Cuộc sống ở "phố ung thư"
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:15, 09/11/2013
Từ nhiều năm qua, căn bệnh ung thư đe dọa và cướp đi sinh mạng của nhiều người dân khu phố Chợ Sáng, thuộc khu dân cư số 12 Ngọc Sơn, phường Phả Lại (Chí Linh).
Người dân nơi đây luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, không biết khi nào tử thần “gõ cửa” nhà mình.
Có những gia đình ở khu phố này cả nhà mắc bệnh ung thư
Khu Chợ Sáng nằm dưới chân cầu Phả Lại. Bất kỳ sáng hay chiều, không khí nơi đây luôn ngột ngạt bởi bụi bay lập lờ trong không khí. Nhiều nhà dân đóng cửa im lìm hoặc chỉ mở hé vừa đủ đi lại để hạn chế bụi bay vào nhà. Khu Chợ Sáng có hơn 100 hộ. Hơn chục năm nay "tử thần ung thư" luôn đe dọa họ.
Theo sự giới thiệu của ông Nguyễn Mạnh San, Phó trưởng khu dân cư số 12 Ngọc Sơn, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Ngọt, cách chợ khoảng 100 m. Trước đó, tôi được ông San cho biết, gia đình bà Ngọt khổ nhất, thương tâm nhất trong khu, vì chồng, con bà đều đã chết vì căn bệnh ung thư, bà cũng đang bị ung thư não. Khi chúng tôi đến, hàng xóm phải gọi 3 - 4 lần mới thấy bà Ngọt ra mở cửa. Dáng người gầy gò, ốm yếu, bà Ngọt rưng rưng nước mắt: “Đời tôi khổ lắm!". Ngoài 40 tuổi, bà Ngọt mới sinh được một con. Ít năm sau chồng bà là ông Phạm Văn Nghị bị ung thư, chẳng bao lâu thì mất. Hai mẹ con bà Ngọt rau cháo nuôi nhau. Khi con trai bà là Phạm Văn Tùng khôn lớn, những tưởng bà sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng rồi cũng chết vì ung thư hạch. Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con, bà Ngọt lại nhận thêm một hung tin nữa là chính bà cũng mắc bệnh ung thư não. Bà Nguyễn Thị Sớm, hàng xóm với bà Ngọt cho biết: “Bà ấy sống một mình, bệnh tật hành hạ chẳng biết sống chết thế nào. Sáng nào chúng tôi cũng sang gọi cửa, khi nào nghe tiếng bà ấy trả lời, chúng tôi mới thở phào, yên tâm”. Bà Ngọt hiện không thể lao động được nên chỉ trông chờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của bà con hàng xóm.
Gần nhà bà Ngọt là nhà bà Nguyễn Thị Kim cũng có chồng mới chết cuối năm 2012 vì bị ung thư gan. Bà Kim kể: “Thấy ông ấy có biểu hiện mệt mỏi, da vàng bủng nên mọi người động viên đi khám bệnh thì đã bị ung thư gan giai đoạn cuối rồi. Từ khi phát hiện bệnh đến khi chồng tôi mất chỉ có 20 ngày”.
Cách đó mấy nhà mẹ con chị Hoàng Thị Vân và Phạm Văn Thành cũng đều đã chết vì bị ung thư. Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Doan, chết vì bệnh ung thư đại tràng để lại 3 con nhỏ, trong đó có một cháu mới chào đời cũng rất thương tâm.
Ông San cho biết: Từ năm 1996 trong khu đã xuất hiện những ca ung thư đầu tiên và từ đó trở đi số người mắc ung thư ngày càng nhiều hơn. Đến nay, trong khu có 34 người bị ung thư não, dạ dày, hạch, vòm họng, gan, máu, phổi, đại tràng… 28 người đã chết, người trẻ nhất là 20 tuổi, người già nhất ngoài 60 tuổi, còn lại chủ yếu ở độ tuổi từ 30 - 55. Một số gia đình có từ 2 - 3 người bị bệnh ung thư. Hoàn cảnh của những gia đình có người ung thư phần lớn đều khó khăn, nhiều nhà kinh tế kiệt quệ vì chữa bệnh ung thư cho người thân.
Sợ hãi
Ông Hoàng Văn Vi, một người dân trong khu cho biết: “Khi thấy trong khu ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư, chúng tôi rất hoang mang. Những gia đình ở xung quanh Công ty TNHH Thiên Lộc bị ung thư nhiều nhất. Khu đất này trước đây của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 18 liên doanh với Công ty Tấm lợp Đông Anh chuyên sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng. Từ năm 1992, trong quá trình sản xuất đã xả bụi ra môi trường không khí, nước thải được đổ ra sông, còn nhiều tấn bã thải được chôn lấp dưới đất làm nền đường. Năm 2006, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị Công ty Tấm lợp Đông Anh không sản xuất nữa. Cuối năm 2010, công ty này mới dừng hoạt động. Sau đó, Công ty TNHH Thiên Lộc tiếp quản hoạt động sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng có chất a-mi-ăng gây ung thư nên chúng tôi mới phản đối để bảo vệ sức khỏe cho người dân trong khu. Hiện nay, công ty này đã tạm dừng sản xuất”.
Ông San cho biết thêm: Người dân trong khu lúc nào cũng sống trong tâm trạng sợ hãi. Nhiều người dân hiện nay sợ không dám đi khám bệnh, vì không đi khám còn đỡ lo, còn yên tâm sống. Nhiều gia đình có người chết vì ung thư, sợ quá đã khóa cửa bỏ không, chuyển đi nơi khác sinh sống, nhiều gia đình treo biển bán nhà mấy năm nay không có người mua như nhà ông bà Hà - Thêm, nhà ông bà Dung - Sơn, nhà ông bà Việt - Bảy, nhà chị Hạnh, nhà anh Thảo, nhà chị Hiền, nhà anh Tràng... Đáng chú ý, những gia đình này đều nằm cùng một dãy phố dài chưa đầy 200 m. Những gia đình không có điều kiện chuyển đi thì chăng rèm, lắp hai lớp cửa để ngăn bụi bay vào nhà. Còn mỗi khi ra ngoài, ai cũng mặc quần áo, đeo khẩu trang kín mặt. Bà Đinh Thị Sơn, một người dân có nhà ở mặt đường cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đeo khẩu trang, kể cả ở trong nhà cũng như khi ra ngoài đường, không thì tối về tắc mũi, ngạt thở không ngủ được”.
Ngày 4-11, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Thiên Lộc tạm dừng vận hành thử nghiệm nhà máy sản xuất tấm lợp phi-brô xi-măng cốt sợi tổng hợp để xây dựng hoàn thiện các hạng mục công trình phục vụ sản xuất và công trình xử lý môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân bệnh ung thư ở khu phố Chợ Sáng. Người dân rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, có biện pháp khắc phục triệt để.
VIỆT CƯỜNG