“Bông hoa rừng” năm ấy

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:53, 12/11/2013




Minh họa: Văn Hà


Thật bất ngờ, tôi bỗng gặp lại Nghìn trong chuyến đi của đoàn cựu chiến binh về thăm lại Trường Sơn, mảnh đất chiến trường xa cũ. Đã qua đi gần ba mươi năm, chả ít. Nhưng chỉ đôi phút ngỡ ngàng, tôi đã nhận ra em. Cô “lính thông tin” thuộc Bộ Tư lệnh tiền phương thuở trước. Nghìn vẫn giữ được nét xưa. Một gương mặt đẹp. Đôi mắt đen, sáng. Nhất là nước da trắng hồng với cái mũi dọc dừa nom thật thông minh, quyến rũ.

Buổi ấy, là phóng viên của tờ tin Mặt trận, tôi thường lui tới đơn vị thăm Nghìn. Bởi Nghìn nổi tiếng nhan sắc, lại có giọng hát thật quyến rũ. Phải nói, Nghìn bị nhiều anh “bết” đến mê mệt. Nhưng Nghìn đã có người yêu. Mối tình cao đẹp của Nghìn đã gây tiếng vang trong đơn vị. Bởi Nghìn và người yêu của cô đang cùng học một trường phổ thông. Họ cùng lấy máu viết đơn tình nguyện xin lên đường giết giặc. Và một ngày, họ đã cùng nhau “hát khúc quân hành”, cùng xung phong vào mặt trận phía Nam…

Tôi nhớ, buổi đơn vị chốt ở cửa rừng. Một sớm, trên đèo Phu-la-nhích, máy bay B52 của Mỹ bất ngờ rải thảm dọc cua tay áo. Giữa đạn bom ác liệt, tuyến dây trần bị đứt. Nhiệm vụ đặt ra lúc này: “Phải kịp thời nối liền mạch máu thông tin phục vụ các đơn vị chiến đấu”. Nghìn đã dũng cảm cùng đồng đội xông ra nối dây và cô bị thương. Hôm ấy, Nghìn và ba chiến sĩ được đưa về trạm cấp cứu tiền phương. Tôi đến thăm và có bài viết về Nghìn, gương dũng cảm kiên cường của một nữ chiến sĩ thông tin. Tôi nhớ sau những ngày dài nằm hôn mê bất tỉnh, buổi nắm tay Nghìn, giã biệt em, tôi nhận lệnh cùng đơn vị tiếp tục đi sâu vào mặt trận. Nghìn chợt mở mắt nhìn tôi. Vết thương trên bả vai còn thấm máu. Một mảng da bên mặt cháy sẹm. Đôi mắt đen chợt mở, Nghìn nói, giọng run rẩy câu gì không rõ.

- Thấm thoắt, vậy mà đã ba chục năm rồi. Nhà báo vẫn nhận ra em ư?

- Quên sao được người đẹp. Bông hoa rừng một thuở kia mà !

- Vâng. Hoa rừng. Nhưng bi kịch lắm anh à.

Xe dừng. Tôi chọn phiến đá ngồi xuống bên Nghìn. Quả tình, đã mấy chục năm, buổi gặp người lính xinh đẹp này trên đường 559 của mặt trận Trường Sơn, tôi chỉ kịp hiểu đôi nét. Nghìn, người đồng hương cùng huyện với tôi. Quê em vùng trồng lúa và có nghề làm nón nổi tiếng. Nghìn có mối tình đẹp. Hình ảnh Nghìn với người yêu được tờ “Tuổi trẻ” đăng trên cột báo với cái tít “Tình yêu và trận tuyến diệt thù” đã làm em nổi tiếng.

- Vậy, bây giờ thế nào? - Tôi hỏi Nghìn- Anh ấy? À, người yêu em thuở binh nhất, binh nhì ấy?

- Anh muốn hỏi về chuyện tình của em từ một bài báo xa xưa kia ư? Ôi, chuyện dài lắm. Vạn vật và thời gian. Ở đời, sự biến cải thật khó lường anh ạ…

Nghìn bỗng im bặt. Giây lát, Nghìn quay sang tôi, giọng trầm hẳn.

