Trăn trở với từng câu thơ đã viết

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:54, 13/11/2013

Sáng tác được một bài thơ đã khó. Nhưng trăn trở với nó, đọc đi đọc lại từng dòng, từng chữ, để bài thơ "đứng" được càng khó hơn. Nhà thơ Vũ Thành Chung đã làm được như thế.

Năm 2003, để kịp có đủ số lượng bài cùng các nhà thơ Hà Cừ, Kim Chuông ra tập thơ chung Thơ những ngày xa, Vũ Thành Chung hoàn tất bài Trụ cầu được nghiền ngẫm từ năm 1975 khi anh còn ở trong quân đội. Bài thơ có 5 khổ, mỗi khổ 4 dòng, gợi lại một kỷ niệm mà anh đã được trải qua với một cảm xúc đặc biệt: nói về các "trụ cầu" trong một lần vượt sông đi chiến đấu. Sông không còn cây cầu nào nữa. Để phục vụ bộ đội nhanh chóng hành quân vượt sông, ngay trong đêm, các cô thanh niên xung phong đã tự nguyện làm hàng "trụ cầu", làm thành "chiếc cầu chông chênh bắc vội":
Trụ cầu hai mươi cô gái
Đêm xuống nhấp nháy sao trời
Tuổi mười tám, đôi mươi se sẽ tiếng cười


Lòng dũng cảm, sự dấn thân sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh về mình của các cô đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ: Hừng hực trong lòng chúng tôi bốc lửa/Nghiêng bàn chân sải nhẹ qua cầu. Và chính cái gan đồng dạ sắt của bộ đội và thanh niên xung phong ấy đã góp phần lập những chiến công ngay trên dòng sông - chiến trường của họ. Vũ Thành Chung ca ngợi chiến công, nhưng lại nghiêng về các cô gái làm "trụ cầu":
Ngày ấy
Một ngày mười trận bom
đất chi chít hố sâu
chia đều mỗi người dư tám quả
cầu ta sập. Giặc trả bằng cái giá
năm máy bay tan tác dưới lòng sông.


Chiến tranh đã qua đi, huyền thoại "trụ cầu sống" vẫn còn mãi, để cho tác giả thảng thốt: Các em đâu rồi? Năm tháng yêu thương?/Năm tháng ra đi, cái nhìn gửi lại/Trụ cầu hai mươi cô gái. Bài thơ như một bức tượng đài về một cây cầu mà trụ của nó là tính mạng, tình yêu và lòng yêu nước của hai mươi cô gái, như ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn...

Bài thơ Trụ cầu sau đó đã được nhà thơ sửa lại sao cho toát lên chủ đề của bài thơ và in lại trong một tập thơ riêng. Ví dụ, khổ đầu, khổ giữa và khổ cuối, có ba lần giới thiệu "trụ cầu là hai mươi cô gái". Đặt từ "là" ở đây, thơ thành văn xuôi. Phải bỏ "là", để trụ cầu gắn chặt với hình ảnh cảm động là con người: Hai mươi cuộc đời kết thành sắt đá. Hai câu Đêm ấy vội vàng/Súng đạn nặng trên vai/Rét căm căm gió xạc xào tàu lá cũng được sửa lại khá xác đáng. "Súng đạn nặng trên vai", hình như cụ thể quá, làm giảm sức nặng của vũ khí đang đè gập lên người chiến sĩ. Và "xạc xào tàu lá" cũng không chính xác, vì người lính đang ào ào xung trận, đâu để ý riêng rẽ đến "tàu lá" ven đường. Hai câu thơ trở nên chắc, mạnh, có sức truyền cảm (dòng thơ đầu được ngắt làm đôi):
Đêm ấy vội vàng
Súng đạn nặng vai
Rét căm căm gió xạc xào tán lá


Ở khổ giữa, nhà thơ cũng cân nhắc, sửa chữa một số từ rất quan trọng. Nguyên văn ban đầu: Cầu ta sập giặc trả bằng cái giá/năm máy bay tan nát dưới lòng sông. "Tan nát" thì thô, ý hẹp và có phần khẩu ngữ thông thường. Tác giả đã thay từ "nát" bằng từ "xác": năm máy bay tan xác dưới lòng sông, vừa giàu hình ảnh, lại vừa chính xác, bởi máy bay rơi sau khi trúng đạn của quân và dân ta, đâu đã mấy cái "tan nát"? Cũng cần lưu ý một điều. Câu Cầu ta sập giặc trả bằng cái giá, cũng được tác giả ngắt làm đôi, làm cho câu thơ hừng hực lửa chiến đấu và chiến thắng.

Bài thơ Trụ cầu chỉ là một trong số rất nhiều bài thơ làm năm 2003 được Vũ Thành Chung chăm chút, nghiền ngẫm sửa lại như Thơ Dâng, Dòng sông tôi yêu, Tặng Hoa..., chứng tỏ một sự lao động nghiêm túc trong thơ, rất cần được các nhà thơ lưu ý.

Trụ cầu

Vượt qua chiếc cầu
chông chênh bắc vội
Trụ cầu hai mươi cô gái
Đêm xuống nhanh nhấp nháy sao trời
Tuổi mười tám, đôi mươi se sẽ tiếng em cười

Đêm ấy vội vàng
súng đạn nặng vai
Rét căm căm gió xạc xào tán lá
Hừng hực trong lòng chúng tôi bốc lửa
Nghiêng bàn chân sải nhẹ qua cầu

Ngày ấy
Một ngày mười trận bom
đất chi chít hố sâu
chia đều mỗi người dư tám quả
Cầu ta sập. Giặc trả bằng cái giá
năm máy bay tan xác dưới lòng sông

Trụ cầu Hai mươi cô Thanh niên xung phong
Hai mươi cuộc đời kết thành sắt đá
Bao năm rồi dòng sông quê còn đó
Bóng hoa chân cầu bình thản đứng soi gương

Các em đâu rồi?
Năm tháng yêu thương
Năm tháng ra đi, cái nhìn gửi lại
Trụ cầu hai mươi cô gái
Mãi còn đây huyền thoại - Đất quê mình.

                                                        1975-2003

 VŨ THÀNH CHUNG