vênh, nếu bị tác động bởi rung chấn khi nổ mìn cũng là một hiểm họa.

“Động đất” hằng ngày

 “Có lần đang trên đường về nhà, tôi suýt bị một hòn đá văng vào người. Đến giờ nổ mìn, tôi phải cho con cháu vào hết trong nhà”.

NGUYỄN THỊ GẠI, nhà cách chân núi Thần khoảng 200 m

Mỗi khi Công ty TNHH Hoàng An nổ mìn khai thác đá, nhiều nhà dân lại rung lên như có động đất. Các hộ dân có nhà cửa bị nứt ở gần núi Thần cho rằng, rung chấn khi nổ mìn làm nứt nhà họ. Anh Phạm Văn Thắng dẫn chúng tôi thăm căn nhà mình cách chân núi khoảng 60 m. Anh xây nhà này từ năm 2005, đến năm 2009 thì phát hiện nhà bắt đầu bị nứt rạn chân chim. Trên tường tầng 1, tầng 2 đều có nhiều chỗ bị nứt. “Nhà bị nứt rạn chân chim thì không thể do móng nhà được mà chỉ do ảnh hưởng rung chấn nổ mìn. Cả đời mới làm được cái nhà, giờ lại bị nứt, tôi ức lắm...”, anh Thắng bức xúc. Do bị nứt nhiều chỗ nên khi mưa to, nước mưa chảy tràn vào nhà. Nhiều  hộ khác sống gần chân núi như các ông, bà: Trương Thị Oanh, Nguyễn Thị Gại, Phạm Văn Thắng, Trương Thị Hà, Lê Hồng Quảng, Lê Thị Liên, Đỗ Thị Biển, Trần Thị Lê… cũng bị nứt nhà và công trình khác.

Thời điểm nổ mìn vào lúc giữa trưa nên nhiều người dân ở khu 2 không có một giấc ngủ trưa yên bình từ nhiều năm qua. Không chỉ có vậy, sau mỗi đợt nổ mìn, làn bụi bao phủ khu dân cư khiến không khí rất ngột ngạt. Năm 2012, một đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã lấy mẫu khí thải cách vị trí đánh mìn 400 m về cuối hướng gió (cạnh khu dân cư thị trấn Minh Tân) của Công ty TNHH Hoàng An. Kết quả phân tích cho thấy thông số bụi tổng vượt 1,1 lần quy chuẩn cho phép.

Phải sớm chấn chỉnh

Từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ dân khu 2 đã có đơn đề nghị gửi UBND thị trấn Phú Thứ, mong sớm được giải quyết tình trạng trên. UBND thị trấn Phú Thứ cũng có nhiều lần làm việc với Công ty TNHH Hoàng An, đề nghị doanh nghiệp phải bảo đảm an toàn, môi trường khi khai thác đá. Tuy nhiên tình trạng đá văng, bụi, rung chấn mạnh khi nổ mìn vẫn xảy ra.

Ngày 26-9 vừa qua, tổ công tác của UBND tỉnh đã kiểm tra việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Hoàng An. Tổ công tác đã phát hiện công ty này có một số vi phạm về bảo vệ môi trường như: chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường (1,64 tỷ đồng), dầu thải, giẻ lau dính dầu ở mỏ chưa được thu gom triệt để. Tổ công tác đã yêu cầu công ty phải thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại, hoàn thiện thủ tục về môi trường theo quy định, thường xuyên tưới nước giảm bụi ở khu khai thác và đường vận chuyển.

Chúng tôi đã làm việc với ông Trần Đức Hanh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng An. Ông Hanh cho biết, công ty có làm hố, bờ bao an toàn, nếu đá rơi sẽ xuống hố. Nếu đá rơi hàng chục, thậm chí hàng trăm m3 sẽ nằm ở hố này, không lăn ra ngoài được. Theo ông Hanh, không có trường hợp nổ mìn khiến đá bắn trực tiếp xuống nhà dân mà chỉ có một số lần đá rơi xuống hố an toàn, rồi va chạm với nhau sau đó có hòn nhỏ văng vào nhà dân. Giám đốc Công ty TNHH Hoàng An cũng cho rằng, một số người dân do “thù oán” nên lợi dụng lúc công ty nổ mìn để lấy đá ném vào nhà người khác vì khi kiểm tra thấy đá rơi không đúng như hướng nổ mìn (?). Ông Hanh nói, khi nổ mìn có gây chấn động nhưng không đáng kể. Và việc nhà dân bị nứt chủ yếu có nguyên nhân do móng nhà và nhà xây từ lâu. “Trong quá trình khai thác cũng không thể tránh khỏi tiếng ồn, rung, bụi… Nếu đá văng không may gây mất an toàn cho người dân thì công ty sẽ đền bù”, ông Hanh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều nhà dân xây kiên cố 1-2 tầng, nhà xây chưa lâu cũng bị nứt rạn chân chim. Các nhà này đều xây trên nền móng chắc chắn nên lý do cho rằng việc nhà bị nứt là do móng, nhà xây từ lâu là thiếu căn cứ.

Nhiều hộ dân sống gần chân núi Thần đang bị nguy hiểm vì Công ty TNHH Hoàng An khai thác đá. Đề nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh ngay hoạt động khai thác đá của công ty này. Trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể để tính mạng người dân bị đe dọa.

 NINH TUÂN

Công ty TNHH Hoàng An (trụ sở tại thị trấn Minh Tân) có giấy phép khai thác khoáng sản (gia hạn) số 3023/GP-UBND ngày 21-8-2008 do UBND tỉnh cấp để khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ núi Thần. Diện tích mỏ được cấp là 9.160 m2, trữ lượng 672,8 nghìn m3, công suất khai thác 50 nghìn m3/năm, thời hạn khai thác 15 năm kể từ ngày 8-9-2008.