Ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản trong năm 2014

Tin tức - Ngày đăng : 05:42, 16/11/2013

Ngày 15-11, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 21.



Ðại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phát biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Giao thông đường thủy nội địa .
Ảnh: TTXVN

Trong phiên làm việc buổi sáng, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014.

Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương năm 2014 là 495.189 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 287.511 tỷ đồng, tổng số chi ngân sách Trung ương là 719.189 tỷ đồng (bao gồm cả 211.585 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương). QH cũng giao nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, cơ quan Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của Nhà nước và nghị quyết. QH cũng đồng ý với chủ trương, chỉ đạo các bộ, ngành ưu tiên bố trí vốn trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có khả năng đưa vào sử dụng trong năm 2014. Bên cạnh đó hạn chế khởi công dự án mới. Các dự án có quyết định đầu tư thực hiện đúng lượng vốn được giao, không làm phát sinh vốn. UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thực hiện dự án đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH về ý kiến đề nghị tăng chi cho sự nghiệp y tế và một số ngành, lĩnh vực như cải cách tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật... tại phiên họp ngày 12-11-2013, Ủy ban Thường vụ QH đã có báo cáo tiếp thu và giải trình ý kiến đại biểu QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó chỉ rõ mức bố trí tăng chi cho sự nghiệp y tế bảo đảm cao hơn mức tăng chi bình quân của tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các đại biểu QH đã nêu, việc bố trí kinh phí cho sự nghiệp y tế và cho hầu hết các ngành, lĩnh vực hiện còn ở mức thấp so với nhu cầu. Trong bối cảnh khó khăn chung của cân đối ngân sách nhà nước, nhiều nhiệm vụ chi chưa được bảo đảm, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị các đại biểu chấp thuận mức bố trí kinh phí như Chính phủ trình.

Về đề nghị phân bổ ngân sách Trung ương nên chú trọng ưu tiên các vùng, địa phương gặp nhiều khó khăn, vùng bị thiệt hại do thiên tai; các dự án về giao thông, y tế, thủy lợi, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, trong phương án phân bổ ngân sách Trung ương, việc đầu tư cho các vùng, địa bàn khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ đã được chú trọng, ưu tiên.

Để việc thu, chi ngân sách năm 2014 hiệu quả, QH giao Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tài chính ngân sách và các ủy ban, đoàn đại biểu QH, đại biểu QH giám sát việc phân bổ ngân sách.

Cũng trong phiên họp buổi sáng, QH đã xem xét về tổ chức nhân sự của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của QH. Sau đó, QH đã biểu quyết việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH với 80,52% tổng số đại biểu tán thành.

QH đã nghe Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình danh sách đề cử để QH bầu bổ sung. Đồng chí Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu QH tỉnh Nghệ An được đề cử vào vị trí Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH. Các đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, đại biểu QH tỉnh Lạng Sơn được giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phạm Trí Thức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Nguyễn Văn Tuyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đại biểu QH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu QH tỉnh Bến Tre được giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Vũ Hải Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, đại biểu QH tỉnh Đồng Nai được giới thiệu bầu giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Buổi chiều, QH làm việc tại tổ, thảo luận về hai dự án: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Thảo luận về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu đề nghị xây dựng dự án luật cần phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia và bình đẳng trong quan hệ quốc tế; kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế, mở rộng đối ngoại với bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thể chế hiện hành.

Các đại biểu Phạm Bình Minh, Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng, không nên quy định quá nhiều những loại ký hiệu thị thực như trong dự thảo mà chỉ cần quy định một số loại chính như: thị thực ngoại giao, thị thực lao động và các loại thị thực khác giống như quy định trong luật xuất nhập cảnh của các nước trên thế giới hiện nay. Đối với thời hạn thị thực, đại biểu Minh đề nghị nên tách và quy định riêng về thời hạn cấp thị thực và thời hạn tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời cần quy định thời hạn thị thực dài hơn 12 tháng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào nước ta.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật phải bảo đảm các thủ tục thuận lợi cho “người ngay”, còn với “kẻ gian” phải có hàng rào để ngăn chặn, phòng ngừa. “Thực tế đã có nhiều người nước ngoài lợi dụng con đường du lịch để ở lại cư trú, làm ăn phi pháp ở nước ta. Ngược lại, quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải hết sức văn minh, phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài tại Việt Nam. Nếu những thủ tục này gây phiền nhiễu, bất lợi thì sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đối ngoại của chúng ta”, đại biểu Nghĩa nói.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu cơ bản tán thành với những căn cứ về sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, các đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Bùi Văn Xuyên (Thái Bình), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng dự án luật còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và các bộ quy định. Đại biểu Phạm Xuân Thăng cho rằng, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, nhưng sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan cứu nạn còn hạn chế. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền; tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông đường thủy. Đại biểu Thăng đề nghị ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng như của các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn... trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, cần nhấn mạnh quy định của các cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra.

Ngày 16-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH tiếp tục xem xét về công tác nhân sự; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư công; thông qua Luật Việc làm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật Hải quan (sửa đổi).


TTXVN-TT-VOV-NA