- Anh ạ. Sau trận bị thương ở phía cửa rừng, Nghìn, “bông hoa rừng” bị ném vào xa xót. Cái xa xót riêng thân phận Nghìn gánh chịu. Trước hết Nghìn, “cánh hoa” như các anh thường gọi đã bị lửa bom thiêu cháy. Vết thương trên mặt và vai đã bắt Nghìn lìa xa đồng đội, bắt Nghìn phải chuyển về điều trị ở tuyến sau. Ở quân y viện, Nghìn bỗng gặp “người yêu thuở ban đầu” gọi là thiêng liêng, cao đẹp kia. Nhưng thoáng trong cảm nhận, Nghìn thấy gì đã khác. Tại sao chiến trường đang dữ dội từng giờ từng phút? Anh bị thương hay kiếm cớ nào đã quay lại hậu phương? Y rằng “người yêu em” chỉ vội vàng nói với em đôi câu kiểu xã giao rồi giã biệt. Anh bảo, anh sẽ đi đào tạo một chuyên ngành nào đó ở nước ngoài. Sẽ xa em - Rồi, anh khuyên - Phía trước, chưa hiểu thế nào. Nhưng tốt nhất, mỗi người hãy chủ động chọn cho mình một hướng đi thích hợp… Thế là rõ. Thì ra thấy “bông hoa tã”, “anh ta” vội thay lòng. Thì ra người nhà “anh ta” lợi dụng kẻ đang nắm quyền hành, hèn, sợ chết, kéo anh lẩn trốn nơi hòn tên mũi đạn... Ôi! Với em, là con gái, tác phong lính từng đi qua trận mạc. Em “phăng-teo” tắp lự. Anh ạ. Thế là may. Bởi bộ mặt xấu của họ đã nhanh chóng phơi bày. Tiếc gì nữa cái con người “xanh vỏ đỏ lòng”. Em buồn ít. Nhưng thực tình cái làm em mặc cảm nhiều là sự mất đi dung nhan của người con gái, khó có thể xóa nhòa, anh ạ...

Nhiều năm qua, em đã không ít lần nhờ vào mỹ viện để tự tin hơn khi trở thành cô giáo bước lên bục giảng. Biết mình đã thiếu khuyết về dáng vẻ bên ngoài nhưng em có một tình yêu thật cuồng nhiệt với nghệ thuật. Em mê vẽ tranh, làm thơ, chơi đàn thập lục... Nguồn say mê ấy giải thoát cho em nhiều khoảng trống hồn mình. Em bám chặt vào nó như người tri kỷ ở đời. Đến nỗi, thật lòng, em thấy mình đã lạnh cứng khi nghĩ về yêu đương, chồng vợ. Em hận sự phản bội của người yêu cũ. Em không đủ tin vào những người đàn ông trong con mắt em nhìn. Vậy mà cứ tưởng “cái Nghìn mãi đứng im làm bà cô già hóa đá” như mọi người bỡn cợt. Ai dè, một thầy giáo, người đồng nghiệp, từng nhiều năm lặng thầm làm cây si lỡ thì nơi góc khuất lại buộc chặt đời em.

Số là, trong lần dự thao giảng các giáo viên dạy giỏi, Phái, tên thầy giáo, người cảm nhận qua thần giao cách cảm ở em một tâm hồn thật mộng mơ và đẹp. Rồi cơ duyên nào nữa không biết, một buổi, Phái đã cùng người học trò tìm đến tận nhà xem phòng tranh Nghìn vẽ. Một lần. Hai lần. Dường như Phái và Nghìn rất ít trò chuyện. Nghìn mải mê vẽ. Phái ngồi lặng, ngắm từng nét bút hiện lên những gam màu thần diệu. Phái tìm góc thưởng ngoạn qua những độ chiếu sáng để thỉnh thoảng lại buột miệng kêu lên. “Chà, thật tuyệt. Đúng là tay tiên một vẫy… Nghìn ạ!”. “Anh quá lời khen đấy - Nghìn, vẻ e thẹn - Em mới chỉ là người đam mê nghệ thuật mà thôi”. “Ồ! Mọi sáng tạo phải bắt nguồn từ niềm đam mê đó chứ”. “Vâng. Nhưng thực ra em chỉ là người đang yêu”. “Ừ! Người đang yêu. Đấy là cốt lõi. Dọc hành trình, ai chả đi từng bước bằng tình yêu để vươn tới sự hoàn chỉnh…”

Những đối thoại thật nhẹ, dè dặt giữa Nghìn và Phái thường diễn ra như thế, để lúc nào không biết, Phái giống như người ngấm say một thứ rượu vô hình. Anh thấy nhớ, thấy ám ảnh trong mình những khối hình, sắc màu qua những bức tranh Nghìn vẽ. Phái bảo, nó giống như có con mắt từ những bức tranh luôn soi nhìn và cất lên tiếng gọi làm chộn rộn trong anh. Và Phái thổ lộ. “Phái yêu Nghìn”. “Yêu Nghìn ư? Em không thích lời ngọt nơi đầu lưỡi”. “Nghìn không tin tôi?”. “Tin à? Lời nói với thực tại thì khác xa nhau đấy”. “Không. nghìn ơi! Anh hiểu. Em nghĩ, em là người khập khiễng, thiếu khuyết à? Không đâu. Đấy là kẻ thật nông cạn, giản đơn. Họ chỉ nhìn bề ngoài bằng đôi mắt lệch. Vết thương trên gương mặt em kia, đâu có xấu. Đấy là niềm tự hào, vinh quang của một con người trước sự hiến dâng cho Tổ quốc. Chính em. Ừ. Chính con người Nghìn, ở Nghìn mới chứa đựng cái vẻ đẹp hài hòa”… Không biết nói gì thêm, dường như bị xúc động, Phái ôm chầm lấy Nghìn, run rẩy đặt lên môi người con gái những cái hôn nồng cháy.

Sau lần phá tan được khoảng cách, cái “rào cản” của tình yêu, nơi con tim đang bắt nhập, tìm nhau. Phái như người nghiện. Anh đến thăm Nghìn nhiều hơn. Còn Nghìn dần tin Phái. Cái con người lành trầm, luôn cất giấu một chiều sâu khác lạ. Nghìn bắt đầu cởi mở, không giấu giếm. Nghìn giới thiệu với Phái những bức tranh sơn dầu, bột màu rồi tranh lụa mà Nghìn sáng tác. Nghìn khoe Phái cả một tủ lớn, bộ sưu tập những đồ mỹ nghệ tinh xảo lấp lánh dưới ánh sáng của gian phòng do tay Nghìn thiết kế. Phái càng mê Nghìn. Mê một không gian trữ tình, trong sáng với những tượng đất nung nhỏ xinh, dáng các cô thôn nữ tát nước dưới trăng, nom lung linh hồn vía…

Bây giờ, mỗi lần đến thăm rồi tiễn Phái ra về, Nghìn đều làm Phái hút hồn, mê say trước tiếng đàn thập lục. Nhiều buổi, Phái cố nán lại đề nghị Nghìn độc tấu thêm những khúc ca anh thích. Ngồi ngắm nhìn những ngón tay nhẹ nhàng lướt trên dây đàn hòa cùng giọng hát mênh mang, ấm áp, Phái tưởng căn phòng của Nghìn đang hóa thành bầu trời, biển cả mà chính anh cùng Nghìn với tiếng đàn đang đắm chìm, trôi dạt về một bến bờ xa lắc.  

Rồi, lễ cưới của Nghìn và Phái được tổ chức vào một ngày thu se lạnh. Nắng nhẹ. Gió phảng phất hương cốm đồng mùa gặt. Trong rất nhiều bạn bè đến dự, ai dè, Hảo, bạn Phái từ Hà Nội về dự, lại chính là đồng ngũ, lính tiểu đoàn thông tin cùng Nghìn từ mặt trận Trường Sơn năm trước. Thật may, dây cà dây muống, té ra, họ đều là anh em, đồng đội. Với Nghìn, lễ mừng “song hỷ” hay “tam tứ hỷ” đây? Sau tuần trăng mật, Hảo đứng ra thực thi một chương trình lớn. Hảo về tận nhà đón vợ chồng Phái lên bệnh viện làm đẹp lại vết thương cho Nghìn. Thế là may. Thế là đời Nghìn được đền đáp. Bây giờ Nghìn đã có hai cháu lớn, đứa là nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Đứa đang là sinh viên tại một trường đại học. Còn học trò của cô giáo Nghìn ư? Nhiều em đã trở thành những gương mặt sáng giá. Có em là nhà giáo giỏi, là ca sĩ thành danh. Vậy là Nghìn tương đối hài lòng rồi. Nghìn có một kỷ niệm đáng nhớ, anh ạ…

- Kỷ niệm đẹp chứ?

- Đẹp ư? Chưa hẳn. Nhưng nó gợi nhiều suy ngẫm.  

Nghìn quay người, ngước nhìn tôi đang ngồi trên phiến đá, lắng nghe câu chuyện dài em kể. Giọng Nghìn chậm lại. “Cách đây mấy năm. Hịu, người năm nào cùng em hò hẹn, lấy máu mình viết đơn tình nguyện xin lên đường đánh giặc ấy!”. “Hịu à, người yêu cũ ư”. “Vâng”.. “Có chuyện gì?”. “Hịu tìm gặp em khi anh ta đã trở thành một giám đốc doanh nghiệp có tiếng. Hịu thở than. Hịu bảo. Thông cảm cho Hịu về mối tình dở dang khi trước. Hịu bị lạc đường tìm. Hịu tránh được những năm chiến tranh lửa đạn, nhưng Hịu khổ. Bởi sau nhiều năm lang bạt xứ người, kiếm được nhiều tiền về nước. Cưới vợ, làm giàu. Vợ, con gái một quan chức đầu ngành của tỉnh. Làm ăn phát nhưng hai đứa con Hịu đều dính nghiện, hư hỏng. Vợ Hịu bồ bịch dẫn đến cơ ngơi đổ bể, gia đình ly tán. Bây giờ Hịu trơ ra một mình, thành “trai một” lại bong bóng, đơn côi". “Chà. Hịu muốn làm trang “tái hồi Kim Trọng chăng?” “Mơ à? Làm gì có chuyện ấy nữa anh? Nghìn đã chồng con đủ đầy rồi. Nhưng Nghìn biết vì sao Hịu quay về tìm gặp cái người yêu xa cũ? Một, thất thế. Hai, xem “thế sự” thế nào. Ba, gì gì nữa… Nhưng anh biết em nói với Hịu thế nào không? Anh ạ! Em nhắc lại câu Hịu nói với em trong buổi cuối cùng hai đứa gặp nhau rồi giã biệt. Phía trước chả biết thế nào. Ừ. Tại sao không biết thế nào? Vậy là tại chủ thể, tại cái ta nhìn, ta nghĩ, phải không? Rồi, con đường đi và đến. Vâng! Chẳng có gì ngẫu nhiên. Mọi bến bờ dẫn tới đều có trong nhân quả, trong cái bắt đầu và kết cục của nhiều mối quan hệ ràng rịt, đan quấn lấy nhau"… Nói đến đây, Hịu kêu lên. “Thôi, em đừng nhắc lại nữa. Hịu chết mất. Cuộc đời? Ai tránh khỏi lỗi lầm…”  

- Đúng. Nghìn nói đúng - Tôi nắm chặt tay Nghìn, an ủi - Vạn nẻo đường ta bước, mỗi con người có một lối đi riêng. Em. Cuộc đời đã chọn lựa em, trong “cái có”. Thế là đẹp. Là an lòng để vững tâm mà bước. “Bông hoa rừng" năm nào? Nhất định anh sẽ viết về em trang cuối...

- Em cảm ơn anh. Nhưng, này! Anh vẫn gắn đời mình với nghề báo đấy chứ.

- Ừ. Anh đã “hưu”. Nhưng cái “nghiệp” của người cầm bút, bao giờ bỏ được. Anh đã viết về Nghìn, người lính thông tin dũng cảm trong mưa bom bão đạn. Bây giờ sẽ viết về em. Một cô giáo. Một nghệ sĩ nơi phòng tranh, nơi vang vọng cung đàn… Nơi còn đó “Bông hoa rừng” năm ấy…

-  Cảm ơn anh rất nhiều - Nghìn nói. Nghìn không ngại ngần ôm chầm lấy vai tôi, vẻ thân thiết - Nhất định, sau chuyến đi này, em phải được vinh hạnh đến đón anh tới thăm nhà em đấy...

Tôi sẽ gật đầu thầm hẹn. Nghìn để mãi tay em trong tay tôi ấm nóng. Tôi chợt nhìn vết thương trên má Nghìn, nơi ẩn hiện đâu đó trên gương mặt người con gái đã qua tuổi năm mươi. Nghìn vẫn đẹp. Nhất là miệng cười với nét nhìn thật ấm áp, mộng mơ.

Một tiếng còi xe rít lên tiếng gọi. Tôi đỡ Nghìn đứng dậy, nhập vào đoàn người tiếp tục lên đường.

Bây giờ, tôi đổi chỗ, ngồi sát bên Nghìn để được nghe em trò chuyện nhiều hơn. Chuyến “hành hương” của đoàn cựu chiến binh chúng tôi lại bồng bềnh trên tuyến đường gập ghềnh tìm về mặt trận Trường Sơn năm ấy…

Truyện ngắn củaNGUYỄN NGỌC PHÁT